Huy động tổng lực vực dậy du lịch nội địa

|

Xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, cho nên đẩy mạnh kích cầu du lịch không đơn thuần là nhiệm vụ của ngành. Trên thực tế, đã nhìn thấy sự chung tay góp sức, nhập cuộc rốt ráo mạnh mẽ từ các cấp ngành nhằm liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau trong nỗ lực chung vực dậy nền công nghiệp không khói nước nhà. Các công ty du lịch kết hợp với nhà hàng khách sạn thiết kế các sản phẩm trọn gói đáp ứng tiêu chí chất lượng, an toàn với mức giá hấp dẫn. Đối với ngành hàng không, tất cả các hãng bay đồng loạt mở thêm chặng bay mới, tăng tần suất bay; Di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh ở hầu hết tỉnh thành đều áp dụng miễn, giảm phí tham quan... Các chuyên gia, doanh nghiệp doanh nhân, nhà cung cấp dịch vụ... đều có cái nhìn khá lạc quan trước nỗ lực mạnh mẽ của cộng đồng. Hàng loạt những giải pháp được đề xuất nhằm xây dựng nên một diện mạo mới của ngành du lịch đầy phấn chấn. 

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines): Ngành hàng không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng

Ngay khi thông điệp Việt Nam an toàn được Tổng cục Du lịch phát ra, bằng các gói kích cầu đặc thù, Vietnam Airlines đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ngành du lịch nước nhà. Cùng với sự vào cuộc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các hiệp hội, ban, ngành, một chiến dịch kích cầu du lịch đã được phát động và triển khai rộng khắp trên cả nước. Chúng tôi đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp để cùng ngành du lịch Việt Nam từng bước khôi phục thị trường sau đại dịch. Theo đó, Vietnam Airlines đã gấp rút nghiên cứu để phục hồi, khai thác trở lại hai đường bay tới vùng Đông Bắc Bộ là TP Hồ Chí Minh - Vân Đồn, Đà Nẵng - Vân Đồn (Quảng Ninh). Đây là chặng bay quan trọng bởi đón các luồng khách từ miền trung, miền nam bay thẳng đến Vịnh Hạ Long. Từ đây, tuyến đường bộ phát triển rộng khắp và hết sức thuận lợi để du khách chủ động chọn cho mình chốn dừng chân tiếp theo trong mạng lưới du lịch nổi tiếng ở các tỉnh phía bắc Cao - Bắc - Lạng...

Hưởng ứng chương trình Kích cầu du lịch nội địa của Hiệp hội Du lịch, chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vietnam Airlines đã liên tiếp mở các đường bay nội địa mới và giới thiệu nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Trong tháng 5, Vietnam Airlines đã mở thêm năm đường bay nội địa. Tháng 6 này, hãng tiếp tục khai thác thêm 6-8 đường bay, nâng tổng số đường bay nội địa của hãng lên hơn 50. Số lượng chuyến bay toàn mạng nội địa trung bình của Vietnam Airlines hiện đạt gần 300 chuyến/ngày. Ngành hàng không và du lịch vốn có mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ với nhau. Do đó, thúc đẩy quá trình phục hồi ngành du lịch cũng là hồi phục ngành hàng không, thời gian tới, Vietnam Airlines tiếp tục tăng tải trên các đường bay nội địa. Năm nay, khi mùa nghỉ hè của học sinh chính thức bắt đầu vào tháng 7 tới, dự kiến số lượng khách hàng của Vietnam Airlines vận chuyển nội địa sẽ lên đến 1,5 triệu lượt. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng chào đón phục vụ khách hàng.

Vietnam Airlines cũng đang rầm rộ triển khai các chương trình ưu đãi giá vé hấp dẫn như vé rẻ cả gói, vé bay các đường bay mới giá 66.000 đồng/chiều từ 6-6 đến 12-6... Hãng cũng phối hợp với các công ty lữ hành, các tập đoàn khách sạn, resort trên toàn quốc đưa ra mức giá vé máy bay ưu đãi để tạo điều kiện cho các đối tác xây dựng tour du lịch trọn gói chất lượng cao với giá thành hấp dẫn.

Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tăng tải trên các đường bay nội địa để chuẩn bị cho quá trình phục hồi thị trường hàng không tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm sự an toàn cho du khách cũng như truyền thông về vấn đề này luôn được chú trọng, nhằm tạo chất lượng hoàn hảo cho du khách trong suốt hành trình trải nghiệm.

PGS,TS Bùi Thanh Hương, Đại học Châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản): Cần hướng tới sức mạnh nội tại để cân bằng

Phát triển du lịch trong nước theo hướng hài hòa giữa khai thác sử dụng tài nguyên với phát triển bền vững, cộng đồng cùng hưởng lợi luôn là điều ngành du lịch hướng tới. Để đạt được điều đó cần sự phối hợp đồng bộ của rất nhiều bên có lợi ích liên quan đến tài nguyên và cách thức sử dụng tài nguyên. Hiện nay, trong nghiên cứu quy hoạch du lịch, chúng tôi khá nghi ngờ quan điểm “bền vững” trong sử dụng tài nguyên vì quả thực rất khó để đo lường và đánh giá mức độ “bền vững”, cần rất nhiều thời gian và phương tiện đa diện để đo lường được mức độ bền vững của phát triển, 10 hay 20 năm? Có một hướng suy nghĩ mới về vấn đề cân đối sử dụng tài nguyên và lợi ích cộng đồng là khái niệm “khả năng phục hồi, tái tạo” của tài nguyên và của cộng đồng sau những biến cố quan trọng. Điều này có nghĩa là các phương án phát triển sẽ tập trung vào xây dựng nâng cao khả năng đáp ứng của tài nguyên và con người với những biến đổi bên trong và bên ngoài. Sự bền vững sẽ đến từ khả năng đáp ứng, thay đổi và phục hồi sau biến cố. Quan điểm này đã được chứng minh trong thời gian đại dịch vừa qua. Nếu có khả năng đáp ứng và phục hồi tốt, điểm du lịch và cộng đồng sẽ vượt qua khó khăn và phát triển bền vững, thay vì suy thoái và bị loại bỏ.

