Thời điểm tăng tốc

|

Cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới bắt đầu từ năm 2015 đang mở ra không gian phát triển gần như không biên giới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Nhưng đi kèm với đó vẫn là những thách thức không hề nhỏ, đủ để tạo nên áp lực buộc doanh nghiệp phải chuyển từ tâm thế xoay sở sang xoay chuyển.

Những hy vọng

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2014 đầy khó khăn và áp lực, để rồi sau những nỗ lực điều hành kiên định, những con số phản ánh sức khỏe nền kinh tế trong một năm đã cho thấy cục diện tươi sáng hơn. Trong bối cảnh ấy, cuộc khảo sát 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam mà Công ty Vietnam Report công bố (Bảng xếp hạng VNR500) vào những ngày chuẩn bị bước sang năm 2015 đã góp phần khắc họa một cách thuyết phục về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp trước thềm năm mới.

Cụ thể, chỉ còn khoảng 7,1% số doanh nghiệp bi quan với kế hoạch doanh thu năm 2015 - con số này đã giảm đáng kể nếu so với mức 9,1% của một năm trước và đặc biệt là với 21,9% của năm 2012. Cơ sở nào để tự tin đến như vậy? Trước hết và trên hết, niềm tin ấy đến từ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp trong năm vừa qua.

Ấn tượng từ bảng xếp hạng VNR500, còn là con số tổng doanh thu của Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 đạt gần 2.354 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với Top 10 năm 2013. Ði kèm với đó là hệ số sinh lời ROA, ROE cũng tốt hơn nhiều so với năm trước. Sắc hồng của nền kinh tế rõ ràng đã được lan tỏa từ chính đội ngũ những doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam. Sự tự tin tăng tốc kinh doanh của doanh nghiệp phản ánh cơ hội khởi sắc và thậm chí là nở rộ của nền kinh tế năm 2015. Và ở chiều ngược lại, một nền kinh tế hứa hẹn tăng trưởng trong năm mới cũng chính là bệ đỡ cho những chiến lược kinh doanh vươn ra biển lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2015 được trông đợi với những dự báo tươi sáng và nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt từ cơ hội mở rộng cánh cửa hội nhập. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thậm chí nhấn mạnh vào tính thời điểm chưa bao giờ có được đối với nền kinh tế Việt Nam khi cùng lúc các cam kết với thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực trong năm này. Cùng đó là sự kiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa tạo nên một thị trường chung đầy tiềm năng. Như vậy, xét về cơ hội, doanh nghiệp đang đứng trước sự rộng mở về thị trường, chi phí lưu chuyển các loại hàng hóa, cả ở dạng nguyên liệu cho tới thành phẩm và lao động tay nghề cao, chi phí trung gian... đều được hạ xuống khi AEC thống nhất các thị trường. Ðặc biệt, sự hấp dẫn mới của địa điểm đầu tư trong khu vực đang được cho là tạo nên vùng trũng mới trong thu hút dòng đầu tư của thế giới... Và hơn cả phạm vi nội khối, một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng hoàn tất trong năm sẽ tạo nên những dòng chảy hàng hóa và dòng tiền kết nối giữa các châu lục.

Năm 2015, vì thế, được ghi nhận sẽ tạo nên không gian và cơ hội phát triển gần như không còn biên giới đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Miếng bánh không đều

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Tập đoàn Kangaroo đã chuẩn bị cho cơ hội được gắn với năm 2015 từ vài năm trước. "Khi các rào cản thương mại giảm đi, chỉ tính riêng việc giảm thời gian lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã thắng hơn so với hiện nay, nhất là xuất khẩu sang các nước ASEAN", ông Phương nói. Thậm chí, ông còn đang tính tới bước bứt phá của doanh nghiệp mình vào năm 2016, với dấu ấn "made in Việt Nam" (sản xuất tại Việt Nam) trong thị trường ASEAN. Dẫu vậy, vẫn phải lưu ý, cơ hội chỉ mở ra đối với các doanh nghiệp chứng tỏ được sự ảnh hưởng, mức chi phối lớn đối với thị trường mà thôi.

Có thể thấy, một xu hướng khá rõ, giờ đây miếng bánh thị trường đang được chia thành những miếng bánh to thay vì băm nhỏ. Ðiểm tích cực, các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn có được cơ hội kết nối vào chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu một cách thuận lợi. Nhưng đây cũng là điều thách thức không nhỏ của cả cộng đồng doanh nghiệp.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, trong số khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng số lượng tương ứng như vậy là các doanh nghiệp quy mô vừa. Còn lại, tới 95-96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (nếu xét theo tiêu chí là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%.

Với quy mô nhỏ như vậy, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Thậm chí, khả năng kết nối với các doanh nghiệp lớn hơn để chung chia miếng bánh thị trường cũng không dễ dàng. Ngoài ra, thực trạng "doanh nghiệp ngày một nhỏ" chưa có nhiều thay đổi cho đến cuối năm 2014. Theo báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa vượt qua khó khăn thách thức mà họ đã đối mặt trong vài ba năm qua. "Các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang bị tác động tiêu cực bởi khả năng hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, do lực cầu nội địa yếu và do môi trường cạnh tranh không bình đẳng", WB nhận định.

Những hạn chế trên đây khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc di chuyển lên chuỗi giá trị, tạo ra hai tầng doanh nghiệp hoạt động tách biệt gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Thời điểm vàng

Nhìn toàn diện, cơ hội có được miếng bánh thị trường ngày một khó khi doanh nghiệp ngày một nhỏ chính là thách thức lớn của nền kinh tế. Hay nói cách khác, do thiếu vắng doanh nghiệp có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã bị phá vỡ và phân mảnh. Rủi ro ở đây là các nhà đầu tư tiềm năng sẽ không đến Việt Nam khi không có các doanh nghiệp hỗ trợ đủ mạnh. Ðiểm yếu này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi chi phí nhân công - yếu tố chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam - đang tăng lên.

Nhưng thay vì bi quan khi nhìn nhận về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, giới chuyên gia kinh tế lại có cái nhìn tích cực, đây chính là thời điểm vàng để doanh nghiệp chuyển từ tâm thế xoay sở với khó khăn sang xoay chuyển tình thế. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bình luận, kinh tế vĩ mô ổn định cộng với thời điểm hiệu lực của nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư và thể chế kinh tế thị trường có hiệu lực sẽ khiến doanh nghiệp chủ động hơn với các kế hoạch hội nhập thay vì xoay sở đủ kiểu để tồn tại như hơn một năm về trước.

Có thể kể đến những thể chế mới với tư duy "chọn bỏ" thay vì "chọn cho", đề cao nguyên tắc thị trường trong Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề... Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định đến thực thi vẫn luôn là một trong những rào cản lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Năm 2015 sẽ là chặng đường nhiều thử thách không chỉ của doanh nghiệp, mà còn của Chính phủ trong nỗ lực cùng tạo dựng một nền kinh tế khỏe và mạnh, vững vàng trước sóng gió và tự tin sẵn sàng tiến ra biển lớn.

Sắc hồng của nền kinh tế rõ ràng đã được lan tỏa từ chính đội ngũ những doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng hoàn tất trong năm sẽ tạo nên những dòng chảy hàng hóa và dòng tiền kết nối giữa các châu lục.