Kỳ 1: Khó khăn từ hệ thống thủy lợi chắp vá
Thấp thỏm vì thời tiết
Vùng ĐBSCL chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mekong và chịu ảnh hưởng chính bởi dòng chảy của sông Mekong và nhờ vào đó, lượng phù sa bồi đắp đã tạo nên một đồng bằng châu thổ phía hạ lưu có diện tích 39.400 km². Do đặc tính của một vùng bằng phẳng, trũng, thấp, mới được bồi đắp bởi sông Mekong và vùng ven biển chạy dọc các tỉnh như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, ĐBSCL có những đặc điểm riêng biệt. Với diện tích khoảng 3,9 triệu ha nhưng có 1,4 đến 1,9 triệu ha hàng năm bị ngập lụt với độ sâu từ 0,5 đến 4,5 m, kéo dài từ ba đến năm tháng mùa mưa, mùa nước lũ. ĐBSCL còn có 1,4 đến 1,6 triệu ha bị xâm nhập mặn trong thời gian từ hai đến năm tháng mùa khô với độ mặn trung bình 4g/l, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông và nội đồng khoảng 40 đến 50 km.
Ngoài hai yếu tố trên, ĐBSCL còn có khoảng 1,9 triệu ha đất nhiễm phèn, 0,7 triệu ha đất chua mặn và 0,96 triệu ha đất phù sa. Những khu vực bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng nhất bao gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau. Trước những đặc điểm đó, việc đầu tư phát triển HTTL tại vùng ĐBSCL luôn là những bài toán khó được đặt ra khi đứng trước những biến đổi khôn lường của thời tiết trong những năm gần đây.
Thực tế, đợt hạn mặn năm 2015, 2016 đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân và chính quyền địa phương tại vùng ĐBSCL. Khi được hỏi về nỗi lo của công tác thủy lợi nhằm phòng, chống hạn mặn, biến đổi khí hậu trên địa bàn, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Phát triển HTTL đa mục tiêu trên địa bàn vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trước đây, HTTL chủ yếu là phục vụ nông nghiệp đơn thuần như tháo úng, thau chua rửa phèn nhưng giờ đây đòi hỏi phải chuyển đổi cho phù hợp biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bài toán khó khăn nhất cho Cà Mau vẫn là nguồn vốn rất lớn khi đầu tư cho các công trình thủy lợi (CTTL), trong khi ngân sách tỉnh chỉ bảo đảm được khoảng 20% đến 30%, còn lại trông chờ vào ngân sách T.Ư và các nguồn vốn khác”.
Hiện tại, HTTL tại tỉnh Cà Mau được chia thành 23 tiểu vùng thủy lợi khác nhau nhưng đến nay chỉ có 2/23 tiểu vùng đã được đầu tư khép kín, có thể bảo đảm được việc điều tiết nước và trữ nước mưa, kiểm soát mặn. Trong đó, cụ thể tại tiểu vùng ba tại Bắc Cà Mau thuộc khu vực huyện Trần Văn Thời bảo đảm nước ngọt cho khoảng 70.000 ha diện tích lúa và đang phát triển “một vụ tôm - một vụ lúa”; Tiểu vùng 10 thuộc khu vực Nam Cà Mau bảo đảm điều tiết nước mặn phục vụ cho khoảng 40.000 ha chuyên tôm. Còn lại hầu hết các tiểu vùng khác đang đầu tư dở dang hoặc chờ nguồn vốn từ ngân sách T.Ư.
Với HTTL đang được phát triển theo kiểu chắp vá hoặc ngồi chờ vốn đầu tư thì việc phát triển nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL còn phụ thuộc rất nhiều vào tiết trời cũng không mấy khó hiểu. Đơn cử, tại Cà Mau, đợt hạn mặn năm 2015, 2016 việc không kiểm soát được vùng nước xâm nhập mặn khi độ mặn nhiều lưu vực sông lên đến 40/1000 đã tác động đến 150.000 ha nuôi tôm và hơn 53.000 ha lúa mùa bị thiệt hại. Tổng thiệt hại lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia về thủy lợi: Các HTTL đầu tư không được hoàn chỉnh chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng thiệt hại lớn cho vùng ĐBSCL trong mỗi đợt hạn, mặn. Đây là một trong những bài học trong đầu tư các CTTL.
Nan giải trước những “túi chứa nước mặn”
Việc thiếu hoàn chỉnh của các CTTL đang khiến cho chính quyền và người dân luôn canh cánh lo ngại trước mùa hạn, mặn. Điểm hình như: Bến Tre, vụ hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp diễn ra từ cuối năm 2015 kéo dài đến tháng 3-2016 gây thiệt hại rất lớn. Khi đó, nước mặn một phần nghìn đã xâm nhập đến phạm vi toàn tỉnh. Xâm nhập mặn đã làm mất trắng 17.416 ha lúa, 458 ha hoa màu, 183 ha cây giống, 5.240 ha cây ăn trái, 1.783 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng số tiền thiệt hại ước tính khoảng 1.496 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề do nước mặn xâm nhập sâu lịch sử trong nhiều năm qua và HTTL chưa hoàn chỉnh. Do đặc thù về mặt địa lý là ba dải cù lao chung quanh bốn bề sông nước và hệ thống kênh rạch chằng chịt nên HTTL vẫn chưa khép kín, một số nơi trở thành “túi chứa nước mặn” trong mùa khô. Tại huyện Thạnh Phú mặc dù có hệ thống đê bao nhưng hằng năm nước mặn vẫn từ huyện Mỏ Cày Nam theo sông Cái Quao chảy ngược về huyện Thạnh Phú. Khi đó, một số vùng lại bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.
Công trình cống đập Ba Lai ngăn dòng sông Ba Lai (nơi tiếp giáp hai huyện Ba Tri và Bình Đại của tỉnh Bến Tre) được hoàn thành từ năm 2002 là CTTL lớn nhất khu vực ĐBSCL với kinh phí hơn 66 tỷ đồng vào thời điểm đó. Nhiệm vụ của dự án là ngăn mặn, trữ ngọt cho hơn 115.000 ha đất, trong đó hơn 88.000 ha đất sản xuất. Sau 16 năm hoàn thành, bên cạnh những lợi ích giúp nhiều vùng được ngọt hóa thì một số nơi vẫn bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng này là HTTL chưa hoàn chỉnh do còn “hở” ở phía thượng nguồn là kênh Chẹt Sậy (chảy từ phía sông Hàm Luông) và kênh Giao Hòa (phía sông Tiền) chảy ngược vào sông Ba Lai. Khi đó, nơi đây vô tình trở thành “túi chứa nước mặn” trong mùa khô.
Ông Nguyễn Văn Cưu, nhà cặp bên sông Ba Lai (thuộc xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại), đã chuyển đổi bảy công đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng dừa sau khi vùng này được ngọt hóa nhờ cống đập Ba Lai. Ông Cưu cho biết: “Nhờ được ngọt hóa nên đa số bà con đã chuyển sang trồng cây ăn trái nên hiệu quả gấp mấy lần so trồng lúa một vụ như trước đây. Tuy vậy, vào mùa khô nước mặn vẫn còn xâm nhập từ TP Bến Tre chảy xuống nên hiệu quả chưa thật sự cao”.
Do chưa thật sự ngọt hóa nên dọc sông Ba Lai nhiều người dân vẫn còn nuôi tôm biển bằng cách khoan giếng nuôi quanh năm bất chấp khuyến cáo, ngăn cấm từ cơ quan chức năng. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 1.787 hộ với khoảng 713 ha diện tích nuôi tôm nước mặn trong vùng ngọt hóa. Cơ quan chức năng trong huyện đã phải trám lấp 1.637 giếng khoan lấy nước mặn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng thông tin: Hiện địa phương có nhiều giải pháp để ngăn chặn việc nuôi tôm trong vùng ngọt hóa bằng cách tuyên truyền vận động, lấp giếng nước mặn, quản lý hệ thống điện cung ứng nuôi tôm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Tuy nhiên, tình trạng nuôi tôm trong vùng ngọt hóa vẫn phức tạp do HTTL cả phía bờ Ba Lai và Cửa Đại vẫn chưa hoàn chỉnh, người dân vẫn có thể bơm, lấy nước mặn từ sông vào phục vụ nuôi tôm. Ven sông Ba Lai dù có cống đập Ba Lai ngăn mặn nhưng nước mặn vẫn đổ từ thượng nguồn về trong mùa khô. Địa phương đang kiến nghị lên tỉnh có giải pháp hoàn chỉnh HTTL để ngọt hóa hoàn toàn. Hiện tại đã có dự án (DA) nhưng để hoàn thành phải tốn thêm vài năm nữa vùng này mới ngọt hóa hoàn toàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 92 cống từ 1,5 m trở lên và hàng nghìn cống nội đồng phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt tại các vùng trồng trọt và điều tiết nước mặn tại vùng nuôi trồng thủy sản. Hệ thống đê bao dọc bờ sông như: sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên giúp cho việc ngăn mặn, trữ ngọt. Tất cả các cống đều được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, lên kế hoạch đóng, mở hợp lý để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhờ hệ thống cống này đã bảo vệ được diện tích sản xuất lúa, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, HTTL trong tỉnh vẫn chưa hoàn chỉnh do đặc thù kênh rạch chằng chịt.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết: Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, tỉnh sẽ huy động tất cả mọi nguồn lực về vốn trong và ngoài nước để triển khai và hoàn thành các DA thủy lợi trọng điểm như: DA quản lý nước tỉnh Bến Tre (DA JICA, vay vốn ODA của Nhật Bản), DA thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, DA Nam Bến Tre giai đoạn 1, DA cấp nước cho cư dân khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, DA ngăn mặn khu vực cống Thủ Cửu... dự kiến đến năm 2022, HTTL của tỉnh Bến Tre sẽ hoàn chỉnh khép kín phục vụ cho việc ngăn mặn, trữ ngọt cho cả ba dải cù lao trong tỉnh.
(Còn nữa)