Bài học lớn từ hộp cao Sao Vàng

|

Thật thú vị khi hộp cao Sao Vàng, thương hiệu gắn với một thời kinh tế bao cấp, giờ lại trở thành sản phẩm “nóng” ở gần 20 nước trên thế giới. Và hộp dầu gió chống cảm thuần Việt ấy không chỉ có đời sống rất riêng, mà còn trở thành một gợi ý, một dấu hỏi cho cả ngành dược và nhiều ngành sản xuất khác của Việt Nam.

Sắp hết hàng và cháy hàng

Đó là cụm từ mà các trang mạng bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Ô-xtrây-li-a... dùng để thông báo về một sản phẩm đến từ Việt Nam - hộp cao Sao Vàng.

Đây là một sản phẩm rất phổ biến được nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam từ sau năm 1954. Hộp dầu xoa nhỏ bé này đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người Việt Nam, hơn thế, còn là một sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Liên Xô (cũ) và nhiều nước Đông Âu. Nhưng sau khi khối này tan rã, thì ngay ở thị trường trong nước, cao Sao Vàng dường như cũng mất dấu.

Ấy thế nhưng, kể từ năm 2013 tới nay, cao Sao Vàng bỗng hút hàng tại nhiều châu lục với mức giá bán lẻ (quy đổi) mà người tiêu dùng nước ngoài phải trả lên tới trên dưới 40.000 đồng mỗi hộp, chưa kể phí chuyển hàng.

Câu chuyện của hộp cao Sao Vàng không phải là cá biệt. Ngày một nhiều hơn những công ty Việt Nam đang xuất khẩu những sản phẩm hầu hết là có nguồn gốc Nam dược, chế phẩm từ thiên nhiên…

Hành trình của hộp cao cũng khiến chúng ta nhớ lại, một trong những câu chuyện tạo ấn tượng mạnh cho tác giả cuốn “Chiếc Lexus và cây ô liu”, thôi thúc ông phải nghiên cứu và viết về hội nhập là việc ông chứng kiến một cô bé người Nhật Bản hồn nhiên hỏi mẹ: “Ở Mỹ cũng có Mc Donald như ở Tô-ky-ô sao”? Nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ sau đó đã giật mình đi tìm câu trả lời thỏa đáng nhất có thể cho việc định vị mỗi cá nhân, quốc gia trong dòng chảy toàn cầu.

Không có gì là “bé nhỏ”

Doanh nghiệp đưa cao Sao Vàng trở lại thị trường quốc tế, thành công được là bởi định vị sản phẩm theo cách, vừa giữ gìn bản sắc, mà vẫn vươn ra hòa nhập với thế giới tiêu dùng đa dạng của năm châu. Tiếc thay, vẫn có một chữ “nhưng”. Người tiêu dùng nước ngoài thích thú với hình thức hộp cao nhỏ gọn dễ mang theo, thiết kế ấn tượng, nhưng lại phải chật vật khi mở ra. Và theo cách đó, thì hộp cao nhỏ lại dẫn dắt đến câu chuyện lớn hơn. Muốn cạnh tranh không thể chỉ chú trọng chất lượng mà cần đến những giải pháp đồng bộ từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng…

Một ngành được đánh giá là chịu nhiều tác động của các hiệp định thương mại, thậm chí là tiêu cực nhiều hơn, như ngành dược có thể tìm ra một con đường riêng để sống còn như cách mà hộp cao Sao Vàng đã định vị mình? Và liệu chúng ta có thể tìm ra “đại dương xanh” khi đi vào thị trường ngách, trở thành một địa chỉ sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm thực dưỡng, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên ra thế giới? Đó là điều chỉ có được khi cả hệ thống chính sách chuyển động…

Chúng ta có Luật Dược 2005, nhưng sau 10 năm, thì ví von “ngành dược Việt Nam như một người đi khập khiễng với một chân chống nạng” không ngoa. Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi), không hẹn mà nên, rất nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc cần sửa đổi cơ chế để hóa giải những nghịch lý cản trở sự phát triển. Chúng ta rất dư thừa nhà máy (180 nhà máy sản xuất thuốc, trong đó có 130 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, công suất mới đạt 50%) mà không tận dụng được. Nguồn dược liệu cũng phong phú, từ loại dễ trồng, phổ biến như gấc, nghệ cho đến những loài quý hiếm đã đi vào huyền thoại như sâm Ngọc Linh.

Nhưng chúng ta lại chưa trả lời được câu hỏi, cần tập trung vào phân khúc dược phẩm nào; lựa chọn loại dược liệu nào làm mũi nhọn? Không thể cứ cái gì có là làm, phát triển kiểu “quả mít”, cũng không thể làm theo kiểu “ngó sang nước bạn” để rồi thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào. Một bộ luật mới đang được xây dựng, làm sao thật sự tạo nên cơ chế để ngành dược bứt phá?