Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm

|

Tôi ấn tượng mãi về chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình vào ngày 9-7-2013. Kết thúc công việc của buổi sáng, đúng 11 giờ 30 phút, Ðoàn công tác của Chủ tịch nước không về trụ sở UBND tỉnh mà về thẳng xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ.

Tại đây Chủ tịch nước trực tiếp trao đổi chuyện mớ rau con cá, con lợn, con ngao với bà con nông dân ngay trên đường làng, ngay trên đầm nuôi tôm cá. Những đầm nuôi ngao, nuôi tôm các huyện ven biển Thái Bình, do không có thị trường tiêu thụ phải ngừng nuôi, ngổn ngang, hoang vắng. Ðứng ở đây mới hiểu vì sao Chủ tịch nước quyết định khảo sát thực địa. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Phạm Xuân Ðương và Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Ðặng Kim Sơn, Chủ tịch nước nói như tâm sự: “Về dự Lễ khai ấn Ðền Trần của Thái Bình, cả đêm tôi trăn trở không ngủ được với câu hỏi: “Vương triều Trần đã từng làm rạng rỡ non sông, giống nòi nhưng vì sao chỉ tồn tại được 175 năm. Phải chăng vì quan không nghe dân, cận thần không nói thật với bề trên?”. Bởi vậy, xây dựng đề án cấu trúc lại nền kinh tế nông nghiệp, đề nghị các đồng chí nói thẳng, nói thật, nói hết những khó khăn, vướng mắc không đáng có với một tỉnh có trình độ thâm canh vào bậc nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang suy thoái, thị trường nông sản xuất khẩu bị thu hẹp”.

Các đồng chí lãnh đạo Thái Bình đã báo cáo đầy đủ tình hình nông nghiệp, nông thôn với Chủ tịch nước. Kết thúc cuộc làm việc, Chủ tịch nước nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Khi làm ăn tấn tới, thuận buồm xuôi gió là lúc chúng ta phải lường trước những khó khăn, trắc trở để ứng phó. Khi gặp sóng to, gió lớn, người lãnh đạo hơn ai hết phải hết sức bình tĩnh chèo chống tìm cách thoát hiểm. Khi đã tìm ra phương cách rồi, không chần chừ do dự, phải thực hiện cho kỳ được.

Lại một chuyến đi tháp tùng Chủ tịch nước, kỷ niệm còn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Mờ sáng ngày 15-4-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rời Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam chủ trì lễ truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng Huân chương Sao Vàng, đến dâng hương tưởng niệm cụ Huỳnh tại nhà riêng của cụ nay đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia. Gần trưa, Chủ tịch nước lên viếng mộ cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn Ðông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quá trưa Chủ tịch nước rời cảng Kỳ Hà xuống thuyền ra thăm đảo Lý Sơn. Nắng như đổ lửa xuống mặt biển trong xanh. Ðặt chân lên đảo, cát nóng bỏng như rang, vậy mà Chủ tịch nước ngồi đối thoại với ngư dân ngay bên bãi biển. Sự gần gũi chân tình của vị Chủ tịch nước khiến người dân trên đảo cởi mở nói thật, nói hết những khó khăn thách thức nghiệt ngã do “thiên tai, nhân tai” gây nên. Trước khi rời đảo, Chủ tịch nước ân cần căn dặn bà con ngư dân: Bà con ta phải tuyệt đối không được vi phạm chủ quyền biển, đảo của các nước láng giềng. Người của nước khác vi phạm chủ quyền biển, đảo, ngăn cản việc làm ăn bình thường của bà con trên biển thì phải kịp thời báo cáo về cho cấp có thẩm quyền trong đất liền biết để xử lý. Bà con cứ yên tâm đánh bắt xa bờ. Ðồng bào cả nước luôn hỗ trợ, đùm bọc bà con.

Hai tháng sau, ngày 19-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta sang thăm Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trong cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh nghề cá liên quan đời sống và lợi ích của hàng triệu ngư dân Việt Nam; đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề này, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân. Chủ tịch nước đề nghị ngành nông nghiệp hai nước cần phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá đã được ký kết trong dịp này. Khai thông, mở rộng thị trường, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, nhất là rào cản thương mại được Chủ tịch nước hết sức quan tâm trong hoạt động đối ngoại của mình. Với phương châm, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cho nên hầu hết những chuyến đi công tác địa phương của Chủ tịch nước đều diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần. Còn nhớ vào lúc 12 giờ (giờ địa phương) ngày 28-7 năm ngoái, trong cuộc gặp mặt báo chí sau khi kết thúc hội đàm cấp cao Việt Nam - Mỹ. Trong cuộc gặp có các chi tiết lý thú, Tổng thống Ô-ba-ma nhắc lại ý nguyện “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Tru-man đề ngày 16-2-1946 mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa trao tặng Tổng thống. Trước sự chứng kiến của báo chí truyền thông có mặt tại phòng Bầu dục hôm đó, Chủ tịch nước ta cảm ơn Chính phủ Mỹ đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam định cư tại Mỹ nay là người Mỹ gốc Việt sớm ổn định cuộc sống, làm ăn.

Cùng thời gian này năm ngoái, đồng chí Chủ tịch nước lên dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Lừa, trong khu Di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang. Bên cạnh cây cầu dẫn vào lán, có tấm bia mới được dựng ghi lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời mọi người đến bên cạnh tấm bia và nhẹ nhàng ý nhị: “Bác Hồ dạy chúng ta bằng những lời rất mộc mạc, dễ hiểu, chúng ta phải cả đời học và làm theo lời dạy của Người”.