Kịch cho thiếu nhi luôn cần những bài học giáo dục

|

Xuất sắc giành Huy chương vàng tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng năm 2024 tại TP Hải Phòng với vai diễn cậu bé Mồ Côi trong vở “Lời bà kể”, nữ nghệ sĩ Tố Uyên (Nhà hát Kịch Hà Nội) đã có cuộc trò chuyện với Thời Nay về vai diễn nói riêng và nghệ thuật sân khấu kịch dành cho thiếu nhi nói chung.

Phóng viên (PV): Xin chị có thể chia sẻ kỹ hơn về nhân vật Mồ Côi trong vở “Lời bà kể”?

Nghệ sĩ (NS) Tố Uyên: Vai diễn cậu bé Mồ Côi nằm trong hai tích truyện thuộc chương trình giảng dạy sách giáo khoa Ngữ văn Tiếng Việt bậc tiểu học, đó là truyện “Mồ Côi xử kiện” và “Sự tích cây nêu ngày Tết”. Hai truyện này thuộc Đề án sân khấu kịch học đường, được Nhà hát Kịch Hà Nội chuyển thể thành kịch bản dài 80 phút để diễn cho các trường tiểu học trên địa bàn. Bằng lối kể chuyện dí dỏm, hài hước, pha những câu nói hiện đại, bắt nhịp với đời sống học đường hôm nay, vở kịch đã truyền đi thông điệp vẹn nguyên của tác phẩm: ca ngợi sự thông minh, tài trí của Mồ Côi cũng như tục lệ đẹp của người xưa trồng cây nêu trong ngày Tết. Thông qua vai diễn cậu bé Mồ Côi, tôi muốn nêu bật giá trị ̣của sự công bằng cũng như đề cao trí thông minh của cậu bé trong việc phân xử vụ kiện, từ đó rút ra bài học cho các bạn học sinh về sự chính trực và bảo vệ lẽ phải. Tôi đã cố gắng vào tròn vai diễn để mang tới hình ảnh một cậu bé tài trí, dí dỏm và gần gũi để các bạn nhỏ dễ hiểu và dễ tiếp cận.

PV: Chị có cảm nhận được sự kết nối của khán giả dành cho Mồ Côi khi đứng trên sân khấu?

NS Tố Uyên: Vở diễn “Lời bà kể” nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng sự yêu thích từ các bạn học sinh, thiếu nhi trong đêm đầu tiên chúng tôi dự thi tại TP Hải Phòng. Sự tương tác của các em nhỏ với nghệ sĩ rất sôi nổi, nhất là những cao trào đấu trí thông qua lời thoại khiến nhà hát như vỡ oà. Đó là điều làm chúng tôi nhớ mãi.

PV: Như chị chia sẻ, vở diễn này nằm trong Đề án phê duyệt sân khấu kịch học đường đã được thành phố phê duyệt. Cụ thể là thế nào?

NS Tố Uyên: Vở diễn đã được thành phố Hà Nội phê duyệt, giai đoạn 2022-2024 giao cho Nhà hát Kịch Hà Nội triển khai. Từ năm 2025, Đề án có sự tham gia của 6 nhà hát trực thuộc thành phố Hà Nội. Chúng tôi đã triển khai đưa một loạt vở diễn vào các trường từ THPT, THCS và tiểu học trên địa bàn thành phố. Nhà hát Kịch Hà Nội phối hợp cùng các trường đã tổ chức biểu diễn thành công hơn 200 suất diễn, gồm các vở như “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” chuyển thể từ “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, “Tinh thần thể dục” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, “Quẫn” của tác giả Lộng Chương và “Lời bà kể”. Trong những năm qua, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn hướng tới thế hệ trẻ với tinh thần trách nhiệm cao, mong muốn đưa nghệ thuật sân khấu kịch nói đến gần với khán giả trẻ tuổi hơn, tạo niềm hứng khởi để các bạn thêm yêu văn học, yêu lịch sử Việt Nam, tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, từ đó làm hành trang trong cuộc sống. Đó là những giá trị ̣mà các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội nói chung, trong đó có tôi đang góp phần nhỏ tạo nên thành công chung của Đề án. Tôi rất may mắn và hạnh phúc khi được tham gia 3 trong 4 vở thuộc đề án này.

PV: Theo chị, xây dựng nghệ thuật sân khấu kịch nói dành cho thiếu nhi cần những yếu tố nào?

NS Tố Uyên: Theo tôi, nghệ thuật sân khấu kịch nói dành cho thiếu nhi cần có sự hấp dẫn, khơi dậy tính hiếu kỳ muốn tìm hiểu từ các em. Kịch bản có thể từ những câu chuyện cổ tích Việt Nam, văn học dân gian, sách giáo khoa hay những câu chuyện lịch sử, những nhân vật hoạt hình, các nhân vật siêu anh hùng nhưng phải phù hợp với thị ̣hiếu của nhóm đối tượng này. Ngoài yếu tố vui, hấp dẫn, giải trí thì cần có những bài học được rút ra sau mỗi câu chuyện nhưng phải mang tính giáo dục, giúp các em hiểu sâu về những giá trị ̣trong cuộc sống. Để làm được điều đó cần phải có một kịch bản xúc tích, mạch lạc, dễ tiếp cận, tạo nên sự hấp dẫn, nhưng điều quan trọng nhất là tùy vào từng lứa tuổi tiếp cận để đưa ra câu chuyện giáo dục phù hợp.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!