Tăng chỉ tiêu tín dụng và hạ lãi suất
Ngày 23/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo 2 quyết định điều hành lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Cụ thể, các loại lãi suất được điều chỉnh giảm gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng. Lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022 với khoảng 14,17%, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%.
Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, tín dụng là một trong những nguồn hình thành vốn lưu động và cố định của các doanh nghiệp. Việc phân phối vốn tín dụng đã góp phần điều hòa trong toàn bộ nền kinh tế, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được liên tục.
Với động thái nêu trên của Ngân hàng Nhà nước, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp sản xuất sẽ là đối tượng đầu tiên hưởng lợi, có nhiều dư địa để gia tăng sản xuất, phục vụ nhu cầu khi thị trường phục hồi, đặc biệt là ngành bán lẻ.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành này, áp lực từ lãi vay gây ảnh hưởng lên tâm lý người tiêu dùng, từ đó làm giảm doanh thu. Tuy nhiên, với lợi thế dòng tiền đều đặn từ hoạt động kinh doanh mặt hàng gắn liền với cuộc sống hằng ngày, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hạ lãi suất, các doanh nghiệp bán lẻ không những sẽ vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, mà còn tăng tốc về đích vào các quý còn lại của năm 2023.
Đơn cử như Tập đoàn Masan (MSN), theo ghi nhận từ báo cáo tài chính quý 2/2023, nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị này vẫn khả quan trong môi trường vĩ mô đầy thách thức. Cả 3 ngành chiếm tỷ trọng đến 80% doanh thu của Công ty gồm WinCommerce (WCM), Masan Consumer (MCH), và Masan MEATLife (MML) đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt trên cơ sở so sánh tương đương LFL, doanh thu MCH đạt mức tăng trưởng 21,7% so với cùng kỳ quý 2 năm 2022. Doanh thu thuần của WCM đạt 14.517 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 7.182 tỷ đồng trong quý II/2023, tăng lần lượt 1,5% và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết 2023
Một trong những điều kiện cần và đủ để nền kinh tế tăng trưởng bao gồm 2 yếu tố cơ bản: sản xuất và tiêu dùng. Điều kiện cần là sản xuất đã được Ngân hàng Nhà nước khơi thông qua các chính sách hạ lãi suất điều hành, giúp bổ sung “nguồn dinh dưỡng” vốn lưu động để tăng gia sản xuất.
Vậy nhu cầu tiêu dùng thì sao? Quốc hội đã có câu trả lời bằng thông báo 2298/TB-TTKQH. Cụ thể, theo Thông báo này, ngày 17/5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng như đã được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023.
Kể từ tháng 7/2023, với việc chính phủ giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023, người dân có thể mua sắm nhiều hơn với cùng số tiền chi ra trước đó. |
Kể từ tháng 7 năm 2023 đến hết năm, người dân có thể mua sắm nhiều hơn với cùng số tiền chi ra so với trước đó. Đây là hành động rất thiết thực của Chính phủ trong công tác kích cầu tiêu dùng, góp phần hoàn thiện công thức kinh tế tăng trưởng: sản xuất và tiêu dùng.
Một lần nữa, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong ngành bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày sẽ là các đơn vị hưởng lợi trực tiếp. Và điều này dường như cũng phản ánh qua số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng bảy ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Có thể nói, Chính phủ đã và đang có những chính sách thiết thực, rất kịp thời hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp bước qua thời kỳ vĩ mô khó khăn. Doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ nói riêng cần nắm bắt cơ hội này để tăng tốc chuyển mình, đón sóng tăng trưởng vào nửa cuối 2023.
Masan đã bắt được “nhịp” này, bên cạnh đạt được kết quả kinh doanh ổn định, họ còn gặt hái các con số ấn tượng cho những sáng kiến gia tăng doanh thu, lợi nhuận, để hướng về nửa cuối 2023 đầy tích cực.