Năm 2015 có lẽ là năm ghi nhận rõ nét nhất khả năng lãnh đạo của người đứng đầu nước Đức - “trái tim” của lục địa thịnh vượng nhất hành tinh. Bằng trí tuệ và cả trái tim, Méc-ken dẫn đầu “con thuyền Liên hiệp châu Âu (EU)” vượt qua không chỉ một, mà hai cuộc khủng hoảng, vốn đe dọa xóa sạch những thành tựu hội nhập.
Cuộc khủng hoảng thứ nhất liên quan tới số phận ơ-rô (euro), đồng tiền chung của 19 quốc gia, bị đánh cược vào sự bất ổn của một thành viên Eurozone là Hy Lạp. Kéo dài nhiều năm, từng chứng kiến không ít nỗ lực nhọc nhằn và được ví như “liều thuốc thử lòng kiên nhẫn” đối với cả các nhà lãnh đạo lẫn người dân EU, cuối cùng mọi chuyện cũng rời “vạch đỏ”. Trong thành công đó, sự kiên trì và quyết đoán của “bà đầm thép” Méc-ken cung cấp một phần động lực rất lớn. Tinh thần của Méc-ken - theo đuổi đến cùng mục tiêu bảo vệ Eurozone - đã truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo khác của châu Âu, để đi đến những quyết định khó khăn. Và từ đó, một thuật ngữ mới mang tên bà - Merkelling - ra đời.
Cuộc khủng hoảng thứ hai ảnh hưởng tới số phận hàng triệu con người. Khi hàng trăm nghìn người di cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông tràn tới các đường biên giới châu Âu, đẩy “lục địa già” đến gần ranh giới khủng hoảng nhân đạo, là lúc những tiếng nói phản đối dâng cao, những biện pháp cứng rắn được ban hành, những hàng rào thép gai được dựng lên, những đội quân an ninh triển khai sát các biên giới… Và khi ấy, Méc-ken đưa ra một quyết định đột phá: Tạm ngừng thực thi các quy tắc tị nạn của EU, mở cửa biên giới, đưa Đức trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu chấp thuận tiếp nhận người di cư giữa lúc nhiều nước “đóng sập cánh cửa”. Tuy nhiên, hành động mang đậm tính nhân văn của lãnh đạo Đức cũng bị chỉ trích là quá táo bạo. Đó vừa là một sự giải thoát, vừa là sự chấp nhận những mối nguy hiểm.
Bất chấp áp lực từ các đối thủ trong và ngoài nước, vượt lên sự phản đối của không ít người, Méc-ken kiên định với lựa chọn của mình. Ở vào thời điểm cả thế giới còn tranh luận gay gắt, về việc làm sao cân bằng giữa “an toàn” và “tự do”, Méc-ken đặt cược sinh mạng chính trị vào dòng người tị nạn. Bà có câu trả lời cho riêng mình: Nếu còn nhiều khu vực tồn tại chiến tranh và nỗi sợ hãi, các quốc gia sẽ dần tan rã. Hơn thế, bà Méc-ken coi người di cư là nạn nhân của sự tàn bạo và khủng bố, chứ không phải kẻ mang tai họa đến châu Âu; là những người cần được cứu giúp, không phải những kẻ xâm nhập đáng bị xua đuổi. Ở nhiều khía cạnh, bà hành động như thể tự đặt ra cho mình nhiệm vụ bảo vệ lương tâm và những giá trị của cựu lục địa.
Từ đó, một thứ tinh thần cởi mở và rộng lượng lan tỏa. Đã không còn nhiều hàng rào thép gai được dựng lên trên các tuyến biên giới giữa lòng châu Âu, làm nhức nhối trái tim hàng triệu triệu người trên thế giới. Đã không còn nhiều lời chối từ khoét sâu thêm nỗi khốn khổ của những con người chạy loạn. Và cũng đã có thêm những cam kết mở rộng vòng tay…
Nhưng đó chưa phải tất cả để người Đức coi Méc-ken là thần tượng, kể cả việc bà đã khôn khéo và cương quyết thế nào trước một Tổng thống Nga cứng rắn và đầy quyền lực, ở những câu chuyện chung quanh vấn đề nóng bỏng U-crai-na (Ukraine). Điểm khác biệt lớn nhất của bà lại là sự giản dị, khiêm nhường. Trong bức ảnh từng được đăng trên tờ Bild bán chạy nhất ở Đức, hình ảnh bà Thủ tướng xếp hàng tại siêu thị, trả tiền mua hoa quả và thức ăn cho bữa tối của gia đình gây ấn tượng mạnh mẽ. Qua bức ảnh ấy, người ta có thể hiểu vì sao công chúng Đức dành cho bà một danh xưng trìu mến: Mẹ (Mutti)… Trên những chông gai, thành công vẫn mỉm cười.
An-giê-la Méc-ken sinh năm 1954 ở CHDC Đức trước đây. Bà đã chấm dứt nửa thế kỷ các nam chính khách lãnh đạo nước Đức thống nhất, khi trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Đức năm 2005, lúc bà 51 tuổi. Kết thúc nhiệm kỳ thứ ba vào năm tới, Méc-ken sẽ là nữ thủ tướng tại vị lâu nhất (và là duy nhất) trong lịch sử Đức. Với lập trường cương quyết, nhiều kinh nghiệm chính trường và ngoại giao, bà Méc-ken tiếp tục được đông đảo cử tri Đức ủng hộ ra tranh cử năm 2017. |