Chia sẻ với chúng tôi , chị Hải Yến, chủ hai nhà hàng ẩm thực Việt mang tên Vietnamese Champa và Vietnamese Magnolia ở Thủ đô Phnom Penh cho hay: “Ngày đầu năm Tết Bính Thân này, nhà hàng dự định tổ chức trình diễn nguyên liệu và cách chế biến một số món ăn truyền thống của người Việt”. Chị Yến nhớ lại, cách đây mấy năm, đầu xuân năm 2011, không khí đón Tết tại nhà hàng Vietnamese Champa thêm phần vui tươi, ấm áp với cuộc trình diễn cách chế biến chiếc bánh xèo có đường kính 1,3 m và nặng tới 5 kg trước sự chứng kiến của rất đông thực khách. Ở Thủ đô Phnom Penh, quầy ăn, cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam không thiếu, nhưng nhà hàng có chủ và đầu bếp người Việt thì chỉ có vài nơi.
Theo tâm sự của chị Yến, để có được cơ ngơi như ngày nay chính là do chị đam mê chế biến các món ăn thuần Việt, những kiến thức mà chị đã thu lượm được qua các khóa học nấu ăn ở trong nước. Với những nguyên liệu chính đặt mua từ Việt Nam, những đầu bếp người Việt ở nhà hàng mà nhiều người do chính chị đào tạo, làm ra những món ăn mang đậm hương vị Việt. Nhiều loại rau gia vị như tía tô, thì là, rau mầm... không có bán tại các chợ ở Thủ đô Phnom Penh, chị Yến phải trồng trong “khu vườn” trên sân thượng của nhà hàng Vietnamese Champa để được tươi ngon phục vụ thực khách.
Đã hơn 20 năm mưu sinh ở Campuchia, nhiều năm do công việc không thể về quê nhà ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đón Tết, nhưng nỗi nhớ cha mẹ, nhớ nhà của chị Yến vơi đi nhiều bởi được hòa mình trong không khí Tết ngay trong nhà hàng. Với những thứ mang đậm hình ảnh Tết Việt như cây mai, mâm ngũ quả, món ăn truyền thống ngày Tết và những chiếc phong bao lì xì cho khách, nhà hàng đã trở thành một địa chỉ sum vầy, hội ngộ của nhiều bà con Việt kiều và nhiều người bận việc không có điều kiện về đón Tết ở quê cha đất tổ, cả những thực khách người nước ngoài muốn hòa chung niềm vui đón năm mới của người Việt Nam.
“Với tôi, ngày Tết không thể thiếu cây mai”, chị Yến nói. Ở Phnom Penh, mai trồng chậu được đem từ các tỉnh miền nam nước ta sang bán vào những ngày giáp Tết. Nhưng nhiều hơn lại là mai rừng được đưa về từ các huyện vùng sâu của một số tỉnh sở tại. Còn có thể mua mai nhựa ở gần như tất cả các chợ nơi đây, do các thương nhân TP Hồ Chí Minh mang sang.
Chung quanh câu chuyện Tết, chị Yến nói: “Tết có thể không về thăm nhà được vì bận việc ở đây, nhưng có một nơi chắc chắn giáp Tết tôi phải tới là Trung tâm New Future for Children (Tương lai mới cho trẻ em) tại Phnom Penh. Một người bạn của chị Yến lập ra trung tâm này cách đây hơn mười năm, bỏ công sức và tiền bạc tìm kiếm, cưu mang, dạy dỗ nhiều trẻ em nhiễm HIV/AIDS, mồ côi hoặc bị bỏ rơi, hầu hết là người Campuchia, có cả trẻ em Việt Nam. Chị Yến đã kêu gọi bạn bè và bản thân mỗi tháng góp một khoản tiền để trung tâm có chi phí hoạt động. Giáp Tết, chị thường mang mứt Tết đến cho các em.
Đã lập gia đình và có ba con, với chị Yến mỗi cuộc sum vầy đầu năm trong không gian đậm chất Việt Nam trên đất nước chùa Tháp không chỉ mang lại niềm vui, tình cảm ấm áp trong lòng những người con xa quê, mà còn là dịp để các con của chị hiểu được phong tục tập quán truyền thống cội nguồn đất Việt.