Cần bảo đảm tầm nhìn & tính dự báo

|

Là loại hình nghệ thuật duy nhất có riêng một bộ luật nhưng sau 13 năm ra đời, Luật Điện ảnh 2006 đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập và cần có sự điều chỉnh phù hợp. Mới đây, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công bố rộng rãi và lấy ý kiến của các cơ quan cùng tổ chức có liên quan tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, làm thế nào để thỏa mãn được yêu cầu mà NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đề ra “luật sửa đổi lần này cần bảo đảm cả tầm nhìn lẫn tính dự báo để khi được thông qua vào năm 2021 sẽ không tụt hậu với thực tế” thì vẫn là bài toán khó.

Luôn rơi vào thế bị động

Ba năm về trước, tám doanh nghiệp điện ảnh nội địa cùng kêu cứu, khi cùng rơi vào tình cảnh bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia và khi không chấp nhận thì bị từ chối đưa phim Việt vào phát hành tại hệ thống rạp của họ. Sự áp đặt của doanh nghiệp Hàn Quốc này đã vi phạm Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” nhưng Bộ VHTTDL cũng chỉ có thể yêu cầu CGV ngồi lại đàm phán cùng các đơn vị trên để giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng. Bởi như Chủ tịch Hội ĐAVN Đặng Xuân Hải lý giải, “trong đàm phán gia nhập WTO, ta đã bỏ qua quy định hạn ngạch phim nhập khẩu nên tạo điều kiện cho các đơn vị nước ngoài thoải mái nhập phim ngoại (hiện chiếm 75%) và tăng tốc đầu tư xây dựng các cụm rạp hiện đại ở đô thị lớn để phát hành chủ yếu loại phim này”.

Đề xuất của ông, rằng nên gài thêm vào bộ luật (sửa đổi) một số quy định có tính rào cản kỹ thuật (như tăng thuế nhập khẩu phim ngoại, ràng buộc tỉ lệ đầu tư sản xuất phim Việt cố định trên tỉ lệ nhập phim ngoại, tăng dần tỷ lệ phim Việt chiếu rạp...) là hợp lý nhưng có vẻ... đã quá muộn! Khi ở thời điểm hiện tại, hai “ông lớn” chiếm thị phần rạp chiếu lớn nhất Việt Nam là CGV (44%) và Lotte (20%) đều có vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Tuy đã hết sức nỗ lực xây dựng rạp chiếu để không bị o ép trong quá trình đàm phán nhưng những doanh nghiệp nội như BHD, Galaxy, Sóng Vàng... vẫn chỉ có tiếng nói rất khiêm tốn, khi đưa phim của mình ra rạp. Vì thế, nhiều phim Việt dù được đánh giá cao thời gian gần đây như Song Lang, Thưa mẹ con đi... vẫn phải cay đắng bỏ cuộc bởi chỉ chen được vào vài suất chiếu giờ thấp điểm mỗi ngày. Và những giọt nước mắt của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, khi Tấm Cám chuyện chưa kể không thể vào được hệ thống CGV do tỷ lệ ăn chia quá thấp đã minh chứng một điều, việc doanh nghiệp nội có thể cân bằng thị phần rạp chiếu là giấc mơ nằm ngoài tầm với.

Mới đây, việc bộ phim Vợ ba sử dụng diễn viên trẻ em trong những trường đoạn nhạy cảm đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Soi chiếu dưới góc độ Luật Lao động và Luật Trẻ em, đại diện các cơ quan quản lý đều cho rằng sự góp mặt của cô bé 13 tuổi trong phim này là phạm luật. Nhưng Luật Điện ảnh chưa hề tính đến trường hợp này nên ngoài việc đoàn phim xin rút phim khỏi hệ thống rạp chiếu dù đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia cấp phép, câu chuyện vẫn chưa thể đi đến hồi kết với những câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, phim chiếu mạng (web drama) bùng nổ và trở thành một trào lưu, khi theo báo cáo của Công ty Nielsen, hiện có tới 92% người dùng internet Việt Nam có thói quen xem video trực tuyến hằng tuần, đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông-Nam Á. Với lợi thế khá thoáng về đầu ra (không bị gò bó đề tài, thể loại, không bị kiểm duyệt nội dung trước khi lên mạng, không bị phụ thuộc lịch phát sóng của nhà đài hay lịch phát hành của chủ rạp), web drama đã trở thành sân chơi hấp dẫn, nơi các nhà làm phim nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp cùng những “ông lớn” trong lĩnh vực giải trí đều ưu tiên đầu tư. Nhưng trào lưu ấy cũng cho ra đời nhiều tác phẩm phạm luật (Luật Giáo dục - Luật Trẻ em - Luật Thuế...) nhưng lại không quy được trách nhiệm quản lý, không có cơ chế xử phạt vì chưa được đề cập trong Luật Điện ảnh. Vì thế, khai thác và phổ biến phim trên môi trường internet, trên các nền tảng số cũng như thiết bị cá nhân là một nội dung hoàn toàn mới được đề nghị bổ sung vào dự thảo sửa đổi lần này. Nhưng với nhiều người có tính lo xa, tới thời điểm dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2021, có gì bảo đảm những nội dung này không trở nên lỗi thời hoặc tiếp tục xuất hiện những vấn đề mới toanh, chưa từng tiên liệu?

