Dự án giấy dó “bay” theo gió

|

Đề tài “Phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó” của Chi cục Phát triển nông thôn Điện Biên, được Sở Khoa học - Công nghệ Điện Biên tạo mọi điều kiện về thủ tục, kinh phí để triển khai trên thực tế. Nhưng chính đơn vị xây dựng, đề xuất, thực hiện đã đẩy dự án đến chỗ thất bại.

Dự án đẹp... như vẽ!

Theo Quyết định số 501 ngày 12-12-2014 của Sở Khoa học - Công nghệ về việc phê duyệt kinh phí thực hiện dự án: “Phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó” và Hợp đồng thực hiện dự án khoa học và công nghệ số 581 ngày 31-12-2014 giữa Sở Khoa học - Công nghệ Điện Biên và Chi cục Phát triển Nông thôn (PTNT) Điện Biên, trong thời gian 24 tháng, Chi cục PTNT sẽ thực hiện dự án phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó với tổng kinh phí 755 triệu đồng.

Với bản thuyết minh 24 trang (chưa kể phụ biểu đính kèm về quy trình trồng và chăm sóc cây dướng), trên cơ sở những luận cứ khoa học về tính cấp thiết, khả thi của dự án, Chi cục PTNT đã xác định các mục tiêu cụ thể của dự án. Theo đó, sau khi dự án hoàn thành sẽ xây dựng được cơ sở sản xuất giấy dó và phát triển các sản phẩm từ giấy dó tại hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để mỗi năm sản xuất hơn 70 nghìn sản phẩm từ giấy dó có chất lượng tốt, thân thiện môi trường... Điều đặc biệt hấp dẫn là dự án sẽ tạo cơ hội việc làm ổn định cho 20 lao động người địa phương, với mức lương hứa hẹn từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Cuối tháng 9-2015, tại bản Na Sang 2, lễ khởi công xây dựng nhà xưởng sản xuất giấy dó đã long trọng diễn ra. Tới dự, bên cạnh những “yếu nhân” của hai sở Khoa học - Công nghệ và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Điện Biên; đương nhiên là sự có mặt của cán bộ và nhân dân xã Núa Ngam nói chung và nhân dân bản Na Sang 2 nói riêng. Nhiều người dân các xã bạn cũng trèo đèo lội suối tới đây, để chứng kiến một sự kiện hy hữu và nhất là để mừng cho cơ hội đổi đời của những đồng bào sắp thoát khỏi cảnh đói nghèo...

Nhưng dở dang…

Có điều, thật không ngờ là ngay khi hoàn thành xây dựng nhà xưởng và mua sắm đầy đủ máy móc để làm giấy thì “vấn đề” mới bày ra. Ấy là vì máy móc to quá, công suất lớn quá trong khi nguồn điện hiện có lại quá nhỏ nên máy móc không thể vận hành.

Giải quyết vấn đề, ngày 21-6-2016, Chi cục trưởng PTNT Phan Mạnh Kha đã ký Tờ trình 97/TTr-CCPTNT, gửi đồng thời hai sở là Khoa học - Công nghệ và Tài chính, đề nghị bổ sung 181.314.184 đồng để lắp đặt đường điện ba pha đến nhà xưởng sản xuất giấy dó. Hồi đáp Tờ trình 97/TTr-CCPTNT, tại Công văn 357, ngày 28-6-2016, Sở Khoa học - Công nghệ Điện Biên nêu rõ: “Không nhất trí với đề nghị của Chi cục PTNT…; đề nghị đơn vị huy động đủ các nguồn tài chính hợp pháp và các điều kiện khác để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký. Đồng thời có báo cáo giải trình nội dung trên và làm rõ lý do chậm tiến độ thực hiện các nội dung trong hợp đồng trước ngày 1-7-2016…”.

Cứ như thế suốt từ bấy đến nay đã hơn hai năm trôi qua, thay vì tìm cách khắc phục, đưa máy móc nhà xưởng sản xuất giấy dó vào vận hành thì những người thiết tha với dự án giấy dó ở Chi cục PTNT lại chỉ làm mỗi cái việc “sản xuất” văn bản gửi Sở Khoa học - Công nghệ để đề nghị, được… dừng sản xuất giấy dó. Trong khi đó, tại bản Na Sang 2, ông Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Lào - Lò Văn Thoong ngày nào cũng tiếp hàng chục người đến hỏi: “Khi nào bà con được làm việc ở nhà xưởng?”; “Khi nào mới vận hành thử rồi làm thật…?”. Nghe theo cán bộ dự án, ban đầu ông Thoong giải thích với bà con là do vướng nguồn điện nên phải chờ kéo điện ba pha mới thì làm, nhưng sau rồi chính ông Thoong cũng chán với câu trả lời ấy, bởi ông biết có loại máy nhỏ hơn, tiện hơn làm được giấy dó mà chẳng cần đến điện ba pha.

