Sức mạnh từ ý thức dân tộc

|

LTS- Hệ ý thức dân tộc có giá trị vô cùng to lớn tạo nên sức mạnh, đưa đất nước vượt qua mọi trở ngại.  Với tâm niệm ấy, GS NGÔ ÐỨC THỊNH, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi về vấn đề hết sức ý nghĩa này.  

- Thưa GS, qua những nghiên cứu của mình, GS có thể cho biết hệ ý thức dân tộc xuất hiện sớm nhất là từ khi nào?

- Các nhà nghiên cứu về Việt Nam đều cho rằng, thời đại các Vua Hùng và kế tiếp là An Dương Vương (khoảng giữa thiên niên kỷ II đến thiên niên kỷ I trước Công nguyên), mà cái nền vật chất của nó là văn minh Ðông Sơn là thời kỳ hình thành tộc người Việt cổ, những nền tảng của văn hóa truyền thống và hình thành quốc gia dân tộc đầu tiên: Văn Lang - Âu Lạc. Cộng đồng người trong quá trình tiền sử bước vào lịch sử ấy có đòi hỏi nhận thức về thế giới tự nhiên, xã hội và tự nhận thức về bản thân mình, từ đó bước đầu xây dựng cho mình những biểu tượng, hệ giá trị, mà càng ngày cùng với sự phát triển của xã hội phong kiến, giai cấp thống trị đại diện cho chế độ xã hội hiện tồn, có ý thức trong việc phát triển và củng cố những biểu tượng và hệ giá trị ấy thành hệ ý thức xã hội.

Ý thức sớm và bao trùm đó là ý thức về nguồn cội giống nòi của người Việt Nam. Người Việt Nam, dù già hay trẻ, trai hay gái đều ghi nhớ trong lòng mình là con Rồng, cháu Tiên, cùng máu đỏ, da vàng, cùng sinh ra từ "một bọc" (đồng bào), cùng quê hương đất Tổ. Do vậy đời nào cũng thế, lúc hòa bình hay lúc đất nước lâm nguy do giặc ngoại xâm thì đều quần tụ để tồn tại, đoàn kết để đấu tranh, tạo nên sức mạnh đã được thử thách qua mấy nghìn năm, trở thành sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.

- Với những đặc thù về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, những yếu tố nào của đất nước ta đã tạo nên hệ ý thức dân tộc từ rất sớm, thưa GS?

- Con người, cộng đồng cần phải có một không gian sinh tồn, phát triển - đó chính là ý thức về Ðất nước - Tổ quốc, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là "đất" và "nước". Trong không gian sinh tồn, người Việt sớm có ý thức bảo vệ và sống hài hòa với tự nhiên. Những triết lý của đạo Mẫu (tôn giáo xuất hiện sớm nhất trong xã hội người Việt) thể hiện điều đó. Người Việt tôn thờ người Mẹ thiên nhiên: Mẹ Ðất, Mẹ Nước, Mẹ Núi... Con người trong tự nhiên ấy lao động để sống còn gắn với không gian sinh tồn và đấu tranh cũng để bảo vệ không gian sinh tồn. Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh đã mô tả "Nước dâng cao bao nhiêu thì núi lại cao lên đến đấy" để chỉ cái ý chí không thể nào khuất phục trước tự nhiên cũng như trước kẻ thù.

Cũng do những đặc thù của vị trí địa lý, mà một trong những yếu tố để hình thành nên ý thức quốc gia dân tộc sớm nhất đó chính là ý thức chống ngoại bang xâm lược. Dân tộc chúng ta kể từ khi hình thành nhà nước cổ đại đầu tiên đến nay, phần lớn thời gian, khoảng 12 thế kỷ là chống ngoại xâm. Ngay từ thời các Vua Hùng, cha ông chúng ta đã hun đúc nên ý thức chống ngoại xâm, vun đắp tình yêu đất nước. Hiếm có một dân tộc nào ngay từ thời sơ khai của lịch sử, đã sáng tạo nên huyền thoại Thánh Gióng - cậu bé mới lên ba tuổi nói câu đầu tiên là xin nhà vua cho đi đánh giặc. Hơn 2000 năm sau, vào thế kỷ 19, nhà thơ Cao Bá Quát viết: "Ðánh giặc, lên ba hiềm đã muộn!". Trong dân gian có câu: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Thử hỏi, một dân tộc như vậy làm sao có thể chịu khuất phục trước kẻ thù nào.