Rồi còn quy trình duyệt phim lúc chặt lúc lỏng, việc dán nhãn phim lúc chuẩn lúc không, nhiều quyết định cắt gọt vì phim vi phạm “thuần phong mỹ tục” hoặc “nhạy cảm” thiếu tính thuyết phục. Thực tế đời sống đang biến đổi vô cùng phức tạp từng ngày từng giờ ấy đều đặt ra yêu cầu thay đổi. Và Luật Điện ảnh (sửa đổi) rất cần có sự diễn giải mạch lạc, chính xác kèm những quy định chi tiết với tiêu chí rõ ràng để giới nghệ sĩ “tâm phục khẩu phục”. Quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thách thức phải đối mặt và giải quyết để có thể nắm quyền chủ động trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển ĐAVN nhớ lại: “Ngay trong hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật được tổ chức năm 2016, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Minh Thái đã cho rằng có tới 2/3 số điều trong Luật không còn phù hợp hoặc bị phủ định bởi các luật khác”. Gấp rút soạn thảo những điều khoản bổ sung và sửa đổi vào thời điểm này cũng đã là rất muộn.

Trào lưu làm phim chiếu mạng (web drama) mà Thập tam muội là một minh chứng đã khiến Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) phải bổ sung thêm nội dung “khai thác - phổ biến phim trong môi trường internet”.

Để không tụt hậu với thực tế

Được Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 29-06-2006 nhưng chỉ sau ba năm triển khai, Luật Điện ảnh 2006 (Luật số 62/2006/QH11) đã nhanh chóng phải sửa đổi, bổ sung một số điều luật vốn không còn phù hợp với thực tiễn của đời sống điện ảnh nước nhà. Thế nhưng, cũng chỉ sau một thập kỷ đi vào cuộc sống, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (Luật số 31/2009/QH12, có hiệu lực từ 01-10-2009) lại một lần nữa đứng trước yêu cầu phải gấp rút chỉnh lý, để không còn rơi vào tình thế bị động, khi sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin - kỹ thuật số đã và đang đặt ra quá nhiều vấn đề mới mẻ khiến các cơ quan quản lý hết sức đau đầu khi tìm hướng giải quyết.

Là một thị trường có đà tăng trưởng mạnh, doanh thu điện ảnh những năm gần đây đều đặn đạt mức tăng trung bình từ 25 đến 30% mỗi năm. Nếu năm 2000 mới đạt hai triệu USD thì tới năm 2015, doanh số đã vượt ngưỡng 100 triệu USD và xấp xỉ 150 triệu USD là số tiền thu được của cả năm 2018. Tuy lượng phim Việt được sản xuất ngày càng tăng, hiện đã lên tới 50 - 60 đầu phim/ năm nhưng theo ông Nguyễn Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục ĐAVN thì kinh phí đầu tư trung bình cho một phim truyện hiện nay từ 12 đến 20 tỷ đồng nhưng chỉ có khoảng 10% thu hồi được vốn sản xuất hoặc đạt doanh thu cao, số còn lại là thua lỗ. Nhiều chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa đã được các đơn vị đề xuất như “bảo đảm thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như một cơ chế đối xử bình đẳng giữa phim điện ảnh nội - ngoại” hay “thiết kế các rào cản thương mại để hỗ trợ ĐAVN phát triển”, như “cần có các chính sách ưu đãi phù hợp và khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp điện ảnh” hay “quy định chính sách đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước”... Nhưng luật hóa những chính sách đó không hề đơn giản khi đặt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào khá nhiều hiệp định thương mại quốc tế quan trọng và phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi điều khoản ký kết.

Và để có thể soạn thảo một bộ luật sửa đổi thật sự là hành lang pháp lý, có giá trị điều chỉnh hoạt động điện ảnh một cách lâu dài mà không lạc hậu thì theo TS Ngô Phương Lan, việc nhận thức lại những xu hướng chủ yếu của thị trường điện ảnh như tiêu dùng tuỳ chỉnh - tái lập trình tự kênh phát hành nội dung - nội dung vẫn là “vua” nhưng phải có năng lực thích nghi - dữ liệu đi đầu (data first) phải được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo.