Còn nhiều băn khoăn

|

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 với nhiều cải cách đã kết thúc cuối tuần qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng kỳ thi đã diễn ra an toàn, yên ả, nghiêm túc và tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kỳ thi còn nhiều vấn đề đáng nói.

Nghiêm túc hay chỉ... yên ả?

Theo đánh giá của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia 2017, kỳ thi đã được tổ chức thành công. Cụ thể, việc tổ chức một loại hình cụm thi ở mỗi tỉnh và giao cho Sở GD&ĐT chủ trì đã khiến việc tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan và công bằng.

Nếu như năm 2016 có tới 328 thí sinh bị đình chỉ thi, thì năm nay, cả nước chỉ có 72 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ và hai giám thị bị khiển trách. “Đó là kết quả của việc đổi mới hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm ở tất cả các môn thi (trừ môn Văn). Và mỗi thí sinh trong một phòng có một mã đề thi khác nhau, điều đó khiến việc gian lận, trao đổi bài trong phòng thi là bất khả quan”, ông Bùi Văn Ga nói.

Tuy nhiên, sự nghiêm túc vẫn là “ẩn số” khi các hiện tượng tiêu cực vẫn được phản ánh từ nhiều phía. Cụ thể, như trong sự việc bắt được thí sinh sử dụng tai nghe siêu nhỏ công nghệ cao để thực hiện hành vi gian lận ở Quốc Oai (Hà Nội) từ môn thi đầu tiên, nhưng tới môn thi thứ hai thì cán bộ giám sát hành lang mới phát hiện được, chứ giám thị trong phòng thi hoàn toàn không biết. Có thí sinh bị phát hiện sử dụng điện thoại truyền dẫn thông tin ra ngoài nhưng giám thị trong phòng thi không phát hiện được mà phải nhờ đến Tranh tra của Bộ. Có thí sinh phản ánh vẫn còn hiện tượng giám thị ở một số địa phương “thả lỏng” cho học sinh trao đổi bài trong phòng thi...

Dư luận đặt câu hỏi: Liệu đó có phải là hậu quả của việc giao cho địa phương chủ trì kỳ thi? Kỳ thi có thực sự nghiêm túc như đánh giá của Bộ GD&ĐT không?

Giải thích điều này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng giáo dục khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để bảo đảm kỳ thi có độ tin cậy. Theo ông Trinh: “Trật tự của các điểm thi rõ ràng an toàn, không có lộn xộn. Việc tổ chức các bài thi trắc nghiệm phải nói đã triệt tiêu động lực của các em trong tiêu cực. Các em muốn mang tài liệu vào chỉ có thể mang cả sách vào. Và thời gian ngắn không có đủ thời gian để quay cóp”.

Ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng, việc sử dụng công nghệ cao để gian lận không phải câu chuyện mới mà các năm trước đã có, lực lượng công an cũng phối hợp hướng dẫn cán bộ trong việc cảnh giác, phát hiện các thiết bị gian lận. Hơn nữa, học sinh tập trung trong một phòng thi và có hai giám thị. Nếu giám thị làm hết trách nhiệm thì hoàn toàn có thể nắm bắt được những biểu hiện bất thường của thí sinh.

Nói về việc có tin tưởng hay không kết quả của kỳ thi THPT quốc gia khi sử dụng xét tuyển ĐH, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Có thể yên tâm về độ tin cậy của kỳ thi để xét tuyển vào ĐH. Khi có điểm thi, chúng ta có thể dựa vào phổ điểm để phân tích xác thực hơn, nhưng cảm nhận ban đầu thì chúng tôi có thể khẳng định kết quả kỳ thi có độ tin cậy cao”.

Chất lượng đề thi

Một trong những vấn đề nổi cộm được dư luận đặt câu hỏi trong mùa thi năm nay là đề thi. Đây là năm đầu Bộ GĐ&ĐT xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa cho tất cả các môn thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến chung quanh đề thi, đặc biệt ở môn Ngữ văn.

Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, đề thi môn Ngữ văn với câu hỏi phần đọc hiểu đã đưa ra những khái niệm mơ hồ, chưa chuẩn, không thể hiện được sự trong sáng của tiếng Việt và chưa phù hợp đối tượng là học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Bài đọc hiểu đưa ra những khái niệm “lòng trắc ẩn”, “thấu cảm” rất khó phân tích. “Thấu cảm” chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cách cắt - ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Đoạn văn cũng khiến người đọc khó “thấu cảm” bởi không thể “nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ” được. Hơn nữa, mỗi người càng không thể “hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó”, thậm chí đó là điều không tưởng với chính mình”, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) phân tích.

TS Giáp Văn Dương, người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến GiapSchool thì cho rằng: “Trong trường hợp này, đây là bài đọc hiểu, nên đoạn văn bản cần được hiểu như một bài luận, dùng để đánh giá việc đọc - hiểu của thí sinh. Vì thế nó cần phải có sự đúng đắn về tri thức và vững chãi trong lập luận”.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) giải thích: “Đề Ngữ văn chia ra hai phần riêng biệt, phần Đọc hiểu có nhiều tranh cãi, đặc biệt là câu hai của phần này, nhưng nếu chúng ta đọc kỹ, ngay từ đầu phần một đã có yêu cầu rõ ràng là đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi, ý hai chỉ là một thành tố trong bốn câu hỏi đó”. Ông Hồng khẳng định, Bộ đã làm việc với tổ ra đề Ngữ văn và được khẳng định đề thi văn chính xác, không có sai sót. Còn việc lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí chọn ngữ liệu thế nào thì đã có quy trình làm đề thi, ma trận đề thi...

Về sự việc đề thi môn Vật lý có sự nhầm lẫn, ông Hồng giải thích, do Bộ chỉ có tám ngày để chuyển đề về in chính thức, khi rà soát, Ban ra đề thấy một lỗi kỹ thuật ở bảy mã đề thi (trong tổng số 24 mã đề thi môn Vật lý). Ngay sau đó, Ban ra đề thi môn Vật lý đã gửi kèm bản đính chính cho tất cả các Ban in sao đề thi để kịp in sao cùng với đề thi. “Điều này thể hiện sự nghiêm túc của tổ ra đề thi, chúng tôi không phải đính chính ở hôm thi mà phần đính chính đã gắn hẳn vào mã từng đề cho các thí sinh. Bộ cũng đã ghi rõ đính chính là một phần trong đề thi”, ông Hồng nói.