Thấy chúng tôi vẻ nghi ngờ loại máy ấy, ông Thoong mới nói chi tiết: “Tôi không hiểu cán bộ dự án tính toán kiểu gì mà lại mua cái máy mấy chục người khiêng. Trong khi tôi biết tại Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội có bán máy làm giấy nhỏ, gọn lại rẻ hơn rất nhiều. Tính giá trị thì tiền một cái máy cán bộ dự án mua tôi có thể mua được 10 cái máy làm giấy mà không cần phải kéo thêm nguồn điện. Nhưng tôi không hiểu sao cán bộ dự án làm như thế…?”.

Ngày 3-11-2017, khu nhà xưởng để phục vụ sản xuất giấy dó đã được chuyển chủ từ Chi cục PTNT sang cho UBND huyện Điện Biên và huyện Điện Biên lại giao cho HTX thổ cẩm Lào Na Sang 2 quản lý. Trong diện tích khoảng 100m2 nhà xưởng giờ đã là nhà kho, chứa rất nhiều loại phân bón và cả những vật dụng ít dùng đến của gia đình ông Lò Văn Thoong. Mấy chiếc máy đồ sộ đã được cán bộ dự án đem đi bán đấu giá... sắt vụn. Giờ nhà xưởng còn đó, ông Thoong cũng còn đó và tiếng bấc tiếng chì cũng đổ hết cho vợ chồng ông Thoong. Một số người không hiểu vì sao dừng sản xuất giấy dó, cho rằng, gia đình ông Thoong chiếm xưởng. Có người còn nói ông Thoong bán máy không cho dân làm trong khi chính bản thân ông còn chẳng hiểu vì sao...?

Ông Lò Văn Thoong cho biết: “Giấy dó dân bản làm thủ công đã được như thế này, nếu có máy móc sẽ tốt hơn nhiều”.

Ngổn ngang trách nhiệm

Xoay quanh câu hỏi vì sao dừng dự án khi nhà xưởng đã hoàn thành, máy móc đã lắp đặt xong, ông Phan Mạnh Kha liệt kê những nguyên nhân khách quan, như là: cơ sở hạ tầng về điện còn nhiều hạn chế không thể cung cấp thêm cho cơ sở sản xuất; sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập từ việc sản xuất các sản phẩm giấy dó thấp, không thu hút lao động; giá thành cao hơn các sản phẩm cùng loại, mẫu mã kém tinh tế hơn nên không thu hút khách hàng. Loại trừ nguyên nhân vì nguồn điện, chúng tôi hỏi thêm ông Kha về các nguyên nhân khác mà ông vừa liệt kê dường như cũng chính là luận cứ về tính cấp thiết, cơ sở khoa học, thực tiễn mà bản thuyết trình dự án đã đề cập, sao bây giờ lại trở thành nguyên nhân khiến dự án bất thành? Ông Chi cục trưởng lại dẫn chứng: sản phẩm giấy dó của Hòa Bình, Bắc Ninh còn không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại của các nước Lào, Trung Quốc, Nhật Bản... nên dừng dự án thì... tốt hơn!

Cũng bởi “cái lý” dừng dự án sớm thì tốt hơn cho nên nhanh như lúc đi mua máy, cán bộ dự án đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh lý bộ ba máy nghiền vỏ, khuấy bột, cắt giấy với giá 14,1 triệu đồng, trừ chi phí còn 9,6 triệu đồng... Vậy là sau gần bốn năm triển khai, cán bộ dự án Chi cục PTNT Điện Biên đã góp công làm “teo” nguồn ngân sách mấy trăm triệu đồng nhưng lại làm đầy thêm nỗi thất vọng trong lòng người dân bản Na Sang 2.

Là người ủng hộ dự án nhất và bây giờ chính ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Điện Biên cũng là người buồn nhất vì kinh phí đã cấp trên 527 triệu đồng mà không có nổi một sản phẩm. “Mất tiền, mất thời gian, mất cả niềm tin của người nông dân, vậy mà Chi cục PTNT cứ nhăm nhăm đổ lỗi tại khách quan thì ai chấp nhận được”, vừa nói ông Nguyễn Văn An vừa đưa cho chúng tôi một chồng văn bản (cân nặng khoảng 2 kg) được đánh số theo thứ tự từ một đến 56. Chỉ tay vào chồng văn bản, ông An nói thêm: “Thất bại là do chủ quan. Văn bản dấu đỏ mực đen còn đó, các bạn cứ tìm hiểu sẽ rõ, dự án này thất bại do đâu!”.

Sau nhiều ngày nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu tâm tư người dân vùng dự án, chúng tôi hiểu nguyên nhân thất bại của dự án là do ý chí chủ quan. Ngay từ đầu người ta đã nhăm nhăm với việc làm tất cả để bảo vệ được đề tài, bảo vệ được nguồn kinh phí để triển khai và... giải ngân. Nhà xưởng, máy móc được đầu tư chỉ phục vụ mỗi “công đoạn”... tiêu tiền của dự án. Giờ thì dự án giấy dó đã “bay” theo gió, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, không ai thấy lương tâm mình cắn rứt sau khi nguồn vốn đầu tư đã hoàn toàn tiêu tan trong nỗi thất vọng và sự hoài nghi của nhân dân trong vùng...