Nơi mở khung trời cho người tự kỷ

|

Giữa tấp nập Hà Nội, có một mô hình gieo hy vọng cho các bạn trẻ tự kỷ, nằm trên đường Mai Anh Tuấn, quận Ba Đình. Tại đây, đi từ những bỡ ngỡ ngày đầu, các bạn trẻ dần trở nên thân quen, thêm “yêu” các “chữa lành” cho mình và nhiều người khác nữa.

“Ở đây em thấy rất thích”

Quang An, 21 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, chia sẻ về công việc hằng ngày của mình với một sự hào hứng hiếm thấy: “Nhiều lắm. Em cắt thái rau củ này, rửa, quét dọn lau sạch công ty này. Sau đó là giúp đỡ các bạn này, rửa bát đũa của công ty”. Đối với An, công việc tại đây không chỉ là những nhiệm vụ hằng ngày mà còn là một niềm vui: “Vừa làm vừa nghịch như ở nhà, thoải mái lắm”.

Ban đầu, Quang An cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với sự kiên trì, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn. Cậu cảm thấy mình đã trưởng thành hơn khi làm việc cùng các bạn: “Lúc mới đầu thấy vẫn còn trẻ con, sau dần thấy mình lớn thêm, trưởng thành thêm. Giờ em đi làm bằng tất cả các phương tiện, cả xe máy, cả xe bus. Ngày trước cần bố mẹ đưa đón, giờ là tự đi hết”.

Bạn Quang Anh, 21 tuổi, phường Mễ Trì nhớ lại những ngày đầu khó khăn: “Hồi mới vào đây, em gặp nhiều khó khăn nhưng em vượt qua bản thân và làm những công việc trong công ty như bán hàng cho khách, lau nhà, quét dọn cùng mọi người. Những công việc ban đầu có thể khó, nhưng vẫn thực hiện được chứ em không bỏ qua mà quyết tâm thêm”.

Công việc không chỉ mang lại cho Quang Anh kỹ năng mà còn giúp cậu trưởng thành hơn về tinh thần: “Khi làm ở đây, các bạn và anh Trung cùng nhau giúp đỡ em. Nhưng giúp đỡ chỉ là một phần, gián tiếp thôi, chủ yếu là do bản thân”. Từ vẻ mặt lạnh lùng, buồn bã, Quang Anh đã trở nên vui vẻ, hòa đồng hơn: “Hồi trước em hay cãi vã với các nhân viên ở đây, giám đốc cũng phải nhắc nhở em để em thay đổi”.

Còn Hoàng Lâm, một bạn trẻ 19 tuổi đầy nhiệt huyết, chia sẻ về công việc: “Ở đây em làm nhiều thứ lắm. Em phục vụ cho nhà hàng, nhận đơn đặt hàng, mang đồ cho khách. Ban đầu thì có khó, sau này thấy đơn giản dần. Anh Trung và các bạn giúp đỡ em nhiều”.

Đó không chỉ là những chia sẻ đơn thuần mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của các bạn trẻ tự kỷ. Đó là nguồn cảm hứng quý báu, khẳng định rằng mọi người, dù có hoàn cảnh nào, đều có thể vươn lên.

Các bạn trẻ là nhân viên mô hình VAPs thỉnh thoảng lại thay trang phục vào các dịp đặc biệt.

Vượt lên với mô hình “viển vông”

Anh Nguyễn Đức Trung là sáng lập và điều hành mô hình kinh tế VAPs (Vietnam’s Autism Project) - mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ. Anh đã dành nhiều năm tuổi trẻ của mình từ khi bắt đầu hành trình với một câu hỏi lớn: “Người tự kỷ sẽ làm gì và ở đâu khi trưởng thành, khi xa rời vòng tay của bố mẹ?”.

Thành lập công ty từ 8 năm trước, Nguyễn Đức Trung dành hai năm đầu tiên chỉ để nghiên cứu về tự kỷ. Anh từng bất an với những người tự kỷ: “Khi tôi nhìn thấy một người tự kỷ lần đầu tiên, tôi đã rất sợ bởi các bạn ấy rất to lớn và có những hành động rất kỳ quặc”. Tham khảo từ nhiều tài liệu từ nước ngoài và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, anh hiểu rằng người tự kỷ đều gặp phải những khó khăn lớn khi trưởng thành. Chính anh Trung đã phải tự mình vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, từ việc tìm kiếm nguồn lực tài chính đến việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho các dự án như giặt là, rửa xe, và nhiều dự án khác.

Từ đó, anh Trung xây dựng một hệ sinh thái kinh tế dành cho người tự kỷ với nhiều mô hình công việc khác nhau, từ nhà hàng, hiệu sách, siêu thị đến các vị trí lễ tân, thu ngân. Mỗi bạn tự kỷ đều được sắp xếp vào vị trí phù hợp khả năng của mình. Một thí dụ là bạn Quang Anh, có khả năng ngôn ngữ tốt nên được làm việc ở vị trí thuyết minh, tư vấn khách hàng tại siêu thị và hiệu sách. Còn bạn Trâm, với ưu điểm thạo tính toán, được xếp vào vị trí thu ngân. Những công việc giúp các bạn tự kỷ có thu nhập và cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Theo anh Trung, sự thay đổi lớn nhất của các bạn tự kỷ không thể đánh giá một cách chính xác qua lời nói mà cần sự công nhận từ phụ huynh và sự trải nghiệm thực tế. Những người tự kỷ đã dần thể hiện khả năng của mình qua từng công việc, từ việc bưng bê, giao dịch đến tư vấn khách hàng.

Không giấu được sự xúc động, anh nhìn lại hành trình đã qua: “Dự án này như một đứa con mà tôi đã dành rất nhiều tâm huyết, từ chưa biết đến biết đi. Tôi rất trân quý những nỗ lực dù là nhỏ nhất của tập thể. Tất cả đều khiến tôi hết sức cảm kích!”. Anh cũng muốn gửi gắm thông điệp đến các gia đình có con tự kỷ: “Hãy có niềm tin rằng các con đều có thể làm được. Mỗi người sinh ra trên cuộc đời đều mang một sứ mệnh riêng. Điều quan trọng là hãy đồng hành, giúp đỡ và tạo điều kiện để các bạn có cơ hội phát triển bản thân dù là nhỏ bé nhất”.

Thêm cả Duy Đức, một chàng trai ở độ tuổi 18, Đức chia sẻ: “Ở đây em thấy rất thích, em rửa bát, nấu ăn, chưa bao giờ làm vỡ bát... Có anh Trung hướng dẫn em, em sẽ tự làm, không biết thì sẽ hỏi anh Trung, An. Em thấy mình giỏi hơn. Em làm tổng 3 bếp”.

Để có được và lan tỏa niềm tin

Ban đầu, không ít phụ huynh hoài nghi về khả năng lao động của con em mình, nhiều người cũng không hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của dự án. Nhưng từ khi hoạt động đến nay, VAPs đã đón tiếp hàng chục nghìn khách hàng. Kinh phí hoạt động và lương trả cho nhân viên được tính theo sản phẩm. Những kết quả tích cực từ dự án đã truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức và cá nhân khác trong việc tạo cơ hội cho những người kém may mắn.

Chị Mai Thùy Dương, một người mẹ có con là trẻ tự kỷ, đã tìm thấy niềm tin mới khi cùng con tham gia vào dự án của anh Trung. Chị chia sẻ: “Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là cách mà các bạn trẻ tự kỷ ở đây được khuyến khích phát triển các kỹ năng tự lập. Nhiều khi các em thường phải dựa vào người lớn, nhưng ở đây, các em được hướng dẫn và hỗ trợ để tự tin làm việc một cách độc lập”. Để hiểu và làm việc hiệu quả với trẻ tự kỷ không phải là điều dễ dàng. Đôi khi, những sai sót nhỏ như để đồ sai vị trí có thể khiến các em bối rối và không biết phải làm gì tiếp theo. Qua mỗi ngày, chị Dương càng học hỏi được nhiều hơn và tìm cách để phù hợp với nhu cầu đặc biệt của các em. Chị chia sẻ thêm: “Việc trò chuyện và tiếp xúc với các em giúp tôi hiểu hơn về con mình, về cách các em suy nghĩ và cảm nhận. Dù gặp phải những khó khăn, nhưng mỗi cuộc trò chuyện với các em đều mang đến cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt”.

Chị Mai Thùy Dương: “Khi tôi hiểu các em hơn, tôi cũng hiểu con mình hơn. Điều này giúp tôi dễ dàng giao tiếp và hỗ trợ con trong cuộc sống hằng ngày. Tôi nhận ra rằng, khi các em được làm việc trong một môi trường hạnh phúc và vui vẻ, các em sẽ phát huy được khả năng của mình một cách tốt nhất”.

Tâm sự với chúng tôi, nhà sáng lập bày tỏ, từ những khó khăn ban đầu khi tiếp xúc với người tự kỷ, đến khi các bạn tự kỷ có thể làm việc là một hành trình dài với những bài học vô cùng quý giá với đội ngũ điều hành dự án. Điều tiên quyết là phải khắc phục những bất ổn trong tâm lý, bởi cả phụ huynh và các con luôn mang trong mình những mặc cảm là đứa trẻ “không bình thường”. Vì vậy cần phải tạo ra không gian để các bạn được làm việc và được công nhận như những người bình thường.

Xây dựng niềm tin ở phụ huynh và khách hàng cũng là điều rất quan trọng. Ban đầu, dự án dành cho người tự kỷ bị đánh giá là viển vông. Những mô hình đặc biệt ra đời, thật sự khó tránh khỏi được sự hoài nghi từ xã hội. Anh Trung chia sẻ: “Cá nhân tôi phải hiểu rõ các vị trí mà tôi đã thiết kế và định hình trên từng dự án. Điều đó có nghĩa là bất kỳ một bạn tự kỷ nào cũng đều có một vị trí nhất định trong công ty này. Do đó, các bạn ấy có rất nhiều sự lựa chọn với đa dạng mô hình phù hợp với điểm mạnh của mỗi bạn”. Người sáng lập mong rằng dự án sẽ được nhân rộng, bởi những cơ hội được trao đi là tiếp tục tạo nên niềm tin vào cuộc sống.