Phóng sự ảnh báo chí, chuyện không dễ “kể”

|

Giá trị của một bức ảnh hơn nghìn lời nói, nhưng để có một bức ảnh nghìn lời đó, người phóng viên ảnh báo chí phải vượt qua không ít nhọc nhằn, thách thức bằng bản lĩnh và sự dấn thân.

1/Ảnh báo chí luôn đóng vai trò quan trọng cung cấp nội dung vấn đề, sự kiện tới công chúng mà không phải diễn giải nhiều lời. Cách độc giả tiếp nhận thông tin cũng đang thay đổi từ báo viết truyền thống sang kể chuyện bằng hình ảnh.

Nhưng theo nhà báo Nguyễn Trọng Chính, Tổng Biên tập Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (TTXVN), xu hướng chung của báo chí thế giới cũng như Việt Nam hiện nay là số lượng phóng viên ảnh ngày càng bị cắt giảm nhưng chất lượng chuyên môn lại yêu cầu ngày càng cao và chuyên nghiệp hơn. Trong một tòa soạn, phóng viên ảnh thường chỉ khoảng 1-2 người, cá biệt mới có những báo có 4-5 phóng viên ảnh. Do vậy, làm nghề càng trở nên khó khăn và khắc nghiệt hơn.

Để có phóng sự ảnh báo chí được sử dụng là cả quá trình dấn thân tác nghiệp không ngừng. Yêu cầu lúc này là phải làm việc độc lập, tự xử lý từng góc máy, khuôn hình… sau đó viết bài, xây dựng một phóng sự phản ánh đầy đủ sự kiện, hiện tượng hoặc một câu chuyện về nhân vật được ghi lại bằng hình ảnh về cuộc sống muôn màu.

Trong thời công nghệ số hiện nay, sự cạnh tranh có thể được tính bằng giây, tạo nên những áp lực lớn lên các tay máy. Phóng viên ảnh phải có mặt tại hiện trường, bảo đảm thời gian tác nghiệp thật nhanh chóng và chính xác. Phóng viên ảnh còn phải không ngại gian khổ, thậm chí là hiểm nguy.

Nhà báo Trọng Chính tác nghiệp tại sa mạc Gobi (Cam Túc, Trung Quốc).

2/Tác nghiệp tại vụ sạt lở tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là kỷ niệm khiến phóng viên ảnh Phạm Ngọc Thành - Ban Thời sự Báo điện tử VnExpress luôn đầy ắp cảm xúc khi nhắc lại. Đó là những ngày cuối tháng 10/2020, các tỉnh miền trung, đặc biệt là khu vực Quảng Nam hứng chịu 4 cơn bão liên tiếp. Ngày 28/10, sau đêm thức trắng trực bão tại Hội An, vừa bước ra đường Thành thoát chết trong gang tấc khi một cây lớn bật rễ đổ ầm xuống sát người. Sau đó, nghe được tin có sạt lở lớn tại huyện Nam Trà My, anh báo cáo tình hình về tòa soạn rồi lại tức tốc cùng nhóm phóng viên vượt gần 200 km đến địa bàn bị thiên tai.

Khi còn cách hiện trường hơn 20 km, ô-tô không thể đi tiếp, nhóm quyết định vác đồ nghề tác nghiệp, lội bùn vào thôn 1 cùng bộ đội cứu hộ. Trên đường, Thành và các đồng nghiệp chứng kiến nhiều trường hợp bị thương, tử vong do sạt lở, lũ cuốn đang được người dân cáng ra ngoài. Nhiều người chân tay bị gãy được bó tạm bằng thân cây, tình trạng rất thương tâm. Nguy hiểm hơn, cả quãng đường vào vẫn có nhiều điểm tiếp tục sạt lở. Nhóm phóng viên vừa đi, vừa phải ngửa mặt nhìn lên đỉnh núi theo dõi xem nếu có hiện tượng cây cối rung chuyển là núi đang sạt xuống phải tránh ngay lập tức.

Đến chiều muộn đoàn mới vào đến nơi, trước mặt mọi người là cả một quả đồi đã bị san phẳng, vùi lấp 14 nóc nhà khiến nhiều người chết và mất tích. Giữa không khí tang thương tràn ngập, hàng trăm người vẫn đang khẩn trương chạy đua với thời gian, đào bới bùn đất cứu người. Chứng kiến cảnh đó, Thành ý thức không được bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào, anh hòa vào đoàn người vừa chụp vừa moi từng hốc đất, gốc cây... Nhưng đã không còn những thân thể người im lìm được đưa lên, chỉ còn nguyên một chuồng gà vẫn còn con đang sống cùng quả trứng lăn lóc. Anh chia sẻ, đó là cảm xúc sâu lắng nhất trong đầu và lúc đó tôi nghĩ có thể có người đang bị vùi ngay dưới chân mình đứng. Đến hơn 2 giờ sáng, tôi mới ra đến vòng ngoài để gửi ảnh về tòa soạn, trong thời gian đó, tất cả mọi người đều rất lo lắng vì không liên lạc được với nhóm chúng tôi do mất sóng điện thoại. Bài tường thuật của chúng tôi được đưa lên báo ít phút sau đó.

3/Nhà báo Trọng Chính còn là giảng viên của các lớp tập huấn nâng cao chất lượng ảnh báo chí, với một mục tiêu chung, xuyên suốt tại các buổi trao đổi nghiệp vụ trong 4 năm qua là “Hướng đến một nền báo ảnh đa dạng”. Đây là một phần Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam” giai đoạn 2020-2024 do Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

Tại các lớp học này, ngoài việc giúp các đồng nghiệp trang bị kiến thức cơ bản về xuất bản hình ảnh trên các nền tảng số thì sự quan tâm nhiều nhất mà anh muốn chia sẻ vẫn là phóng sự ảnh báo chí, thể loại vinh danh những câu chuyện ảnh.

Theo anh Chính, chính sách sử dụng thông tin thị giác, trong đó có phóng sự ảnh đã được các tòa soạn thay đổi theo hướng tích cực hơn, với không gian rộng mở của xu hướng đa nền tảng so ấn phẩm. Và đáp ứng đòi hỏi đó, phóng viên ảnh giỏi ngoài việc nỗ lực làm việc không mệt mỏi còn phải luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệp từ đồng nghiệp trong nước và nước ngoài, cập nhật xu hướng ảnh báo chí thế giới trên các nền tảng số... Cùng với đó, phóng viên ảnh cũng luôn phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu.

Nghề đã chọn người thì người phải thật sự dấn thân và đam mê với nghề. Đây là một công việc khắc nghiệt, vất vả nhưng nếu đi tận cùng với nó bằng tất cả đam mê, sự kiên trì cùng sự tử tế, sẽ có thành công.

Phóng sự ảnh là thể loại vinh danh những câu chuyện ảnh. Không phải đề tài nào cũng thực hiện được phóng sự ảnh nên đôi khi cả người biên tập ảnh, Thư ký tòa soạn hay phóng viên ảnh cũng phải hiểu được cách phân biệt vềthuật ngữ của loại hình. Phóng sự ảnh/photo story là loạt ảnh thuật lại một sự việc với một chủ đề cụ thể, bằng hình ảnh, bài viết ngắn tổng quát và chú thích chi tiết. Bộ ảnh/photo portfolio lại là thuật ngữ sử dụng để trình bày một tập hợp nhiều bức ảnh riêng lẻ hoặc nhiều loạt ảnh khác nhau về một chủ đề.