Thực trạng nhức nhối
Đi lại hằng ngày bằng xe buýt đến nơi làm việc, chị Mai Thị Thu Hiền (ngụ đường Tôn Đản, quận 4) cho hay, cứ vào giờ cao điểm sáng và chiều, tuyến xe buýt số 46 (Cảng quận 4 đi Bến Mễ Cốc, quận 8) luôn đông nghẹt người trên xe nên không tránh khỏi cảnh chen lấn. “Trong những lúc đông đúc này, tôi luôn phải chú tâm quan sát mọi thứ chung quanh để bảo vệ an toàn cho mình…”, chị Hiền chia sẻ. Có chung tâm trạng, bạn Trần Ngọc Quyên (sinh viên năm 2, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, trên những tuyến xe buýt số 8, 10 hay 19 (những tuyến đi đến trường ở quận Thủ Đức) luôn đầy ắp sinh viên và người dân. Thế nên, cũng có những lúc không thể tránh khỏi nạn móc túi, trộm cắp và cả hành vi quấy rối tình dục. “Do vậy, bất cứ ai đi trên những tuyến buýt đông người, đặc biệt là sinh viên tỉnh lẻ như chúng em cần phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng đối phó với những điều không hay đó”, bạn Quyên nhắn nhủ.
Theo số liệu khảo sát của “Chương trình TP Hồ Chí Minh an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2017 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện, có 18,5% số phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết đã bị quấy rối tình dục; 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận có các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng. Thậm chí, theo một nghiên cứu khác của tổ chức Action Aid Việt Nam năm 2014, 87% số phụ nữ tham gia phỏng vấn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho biết, họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.
Trước tình trạng trên, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố) và Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam vừa phối hợp tổ chức sự kiện “Bữa sáng ruy băng trắng” và ra quân “Hành trình xe buýt mầu cam an toàn” với chủ đề “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em”, nhằm hưởng ứng “Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” và “Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động đoàn kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Tổng Thư ký LHQ phát động.
Đây là lần đầu TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện này nhằm phòng ngừa bạo lực, quấy rối và bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải thành phố cũng chính thức khai trương tuyến xe buýt và khu nhà chờ điện tử mầu cam mang thông điệp của Tháng hành động tại đường Hàm Nghi (quận 1), nhằm lan tỏa thông điệp về những chuyến xe buýt an toàn, chấm dứt bạo lực giới, vì một TP Hồ Chí Minh an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động 26 chiếc xe buýt mầu cam (thuộc tuyến số 53). Đây là tuyến đi từ trung tâm thành phố đến Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức), phục vụ gần 400.000 lượt người/tháng, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đợt này, UBND quận 1 và quận 10 cùng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cũng triển khai Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2017 đến 2021.
TP Hồ Chí Minh hiện có gần 2.400 xe buýt đều được lắp đặt hệ thống camera, với mỗi xe trang bị từ ba đến bốn camera có chức năng quan sát địa hình, ghi hình ảnh thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên nhằm giúp cho đơn vị quản lý kịp thời chấn chỉnh những vấn đề chưa tốt của đội ngũ lái - phụ xe. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý các hành vi trộm cắp, móc túi và quấy rối tình dục với phụ nữ trên xe buýt. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thành phố triển khai Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017 đến 2021, tầm nhìn đến năm 2030.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Bà Nguyễn Thị Thanh Luận, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Thủ Đức cho rằng tình trạng bạo lực, quấy rối tình dục đang rất phổ biến, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho phụ nữ, trẻ em. “Các nạn nhân ngại không dám lên tiếng, chỉ biết cam chịu. Một số chị em đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bác sĩ dễ dàng nhận ra các thương tổn là do bị bạo hành, quấy rối tình dục nhưng nạn nhân không thừa nhận vì lo ngại. Rất mong các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, quấy rối tình dục”, bà Luận tha thiết.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố bố trí phòng khám, đào tạo nghiệp vụ cho các y, bác sĩ tiếp cận bệnh nhân khai thác thêm những tổn thương về tinh thần mà trong thời gian hoảng loạn nạn nhân không chia sẻ. TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các nhà lánh nạn; phối hợp lực lượng công an để bảo đảm an toàn cho các nạn nhân.
Nói về vấn nạn này, ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, trung tâm sẽ triển khai thực hiện các biện pháp thiết thực trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng và tại các điểm dừng xe buýt nhằm tạo nên hình ảnh xe buýt thân thiện, an toàn và văn minh. Về giải pháp trong việc phòng, chống bạo lực, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, ông Lê Hà Ân cho rằng, cần có sự tham gia tuyên truyền của các sở, ngành, thành phố cùng với cơ quan báo chí truyền thông, nhằm kêu gọi người dân vào cuộc, phát hiện các hành vi bạo lực, quấy rối tình dục nơi công cộng, sẵn sàng mạnh dạn tố giác. Các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để các vụ việc vi phạm xảy ra để răn đe, phòng ngừa. “Trung tâm khuyến cáo các chị em khi bị đe dọa trấn lột, quấy rối… thông báo cho trung tâm theo Đường dây nóng 1022 để yêu cầu công an can thiệp”, ông Ân cho biết thêm.
Cũng theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, để không còn nạn quấy rối tình dục và bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em ở nơi công cộng, thành phố cần tiếp tục xây dựng những chính sách để cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Trong đó, xây dựng và thúc đẩy những chính sách kinh tế - xã hội có nhạy cảm giới để giúp phụ nữ và trẻ em gái phát triển mọi tiềm năng, được hưởng các cơ hội ngang bằng với nam giới. Mặt khác, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt của nam giới về vai trò của nam giới trong việc ủng hộ và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ những định kiến giới và ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.