Nhiều câu hỏi cho xanh hóa vận tải

|

Sau gần 2 năm kể từ thời điểm hãng taxi điện đầu tiên ra mắt thị trường, Việt Nam hiện đã có hơn 20 nghìn xe taxi điện, chiếm 30% thị phần. Nhiều hãng taxi truyền thống cũng đang lên kế hoạch điện hóa phương tiện. Tuy nhiên, bài toán xanh hóa lĩnh vực vận tải vẫn đối mặt nhiều thách thức!

Bài toán chi phí

Theo lộ trình tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau năm 2030, tại các đô thị, 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe bus và taxi nội đô đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh và đến năm 2050 tất cả các xe phải dùng năng lượng điện, sạch. Đón đầu xu thế này, nhiều hãng taxi đã và đang triển khai kế hoạch điện hóa phương tiện.

Tháng 1/2024, taxi MaiLove bắt đầu đưa xe điện vào vận hành song song cùng xe xăng nhằm tăng thêm các lựa chọn cho khách hàng. Qua quá trình hoạt động, ông Hồ Quang Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Vận tải quốc tế Sơn Nam, chủ sở hữu hãng taxi MaiLove tại Nghệ An cho biết: Bước đầu, hãng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Các khách hàng, đặc biệt phụ nữ, người cao tuổi và người sợ mùi xăng, dầu đều hài lòng khi đi taxi điện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kinh doanh song song, trong đó xe điện là đi thuê bởi giá xe điện hiện vẫn cao so xe xăng cùng phân khúc, trong khi đó doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư. Để chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, chúng tôi vẫn đang mong chờ những chính sách khuyến khích từ Chính phủ như ưu đãi về giá điện, ưu đãi lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi sang xe điện.

Theo khảo sát của phóng viên Thời Nay, mức đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn khoảng từ 30-50% so xe xăng cùng phân khúc. Đây cũng là điều khiến nhiều đơn vị vận tải cân nhắc bởi liên quan trực tiếp tới bài toán kinh doanh và xây dựng giá cước để cạnh tranh với xe xăng. Tuy nhiên, trong chiến lược đường dài, ông Nguyễn Quốc Bách, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bách Đại Dũng, chủ sở hữu hãng taxi Bách Đại Dũng tại Hà Tĩnh phân tích: “Hãng đặt mục tiêu sẽ hoàn vốn sau 2-3 năm đầu tư. Khi tính toán kỹ, tỷ trọng nhiên liệu điện trên giá cước thấp hơn nhiều so xe xăng và chi phí bảo dưỡng cũng thấp hơn. Vì vậy chi phí đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn nhưng về lâu dài sẽ có lợi hơn”.

Cần chiến lược tổng thể

Bên cạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi, các chuyên gia cho rằng, cần có quy hoạch bắt buộc về cơ sở hạ tầng trạm sạc, ưu tiên, khuyến khích những nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch... sử dụng xe năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Mới đây Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, nỗ lực của một vài đơn vị là chưa đủ bởi theo nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (WB), để đáp ứng tải sạc xe điện sau năm 2030, Việt Nam sẽ cần bổ sung trung bình từ 3-5% công suất mạng lưới và tối đa 15% công suất truyền tải bổ sung vào năm 2050. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần đầu tư lên tới 9 tỷ USD cho ngành điện và giai đoạn 2031-2050 là 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, Cục đã đưa ra các lộ trình và giải pháp, trong đó rà soát sửa đổi toàn bộ Luật chuyên ngành, văn bản dưới luật để xây dựng các quy định cơ sở hạ tầng sạc điện trên hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc đưa vào dự thảo Luật Đường bộ. Cùng đó, cập nhật lại tất cả các quy định quản lý về phương tiện, thiết bị phù hợp kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện đòi hỏi lộ trình chiến lược dài hạn, gồm các mục tiêu cụ thể, cột mốc quan trọng cũng như chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng kế hoạch mở rộng nguồn năng lượng, quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ và đầu tư hạ tầng trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi.

Ông Shigeyuki Sakaki, chuyên gia cấp cao về giao thông vận tải của WB cho rằng: Chuyển đổi sang xe chạy điện là một quá trình phức tạp, bao quát một hệ sinh thái đa ngành nên bước đầu tiên cần thiết là thành lập một cơ quan liên chính phủ để lãnh đạo và điều phối các nỗ lực để tối ưu hóa và chi phí liên quan. Cơ quan quản lý cần có lộ trình thiết thực và khả thi nhằm phục vụ mục tiêu giảm khoảng 7,2% đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế.

Theo đánh giá của WB, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm tới 498 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu, trong giai đoạn 2024-2050, đồng thời giảm 30 triệu USD vào năm 2030 và 6,4 tỷ USD vào năm 2050 chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ.