Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của cấp ủy trong triển khai và đảm bảo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn huyện, ngay khi thực hiện chương trình (năm 2021), Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng đã kịp thời tham mưu Huyện ủy ban hành hai văn bản và trực tiếp ban hành 23 văn bản triển khai thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia và các thông tư, quyết định của các bộ, ngành để triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và các dự án, tiểu dự án, hoạt động của chương trình bảo đảm 100% các văn bản chỉ đạo của Trung ương đều được huyện Mường Ảng triển khai thực hiện.
Học viên lớp đào tạo nghề huyện Mường Ảng thực hành tiêm phòng bệnh cho đàn lợn. |
Theo thẩm quyền, Ủy ban nhân dân huyện đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện; đồng thời giao các cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc 10 xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu cấp xã, ban phát triển thôn.
Trong suốt quá trình thực hiện chương trình, theo sự phân công cụ thể, từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo huyện luôn sát sao với địa bàn được phân công, hướng dẫn triển khai các nội dung công việc bám sát tiến độ chung toàn huyện.
Đồng chí Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý tổ chức thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã; trong các hội nghị, hội thảo cấp huyện, xã và các buổi sinh hoạt tại bản, tổ dân phố... nội dung các văn bản liên quan đến chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân để triển khai Chương trình.
Xác định đội ngũ cán bộ, công chức xã và cấp bản là lực lượng nòng cốt để thông tin, tuyên truyền về chương trình, Ban Chỉ đạo huyện đã giao Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng triển khai chương trình cho 316 lượt cán bộ, công chức cấp xã và cấp bản.
Được học nghề, nông dân Mường Ảng đã biết áp dụng chăm sóc cây trồng đem lại năng suất, hiệu quả cao hơn. |
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 4 khóa (gồm 13 lớp) đào tạo nghề cho gần 300 nông dân các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Đồng chí Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng, cho biết: Bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện về triển khai nội dung chương trình, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đào tạo các khóa dạy nghề, gồm: phòng, trị bệnh cho lợn; sản xuất rau an toàn cho cho nông dân. Qua các khóa học, giúp học viên có thêm kiến thức chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Cùng với chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, Ban Chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá triển khai chương trình tại cơ sở. Năm 2023, huyện đã ban hành kế hoạch giám sát định kỳ, đột xuất, đến 30/9/2023, đã thực hiện ba cuộc giám sát định kỳ. Qua giám sát định kỳ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát Chương trình tại địa phương đảm bảo các dự án, hoạt động của chương trình được thực hiện hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Ban chỉ đạo huyện Mường Ảng cùng sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, đến cuối tháng 9/2023 các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Mường Ảng được thực hiện đồng bộ; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp thuộc chương trình của huyện Mường Ảng đều đạt tiến độ chung trong toàn tỉnh. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư thuộc chương trình đến ngày 30/9 được gần 38 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đã giải ngân trên 7,6 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn chương trình đã góp phần tạo chuyển biến trong giảm nghèo tại huyện Mường Ảng từ 38,06% (năm 2021) xuống còn 30,45% (năm 2022); đời sống nhân dân các dân tộc được nâng lên rõ rệt.