- Có thể thấy, qua những biến cố lịch sử, lúc hưng thịnh hay khi suy yếu, mọi triều đại đều đặt tinh thần quốc gia dân tộc ấy lên hàng đầu và chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua mọi thử thách chông gai?

- Ðó chính là sức mạnh cội nguồn dân tộc. Cả hàng nghìn năm đấu tranh và có những giai đoạn hết sức cam go, có những lúc cuộc đấu tranh kéo dài hàng thế kỷ, như cái thời gần chúng ta nhất là từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, rồi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hai miền nam bắc bị chia cắt. Phải mất rất nhiều thời gian và trả giá quá đắt bằng máu xương của bao nhiêu người ngã xuống, nhưng cuối cùng non sông vẫn phải thống nhất, quốc gia dân tộc thu về một mối. Một ý chí sắt đá đó là: Ðất nước không thể nào chia cắt được, đất đai dân tộc không thể nào mất được. Cho đến hôm nay khi đất nước đã hòa bình, sức mạnh cội nguồn ấy hun đúc trong những ý chí xây dựng và phát triển đất nước và đặc biệt là bất cứ lúc nào, tinh thần dân tộc cũng là sức mạnh để vượt qua thử thách.

Lịch sử từ thời lập nước đến nay cho thấy một điều: Các thế hệ tiền nhân của chúng ta không bao giờ mơ hồ về ý thức quốc gia dân tộc. Ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất non sông, xây dựng đất nước vững mạnh bao trùm cả mọi thời đại, mọi thể chế. Ý thức ấy chảy trong máu của mọi thế hệ người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài. Ðiều đó lý giải vì sao mà những người Việt dù xa quê bao lâu vẫn hướng về Tổ quốc, và vì sao đồng bào Việt Nam ở miền nam cũng như ở nước ngoài vẫn thờ cúng Vua Hùng và nhớ ngày Giỗ Tổ. Sức mạnh cội nguồn dân tộc chính là ở đó.

- Vậy theo GS, trong thời đại thế giới phẳng, cùng với nhiều biến động của thế giới, thì sức mạnh cội nguồn, tinh thần dân tộc cần được hun đúc, bồi đắp như thế nào để người Việt vừa hội nhập thế giới, vừa xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ?

- Từ thời đại các Vua Hùng đến nay, các danh xưng Lạc Long Quân - Âu Cơ, Quốc Tổ Hùng Vương, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử - Tiên Dung đã trở thành các biểu tượng lịch sử, văn hóa, trong đó chứa đựng hệ ý thức đầu tiên của dân tộc ta. Ðó là ý thức về cội nguồn, về đất nước, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm, xây dựng xã hội hài hòa, tự do, hạnh phúc. Hệ ý thức này có giá trị vô cùng to lớn tạo nên sức mạnh của dân tộc, đưa đất nước vượt qua mọi trở ngại. Ðó chính là minh triết của dân tộc. Một hệ ý thức minh triết chứa đựng những ý nghĩa vô cùng to lớn, quan trọng như vậy, nhưng cha ông ta lại ký thác vào những huyền thoại, truyền thuyết mang đầy thi hứng. Nhờ vào đôi cánh của huyền thoại mà cái ý thức cội nguồn, sức mạnh to lớn ấy theo thời gian cứ thấm tới mọi con dân đất Việt từ xa xưa tới ngày nay, ở bất cứ không gian, môi trường sống nào. Ðó cũng là cái tinh thần để "định vị" con người Việt Nam trong thế giới phẳng, trong xã hội toàn cầu.

- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện.