Từ nỗi đau chiến tranh
Sư cô Thích nữ Nguyệt Liên được các em ở cơ sở từ thiện gọi bằng từ thiêng liêng và đầy lòng yêu mến, đó là thầy. Ký ức chiến tranh là những trang nhật ký đầy ám ảnh trong người con của Phật, sư cô nhớ lại: những năm tháng chiến tranh, nhất là thời kỳ 1967 - 1968 tại đây thật sự ác liệt, lúc đó bom đế quốc Mỹ bắn phá hết, nhà chùa chỉ còn mỗi tượng Phật. Dân đến gọi cô đi, cô đi theo dân đến tận Đà Nẵng. Dọc đường đi, người chết chồng lên nhau, bên kia có, đồng bào ta có... nhìn rất tang thương...
Năm 1993, sư cô từ Quảng Nam ra Quảng Trị xin tái thiết Tịnh xá Ngọc Lộ. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương đến năm 1996, Tịnh xá Ngọc Lộ đã hoàn thành. Với vai trò là trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ, sư cô bắt tay vào các hoạt động từ thiện, chủ yếu giúp đỡ những trẻ em nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt.
Sư cô nhận thấy số các trẻ em khuyết tật, bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện khá nhiều, nhất là hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, vùng bị rải thảm dioxin thời chiến, năm 2007, Tịnh xá Ngọc Lộ đã xin chính quyền địa phương cấp đất trên địa bàn thị trấn Cam Lộ, sau đó kêu gọi các nguồn hỗ trợ để xây dựng nên Cơ sở Từ thiện phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ cho các em. Tám năm qua, nơi đây trở thành “ngôi nhà” thứ hai cho hàng trăm trẻ em khuyết tật, bại não, trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện Cam Lộ và các vùng lân cận.
Những mảnh đời bất hạnh
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng là vùng đất chịu nhiều đau thương, mất mát, là địa đầu chiến tuyến giữa hai miền nam - bắc, nơi đây đã từng hứng chịu nhiều bom đạn và chất độc hóa học hủy diệt con người, đến thiên nhiên và môi trường sống. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 37.292 người bị tàn tật, chiếm 6% dân số, trong đó có 6.200 trẻ em khuyết tật, chiếm 1% dân số. Cuốn sổ mà Sư cô Thích nữ Nguyệt Liên ghi chép đã lên đến 188 trường hợp từ tám năm nay, bao gồm những trường hợp cụ thể, họ tên người thân, số điện thoại, địa chỉ, bệnh tình. Lật đến đâu, Sư cô đều đọc tên và nở nụ cười. Bởi, những trẻ em ngày ấy, người xơ cứng não, người bại não, thiểu năng... không tự phục vụ được mình, nay đã trở thành người có ích không chỉ đối với mình và đối với cả gia đình, xã hội. Có người đã xây dựng gia đình, có con.
Chị Hoàng Thị Toàn (thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu) một người mẹ đến nương nhờ cửa Phật để điều trị bệnh cho các con. Trước khi kể về câu chuyện của các con mình, chị trò chuyện với chúng tôi về những người chung quanh: “tôi đi lại ở đây cũng lâu, từ khi Cơ sở từ thiện mới thành lập. Những người như Nương (tức Lê Thị Mỹ Hạnh) ở tại thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền trước đây bị thiểu năng trí tuệ, nói không rõ, nằm một chỗ qua bảy năm phục hồi chức năng ở đây, nay nói năng bình thường, không những đi lại được mà còn đạp xe”. Nghe chị Toàn kể, Nương góp vào câu chuyện: “Em đạp xe thoải mái rồi, từ nhà sang chùa năm cây số và từ chùa trở về nhà, trước em nằm yên một chỗ”. Kể về những đứa con, chị Toàn chảy nước mắt: “Có lẽ do chất độc hóa học dioxin chứ tôi và chồng tôi lành lặn, mạnh khỏe, nhưng con trai đầu của tôi 13 tuổi bị bại não nằm một chỗ, con gái tôi năm tuổi bị xơ cứng não. Ngày nào tôi cũng đem con đến chùa để phục hồi chức năng, cảnh gia đình làm nông nghiệp khốn khó vô cùng nhưng vì con nên gắng gượng, cũng may có nhà chùa. Trước Duyên (tên con gái chị Toàn) nằm một chỗ, chân tay co quắp, sau thời gian điều trị bằng cách bấm huyệt và phục hồi chức năng tại cơ sở từ thiện, Duyên đã cử động được và đi lại ổn hơn”.
