Bình tĩnh với... amip “ăn não”

|

NDO - Lần đầu tại Việt Nam, hai ca bệnh được xác nhận tử vong do mắc phải loại amip “ăn não” người khiến nhiều người hoang mang. Vậy amip “ăn não” là loại ký sinh trùng nguy hiểm đến đâu? Cách phòng ngừa như thế nào?

NHẬN DIỆN BỆNH

Bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, Phú Yên) tử vong sau hai ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam mắc phải loại ký sinh trùng ăn não Naegleria fowleri. Một tháng sau, một em bé sáu tuổi ở TP Hồ Chí Minh cũng tử vong do áp xe não và kết quả xét nghiệm cho thấy cũng bởi loài ký sinh trùng Naegleria fowleri. Kết quả này khiến người dân hoang mang.

PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ký sinh trùng Naegleria fowleri tồn tại khá phổ biến trong tự nhiên như nước sông, hồ, suối nước nóng và trong đất. Ở môi trường nước, ký sinh trùng sống tự do và ăn vi khuẩn. Nhưng khi xâm nhập vào đường mũi, chúng sẽ đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác và ngược lên não. Khi đã ở não, chúng không di chuyển mà cư trú ở một vị trí nhất định, sinh sôi nảy nở, ăn các tế bào thần kinh và tiến triển nhanh ở dạng bệnh viêm não, viêm màng não.

Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này trong trường hợp tiếp xúc nhiều dưới nước, để nước ngập đầu hoặc bị nước xộc mạnh vào mũi. Điều kiện này thuận lợi cho sự xâm nhập và tồn tại của ký sinh trùng nguy hiểm này.

Trưởng khoa Vi-rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), TS, BS Nguyễn Tiến Lâm bày tỏ: “Nghe đến amip “ăn não”, người ta dễ hoảng sợ bởi một danh từ lạ, có cảm giác kinh khủng. Nhưng so với những nguyên nhân gây tổn thương não, màng não mà chúng ta thường xuyên gặp như viêm màng não mủ do não mô, viêm não Nhật Bản B, viêm não do sởi, do rubella... thì loại ký sinh trùng này khá hiếm gặp”.

Trong vòng 50 năm, từ năm 1962 đến 2011, chỉ có 123 người mắc bệnh này ở Mỹ. Dẫu vậy, đây là một bệnh nguy hiểm, hầu hết gây tử vong. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh này về mặt lâm sàng giống viêm màng não do các căn nguyên khác gây nên.

KHÔNG LÂY TỪ NGƯỜI SANG NGƯỜI

PGS, TS Nguyễn Trần Hiển cho biết: Ký sinh trùng Naegleria không có khả năng lây từ người sang người, cũng không có khả năng gây thành dịch. Khi uống phải nước bị nhiễm sinh vật đơn bào này cũng không bị mắc bệnh mà chỉ có nguy cơ khi bị sặc nước có chứa sinh vật này lên đường mũi, từ đó theo thần kinh khứu giác lên não và gây viêm não.

Vì cơ chế gây bệnh là xâm nhập vào đường hô hấp vùng mũi xoang nên với những người có niêm mạc mũi họng dễ tổn thương (sẵn bệnh lý về mũi họng, xoang mãn tính) là những đối tượng có nguy cơ cao hơn người khác. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại là rất hiếm gặp.

Cách phòng bệnh chắc chắn nhất là hạn chế hay không có các hoạt động liên quan đến nước ấm, nước nóng trong tự nhiên như lặn trong nước hay hít vào mũi nước không được tiệt trùng đúng cách. Vì những lý do trên người dân không nên quá hoang mang khi đến những hồ bơi đủ tiêu chuẩn.

.............................

Các triệu chứng đầu tiên của hội chứng viêm não, màng não xuất hiện khoảng năm ngày sau nhiễm trùng, bao gồm đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng muộn có thể bao gồm cổ cứng, lú lẫn, mất tập trung, mất thăng bằng, chứng ảo giác và co giật. Sau đó bệnh tiến triển nhanh và thường dẫn đến tử vong trong vòng năm ngày. Do đó, khi có các triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, có thể giảm nguy cơ tử vong.