Điện Biên tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP

|

Không chỉ chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn ưu tiên sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương đạt chuẩn OCOP, thời gian qua, các huyện vùng cao, biên giới thuộc tỉnh Điện Biên còn đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần đem lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất, chế biến; đồng thời duy trì sự phát triển bền vững cho các sản phẩm mang thương hiệu địa phương.

Trực tiếp đến từng gia đình hướng dẫn sản xuất, xây dựng hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP cho mật ong rừng Chà Nưa, ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) hiểu tường tận quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và hiểu cả khó nhọc của người chăm bẵm đàn ong. Và tới khi mật ong Chà Nưa được công nhận đạt chuẩn OCOP thì việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cũng không hề dễ dàng. Ông Khoàng Văn Van, cho biết: Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, tại các buổi họp xã, họp với dân bản chúng tôi đều dành thời gian thông tin về chất lượng sản phẩm; đồng thời khuyến khích cán bộ, nhân dân sử dụng, tiêu thụ sản phẩm địa phương. Mỗi dịp huyện, xã hay huyện bạn, xã bạn tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, hội chợ thì cán bộ xã Chà Nưa đều chung tay góp công góp sức cùng bà con đem sản phẩm OCOP của Chà Nưa đi trưng bày, giới thiệu. Cứ như thế, mỗi dịp tiêu thụ được một ít; mỗi dịp lại có thêm nhiều người biết đến mật ong OCOP Chà Nưa tới nay mật ong của Chà Nưa đã có lượng khách hàng ổn định, đem lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất.

Thường xuyên về cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, phát triển các sản phẩm gắn với lợi thế địa phương, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa không quên nhắc các đồng chí cán bộ xã; công chức, viên chức các phòng, ban, đoàn thể cần chủ động kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Các dịp lễ tết, ngày hội truyền thống các dân tộc hàng năm, Huyện ủy Nậm Pồ đều chỉ đạo tổ chức các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương phục vụ khách tham quan, mua sắm.

Sản phẩm cà-phê Hồng Kỳ của Điện Biên ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng.

Ông Lê Khánh Hòa, nói rằng: Cùng với khuyến khích nhân dân sản xuất, huyện Nậm Pồ còn coi trọng tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và đem lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất.

Là đơn vị có sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao, Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế (tỉnh Điện Biên) đã luôn chú trọng tuyên truyền, quảng bá, đưa sản phẩm thương hiệu “Cà phê Hồng Kỳ” đến người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế, cho biết: Công ty xác định khi sản phẩm được gắn sao OCOP càng phải quan tâm hơn việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Vậy nên, ngoài giới thiệu quảng bá sản phẩm qua các trang mạng xã hội, chúng tôi còn mở rộng chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh; đồng thời trực tiếp đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu ở các gian hàng, hội chợ trong toàn quốc nhằm đưa sản phẩm OCOP của Điện Biên lan tỏa rộng khắp, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Đặc biệt quan tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm được tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Ông Phan Hanh Thông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Hoạt động hỗ trợ tập trung vào các nội dung như: Tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; lắp đặt pa-no, biển hiệu quảng bá sản phẩm; hỗ trợ sản phẩm OCOP và chủ thể sau chứng nhận mở rộng quy mô; phát triển thị trường; mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất; xúc tiến thương mại.

Với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) Điện Biên - đơn vị được giao hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian qua đã chủ động tìm kiếm đối tác cho các chủ thể OCOP bằng cách kết nối trực tiếp với các nhà phân phối có nhu cầu về sản phẩm của tỉnh để hai bên trao đổi thông tin, tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Trung tâm chủ động đăng ký cho các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia gian hàng Việt trực tuyến và xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức phiên chợ thương mại biên giới tại huyện biên giới Nậm Pồ và giới thiệu sản phẩm OCOP của Điện Biên tại các hội chợ thương mại do các tỉnh Bắc Lào tổ chức… Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các sở, ngành và uỷ ban nhân dân các huyện trong tỉnh, đã tạo đòn bẩy tích cực cho tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP địa phương, từ đó ngày càng khuyến khích thêm nhiều chủ thể chủ động xây dựng, sản xuất sản phẩm OCOP.

Đến tháng 7/2023, toàn tỉnh Điện Biên có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao.