Biên giới mùa mưa...

|

Tây Bắc mùa mưa. Những cơn mưa tầm tã dội xuống ngày này sang ngày khác như thử thách mỗi ngọn núi, lòng người. Trong các khe suối nước đổ về ầm ào như gào thét. Vậy mà trên những nẻo đường biên ở cực Tây đất nước, nhiều ngày qua hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng dân quân địa phương vẫn kiên cường bám trụ để canh gác, tuần tra, bảo đảm bình yên trên tuyến đầu chống dịch…

Ra đầu dốc “hứng” sóng điện thoại

Sau khi sắp gọn dầu, muối và một ít đồ hộp vào chiếc ba-lô, Đại úy Hờ A Sở mới lồng hai chiếc áo mưa thành một để mặc kín từ đầu đến quá gối. Quần xắn móng lợn, chân để trần, Đại úy Sở vẫy tay chào cán bộ chỉ huy và anh em chiến sĩ rồi rảo bước dưới màn mưa. Chiều biên giới tối nhanh hơn mực, mới 4 giờ chiều mà mầu đêm đã thẫm phía mờ xa.

Chờ khi Đại úy Hờ A Sở đi khuất trong chiều mưa, Trung tá Đặng Văn Hạnh, Đồn trưởng biên phòng Nậm Nhừ mới trở vào phòng làm việc, tiếp tục trực máy chờ thông tin các chốt báo về. Trò chuyện với anh, chúng tôi mới biết, không phải chỉ chiều nay mà suốt tám tháng qua kể từ khi dịch Covid-19 tràn về, đã rất nhiều chiều Trung tá Hạnh không khỏi chạnh lòng mỗi khi tiễn cán bộ, chiến sĩ về chốt như thế. 

Lật từng trang trong cuốn sổ làm việc, Trung tá Hạnh khẽ nói: Theo chỉ đạo từ Bộ Chỉ huy, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa phận Đồn Nậm Nhừ quản lý có 17 km đường biên và sáu mốc quốc giới. Để bảo đảm an toàn đường biên mốc giới, không để người dân trên khu vực biên giới xuất - nhập cảnh trái phép, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, từ cuối tháng 2, Đồn biên phòng (ĐBP) Nậm Nhừ đã lập bốn tổ chốt chặn cố định, một tổ lưu động với 16 cán bộ, chiến sĩ. Trong số bốn tổ chốt chặn cố định có hai chốt ở mốc 43 và 46 là khó khăn nhất. Bởi cách đồn hơn chục cây số, đường từ đồn về chốt lại chủ yếu đường mòn xuyên rừng, đi lại ngày nắng đã khó nên ngày mưa chẳng thể đếm khó trên đoạn đường. Ấy vậy mà, cứ hai tuần một lần, cán bộ, chiến sĩ trong chốt lại thay nhau về đồn nhận chỉ đạo mới và lấy lương thực, thực phẩm - nhưng cũng chủ yếu là đồ khô, như mì tôm, lương khô với dầu và muối, chứ những đồ tươi dù “thèm” lắm cũng chẳng mang đi được. “Thỉnh thoảng trên đồn có thực phẩm tươi thì anh em cất riêng một ít để phần anh em trên chốt về. Vậy mà lắm hôm người về cũng chẳng kịp ăn vì lo mưa dông trên chốt nên lại vội vã đi”, Trung tá Hạnh trầm giọng khi nhắc chuyện ấy, cứ như thể anh đang mắc nợ đồng đội của mình!

Cũng trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, rất nhiều đêm Thiếu úy Nguyễn Mạnh Dũng, Tổ trưởng chốt chặn tại mốc 111 - 112 thuộc địa phận ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang quản lý, đã không thể chợp mắt. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu úy Dũng cho biết: Không điện, không nước, không sóng điện thoại và không cả dân cư, đấy là chưa kể nguy cơ nếu lũ ống mà về thì hiểm nguy không lường hết. Nói rồi, Thiếu úy Dũng chỉ tay về con dốc sừng sững trước mặt và bảo, mỗi ngày mình đều leo lên đó “hứng” sóng điện thoại để gọi điện báo cáo chỉ huy đồn và cũng để cập nhật thông tin dự báo thời tiết của ngày sau. 

Và tôi, nhìn về con dốc dựng đứng ngay cạnh chốt đã hình dung cảnh người lính “hứng” sóng điện thoại mà thương. Bảo xa xôi quá đã đành, chứ đằng này cách đồn có bốn cây số và cách trung tâm thành phố vài chục cây, vậy mà nơi đây như cách cả vùng trời. Không về tận nơi, không nghe chuyện, liệu mấy ai hiểu gian khó như thế này!

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Nhừ giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ quét. 

Căng mình giúp dân chạy lũ

Những điều được thấy ở các chốt vùng biên tưởng với cán bộ, chiến sĩ biên phòng Điện Biên đã là vất vả lắm! Nhưng mà không, bởi đó chỉ là một phần trong số nhiệm vụ các anh vẫn đảm đương mỗi ngày. Điểm từng phần việc của cán bộ, chiến sĩ, Đại tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhiệm vụ chính là bảo vệ đường biên mốc giới, song từ khi có dịch Covid-19 đến nay cán bộ, chiến sĩ biên phòng Điện Biên được giao thêm nhiệm vụ tuần gác 24/24 giờ tại 68 điểm chốt chặn (cố định, lưu động) bảo đảm không người nào qua biên giới mà BĐBP không biết. Trong nhiệm vụ phòng dịch, các ĐBP còn đảm nhiệm tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch cho bà con, đặc biệt là bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, nắm thông tin người ra vào địa bàn biên giới, người đi lao động từ vùng dịch trở về. Và thêm nữa là hỗ trợ nhân dân mỗi khi gặp sự cố thiên tai bởi với người lính biên phòng thì nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho nhân dân biên giới vừa là trách nhiệm, vừa là niềm thương. 

Điều ấy như lời Đại tá Trần Nam Trung nói, khiến tôi nhớ cảnh người lính biên phòng Đồn Nậm Nhừ băng mình qua suối để cứu dân chạy lũ quét vừa qua. Sáng sớm hôm ấy, ngày 17-8, ngay khi nghe tin lũ quét tràn về trung tâm bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ thì tất cả cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Nậm Nhừ đã tỏa về bản Nậm Nhừ 1 giúp dân chạy lũ, mặc trời mưa ầm ào đổ về suối Nậm Nhừ. Đến từng nhà giúp người già, trẻ nhỏ đi tránh lũ, khi cơn lũ đi qua thì cán bộ, chiến sĩ lại căng mình giúp bà con hót đất, dọn bùn. 

Nhờ có BĐBP giúp sức, chỉ sau năm ngày, bản Nậm Nhừ 1 đã bớt cảnh tan hoang, đổ nát. Như lời cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT tiểu học Nậm Nhừ đã tâm sự với chúng tôi hôm trước: “Nhờ có cán bộ, chiến sĩ biên phòng nên bà con và các thầy, cô giáo mới có thêm động lực để gượng dậy sau lũ, chứ sức dân không thì chẳng biết khi nào mới dọn được núi bùn”!

Và cũng chuyện BĐBP giúp dân chạy lũ, dù đã nhiều ngày trôi qua song với bà con dân tộc H’Mông ở bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên thì chuyện ấy như mới ngày hôm qua. Kể cho chúng tôi nghe chuyện cơn lũ tràn về hồi đầu tháng 7 vừa qua, Trưởng bản Ca Hâu - Vừ A Tú bảo rằng, nước đổ về ầm ầm cuốn theo rất nhiều bùn đất tràn vào nhà dân làm đổ cột, trôi thóc. Nhiều người sợ quá chỉ biết khóc vì bản H’Mông chưa bao giờ thấy lũ về như thế. Khi bà con lo sợ nhất thì cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang về. Các anh đã giúp bà con đưa thóc, ngô, trâu, bò đi chạy lũ. Nhờ có các anh mà người bản Ca Hâu không mất ai, thóc lúa bị trôi cũng không nhiều.

Hỏi thêm Thiếu tá Nguyễn Đình Thuần, Phó trưởng BĐBP Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang về cái ngày các anh đã giúp bà con chạy lũ, thì được biết: Trừ những người đi cắm chốt, còn tất cả 39 cán bộ, chiến sĩ đều tức tốc về bản giúp nhân dân. Với các anh giúp dân là trách nhiệm, là việc làm ý nghĩa, để đầy thêm tình quân dân luôn gắn bó nghĩa tình.

Nhắc chuyện tiễn Đại úy Sở về chốt chiều ấy, Trung tá Hạnh kể thêm về cuộc sống những ngày qua của anh em ở mốc 46. Thiếu thốn đủ thứ, nhưng thiếu nhất là nước và rau xanh, bởi thế mà anh em phải thay phiên gác đi gùi từng can nước và hái lá tàu bay làm rau ăn cho đỡ xót ruột. Mùa mưa này, khe suối gần chốt ầm ào chảy suốt ngày đêm lại càng khiến cán bộ, chiến sĩ lo lắng nhiều hơn. Lắm khi trong giấc ngủ chập chờn sau ca gác, Đại úy Hờ A Sở lại giật thót mình vì mơ thấy lũ quét đang tràn qua…