Để tăng cường khả năng phục hồi và đáp ứng của tài nguyên và cộng đồng, chỉ có một cách là nâng cao sức mạnh nội tại cho cộng đồng địa phương, thay vì trông chờ nguồn lực từ bên ngoài. Xây dựng cộng đồng mạnh từ bên trong, tin tưởng và được trợ lực bởi chính mình, các doanh nghiệp trong nước và từ nguồn khách nội địa. Người Việt đầu tư cho người Việt, sử dụng tài nguyên của nước Việt để phục vụ người Việt, đó là cách thức xây dựng sức mạnh nội tại hướng tới cân bằng sử dụng tài nguyên và phát triển bền vững.

Đại dịch Covid-19 là một phép thử rất đau đớn với du lịch nói chung, nhưng đây cũng là thời điểm vàng cho ngành du lịch Việt Nam xem xét lại chính sách phát triển, sàng lọc khách, suy nghĩ lại về cách thức tiếp cận thị trường và xây dựng sản phẩm để dần loại bỏ các mô hình chạy theo lợi nhuận, chạy theo số lượng trước đây. Và đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn nhận đánh giá lại thị trường nội địa để tạo nội lực phát triển cho ngành du lịch trong tương lai.

Bà Trần Việt Nga, Giám đốc Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Việt Nam (Vietnamresorts): Đây là dịp để định vị lại thị trường

Để thu hút khách thì cần phải biết khách cần gì và tìm kiếm điều gì từ điểm đến du lịch, từ đó doanh nghiệp và cộng đồng địa phương mới có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn. Thu hút khách phải dựa trên nguyên lý kinh tế thị trường, bán sản phẩm, dịch vụ khách cần, không phải bán cái doanh nghiệp có, không phải mục tiêu là bán sản phẩm mà đưa ra các phương án du lịch hợp lý để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề họ đang gặp phải, thí dụ sức khỏe, tâm linh, nhu cầu kết nối xã hội, nhu cầu nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Người làm du lịch cũng cần định vị lại thị trường khách sau đại dịch. Chúng tôi hiểu, khách hàng của mình sẽ cẩn trọng hơn trong việc đi lại, cũng như trong chi tiêu, bởi hầu hết khách du lịch đều đặt yêu cầu về an toàn lên trên hết. Về điểm này, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn, thân thiện với du khách quốc tế. Đây là điểm sáng cho công tác truyền thông, quảng bá, tạo uy tín và sự tin cậy cho khách hàng khi lựa chọn điểm đến.

Tuy nhiên, tôi thấy có một vấn đề là các doanh nghiệp làm du lịch ở Việt Nam hiện nay quá chú trọng đến thu hút khách quốc tế, có phần chưa đầu tư đúng mức tới thị trường nội địa, trong khi với một quốc gia gần 100 triệu dân và thu nhập bình quân đang tăng nhanh như Việt Nam, đây quả là thị trường rất lớn và giàu tiềm năng. Tỷ lệ khách nội địa và quốc tế thường là 10/1. Tâm lý khách du lịch nội địa cũng rất đa dạng, mang tính mùa vụ, nhưng người Việt có xu hướng khá thoáng trong chi tiêu cho du lịch. Cần tìm hiểu kỹ càng và xây dựng sản phẩm cho khách nội địa trong thời điểm sau đại dịch.

Vietnamresorts luôn đề ra và tuân thủ triệt để phương châm giảm giá nhưng không giảm chất lượng; không phá giá lũng đoạn để các doanh nghiệp làm du lịch rơi vào tình trạng “làm khó” lẫn nhau... Thực tế, nhiều đơn vị làm du lịch liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá dịch vụ... nhằm thu hút khách, kích cầu du lịch theo tôi chưa hẳn là giải pháp tốt mà chỉ là phương án tạm thời, không có tính lâu dài. Vietnamresort ngay từ khi mới thành lập cách đây hơn 15 năm đã xác định rõ đối tượng, phân khúc khách hàng của mình và luôn nhất quán với hướng lựa chọn. Trong lần khủng hoảng này, may mắn là đối tượng khách hàng của chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Khi lệnh dỡ giãn cách xã hội được đưa ra cũng là lúc đội ngũ nhân viên của chúng tôi căng mình làm việc. Chúng tôi vừa đón xong hai đoàn tầm 400 - 600 người trọn gói dịch vụ. Chỉ mong có thời gian đào tạo thêm người để phục vụ khách hàng chu đáo, chuyên nghiệp hơn nữa.

Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, những sản phẩm thật sự chất lượng mới có thể sống sót. Thực tế đã chứng minh giá rẻ, hạ giá thành, khuyến mãi không phải là phương thức tạo cầu du lịch. Phương thức này chỉ dẫn đến gia tăng về số lượng nhưng suy giảm về chất lượng. Thực tế tạo cầu du lịch với chất lượng cao, giá cả ở mức chấp nhận được (tôi không nói giá thấp) cần giải pháp đồng bộ kết hợp tất cả các bên: hàng không, khách sạn, điểm đến, các dịch vụ bổ trợ. Các yếu tố đó kết hợp chặt chẽ thành các gói sản phẩm đồng bộ sẽ đạt được mục tiêu giá chấp nhận được mà chất lượng vẫn cao. Cách thức này cũng giúp sàng lọc thị trường, tạo cho khách du lịch có ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng và điểm đến.