Chị Nguyễn Thị Thẩm, mẹ của em Nguyễn Phương Uyên, hai tuổi rưỡi, ở tại thôn Bích Giang (xã Cam Hiếu) tâm sự với chúng tôi: “Từ khi sinh ra Uyên đã bị bại não, nhìn thấy con nằm một chỗ tôi thấy đứt ruột. Tháng 3-2018, từ một số người quen, tôi được biết đến cơ sở từ thiện của Tịnh xá Ngọc Lộ nên đưa con đến đây điều trị phục hồi. Đối với những gia đình nghèo, những người không có điều kiện đi phục hồi chức năng ở các tuyến bệnh viện thì ở đây rất tốt, con gái tôi sau thời gian điều trị đã có những tiến bộ, cháu nói tốt hơn, đã cử động được đáng kể”.
Còn rất nhiều những cái tên mà chúng tôi lướt qua cuốn sổ của sư cô Thích nữ Nguyệt Liên: Nguyễn Thị Thanh Nhã, Lê Hoàng Phước Quang, Nguyễn Quang Phúc... đó là những mảnh đời khi mới sinh ra đã mang trên mình những nỗi đau bởi bệnh tật. Và cơ sở từ thiện Tịnh xá Ngọc Lộ là nơi họ gửi gắm niềm tin, nơi “neo” lại chút hy vọng dẫu mong manh nhưng là động lực để họ vươn lên chiến thắng bệnh tật, cho người thân tiếp tục chiến đấu trong những ngày cam go.
Tốt đời đẹp đạo
“Trong số 188 trẻ em bị bại não, thiểu năng trí tuệ... đến điều trị ở đây có một vài em đã chết”, sư cô dứt lời, và khoảng lặng im sau đó kéo dài chừng vài phút mới tiếp tục câu chuyện: “Nhất là bại não, cứu được chừng nào thì cứu chứ đây là loại bệnh nặng cần rất nhiều thời gian. Mà thời gian của người bệnh thì không có nhiều, một ngày của người bệnh cũng bằng mấy năm của người bình thường...”. Sư cô trò chuyện với chúng tôi trong tiếng kêu vọng lại của một vài trẻ em khi lên cơn đau. Chợt lúc này, chúng tôi nghĩ rằng, “tu” trong môi trường ấy liệu có được chăng? Sư cô mỉm cười: “Đạo lý của Phật pháp là đức từ bi cứu độ chúng sanh, thực hiện hạnh nguyện”.
Bốn nhân viên phục hồi không lương, sư cô và các ni sư Thiền, Ni sư Hậu... ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác hỗ trợ các em điều trị phục hồi. Hằng ngày các em được hỗ trợ, chăm sóc và phục hồi bằng phương pháp bấm huyệt theo y học cổ truyền dân tộc, phương pháp trường sinh học đem năng lượng tình thương đến với các em. Các em được phục hồi chức năng theo dây chuyền, mỗi ngày từ 5 - 10 em, mỗi em được phục hồi chức năng từ 20 - 30 phút, sau một tuần là đến lượt các em khác.
Ngoài ra cơ sở còn có các dụng cụ để phục hồi được UBND huyện Cam Lộ và Dự án Hà Lan tỉnh Quảng Trị giúp đỡ bằng các loại xe đạp tập bại não, đèn tia lade để phục hồi tay chân cong cứng hay phục vụ cho những người bị cột sống, bị tai biến... Để làm được việc đó, sư cô đã trực tiếp cùng với chị em ở cơ sở từ thiện đi vận động các nguồn quỹ từ thiện từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ sữa, mì hoặc bánh ngọt cho các em bồi dưỡng thêm sau khi tập. Sư cô chia sẻ: “Những em ở các huyện như: Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng... có nhu cầu ở lại vì nhà ở xa thì nhà chùa bố trí chỗ ở và chu cấp tiền ăn ngày ba bữa cùng với người thân. Trong tám năm qua, nhà chùa đã hỗ trợ và chăm sóc phục hồi cho rất nhiều em từ chỗ bị bại não nằm một chỗ trở nên đi lại được và hòa nhập vào cộng đồng. Để có được kết quả này, sư cô và tình nguyện viên ở cơ sở từ thiện đã dày công khổ luyện học hỏi thêm các kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng và tâm lý của người khuyết tật, từ đó bền bỉ hướng dẫn cho từng em về các kỹ năng phục hồi, nâng cao thể chất, thể lực và cả trí tuệ cho các em.
Chia tay “thầy trò” ở cơ sở từ thiện Tịnh xá Ngọc Lộ, chúng tôi vẫn mang theo nhiều hình ảnh bên mình. Những đứa trẻ như những mầm xanh vươn lên trong giông bão, và bên cạnh các em, có các ni sư, có gia đình và sự nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng. Những việc làm thầm lặng, bền bỉ của gia đình Phật tử Tịnh xá Ngọc Lộ đã góp thêm nhựa sống cho mọi người, là liều thuốc nhân ái cho cuộc sống, phần làm đẹp hơn về hình ảnh những người tu hành nơi cửa Phật.