Giữa thời bình mà như “thời chiến”
Bên hông quốc lộ 70B (đoạn chạy qua xóm Đình, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), mỏ đá Mèo Gù của Công ty TNHH Thắng Lợi (viết tắt là: Công ty Thắng Lợi) là một trong những mỏ đá khai thác lâu năm nhất tỉnh này. Kể từ khi được cấp phép (2003) đến nay, mỏ đá Mèo Gù đã trải qua 15 năm khai thác và cũng từng ấy năm người dân xóm Đình (xã Phúc Khánh) sống trong nỗi sợ hãi.
Đường dẫn vào điểm khai thác đá Mèo Gù là một lối nhỏ vừa đủ cho một chiếc xe tải “hổ vồ” chui qua luôn có tấm biển nhỏ sơn mầu đỏ ghi dòng chữ lớn: “Thông báo giờ nổ mìn” như để cảnh báo về sự nguy hiểm cho những người qua đường chú ý mà tránh né. Thế nhưng có một điều kỳ lạ! Những mái nhà của hàng chục hộ dân sống tại xóm Đình nhấp nhô, nằm sát khu khai thác đá…
Một người dân khi tiếp xúc với chúng tôi đã “bật” lên một câu nói: “Chúng tôi sống giữa thời bình mà như thời chiến”. Câu nói đó mang tính chất ví von nhưng lại diễn tả một bối cảnh có thật. Bởi, mấy mươi năm qua, người dân nơi đây đã phải chứng kiến những viên đá to như chiếc xe ô-tô lăn xuống đường, những viên đá bay xuống mái nhà, những đám bụi bay mù trời, phủ kín vườn cây và mùi thuốc súng pha lẫn trong nguồn nước…
Ngồi trong gian nhà cấp 4 đã rạn nứt, bà Đinh Thị Hải Lực vừa đưa nôi ru cháu nội ngủ vừa kể cho chúng tôi câu chuyện đã thành thói quen mấy chục năm qua. Gia đình bà vốn sống bình yên ở xóm Đình mấy chục năm. Thế nhưng từ năm 2003 khi ngọn núi Mèo Gù phía sau nhà được bàn giao cho Công ty Thắng Lợi khai thác thì cuộc sống có nhiều đảo lộn. Gia đình bà nhiều phen hú vía bởi những trận “đá mồ côi” lăn xuống hay những cơn “mưa đá” từ hoạt động nổ mìn khai thác đá.
“Trước đây họ nổ mìn tùy tiện lắm! Không giờ giấc gì cả. Sau khi chúng tôi kiến nghị lên các cấp chính quyền nhiều lần thì họ bắt đầu thiết lập giờ nổ mìn hai lần/ngày: Trưa từ 11 giờ - 12 giờ và chiều từ 5 giờ - 5 giờ 30. Mỗi khi nổ mìn thì họ lại đánh kẻng để cảnh báo chúng tôi biết mà tìm nơi “trú ẩn”. Vì vậy, mỗi khi nghe thấy tiếng kẻng là tôi lại chạy ra đầu làng. Khổ nỗi, mười mấy năm qua tôi cũng đã quen, nhiều khi liều cứ ngồi trong nhà xem đến đâu thì đến. Bây giờ nhà có cháu nhỏ, mỗi lần nghe tiếng kẻng là tôi phải bế cháu tức tốc chạy đi khỏi nhà”, bà Lực nói.
Cùng hoàn cảnh trên, ông Hoàng Văn Giá, người dân sống cạnh mỏ đá Mèo Gù cũng cho biết: “Các nhà dân chung quanh đây đều bị rạn nứt do hoạt động nổ mìn của công ty, khói bụi là chuyện thường xuyên rồi. Bụi thì ngày nào cũng phải đóng cửa mà bụi vẫn vào, môi trường hỏi xã, xã bảo hỏi huyện, huyện lại bảo về xã. Tỉnh, huyện về xem qua loa rồi đâu lại vào đấy. Mỗi ngày nghe thấy tiếng kẻng nổ mìn là gia đình tôi lại run bấn lên không dám chạy ra ngoài, vì nhà tôi còn kiên cố, ở trong này đá nó bay vào thì còn không sao, chứ chạy ra ngoài không may nó bắn vào đầu thì chỉ có chết thôi”.
Ông Giá cũng cho biết thêm rằng, quanh vùng có ba nhà giáp quốc lộ, nằm sát mỏ đá. Rất nhiều năm chẳng có chế độ hỗ trợ môi trường hằng tháng mà doanh nghiệp đã cam kết. “Chúng tôi ở đây kiến nghị nhiều rồi, các cấp rồi, đâu rồi vẫn vào đó, chẳng thay đổi được nên giờ chán rồi! Vả lại con em chúng tôi cũng làm trong công ty này nên nhiều khi kiến nghị nhiều lại sợ bị đuổi việc thì cũng khổ. Chấp nhận sống chung với lũ thôi”, ông Giá nói.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Tìm hiểu sâu về hoạt động của mỏ đá Mèo Gù, chúng tôi cảm thấy rùng mình trước hàng loạt các vụ đá lỡ, đá bay xuống quốc lộ và nhà người dân mỗi khi Công ty Thắng Lợi tiến hành hoạt động nổ mìn, khai thác đá.
Trong đó, phải kể đến vụ đá lở lúc 11 giờ, ngày 31-10-2017 làm 12 m³ đá lăn từ đỉnh núi xuống quốc lộ 70B vì Công ty Thắng Lợi nổ mìn gây rung chấn. Rất may, khi xảy ra sạt lở, không có phương tiện giao thông đi qua nên không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, sự việc trên đã gây tâm lý hoang mang và lo sợ cho nhiều người dân tại đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc nghiêm trọng này xảy ra do Công ty TNHH Thắng Lợi đã tự ý nổ mìn, khai thác đá tại khu vực quá gần nhà dân, chỉ cách các hộ dân 15 m (quy định của Bộ Công thương về điểm nổ mìn phải cách khu vực dân cư ít nhất 200 m). Điều này đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lập lập biên bản và kiến nghị khắc phục.
Điều đáng ngạc nhiên là vụ lở đá trên chỉ là một vụ điển hình trong rất nhiều vụ khiến cơ quan chức năng các cấp phải vào cuộc kiểm tra, thẩm định. Trước đó, vào tháng 3-2016, các vụ nổ mìn khai thác đá của Công ty Thắng Lợi liên tục làm đá bay rơi xuống nhà các hộ dân sinh sống chung quanh.
Sau khi xảy ra sự việc, đại diện Công ty Thắng Lợi đã kết hợp với UBND xã Phúc Khánh đền bù cho các hộ dân. Gia đình thiệt hại nặng nhất được đền bù 2 triệu đồng, còn lại đa số là 500 nghìn đồng. Đồng thời, đưa người dân ký vào các bản cam kết đã nhận tiền đền bù và không được khiếu nại nữa.
Một người dân đề nghị giấu tên cho biết: “Mỗi khi xảy ra tình trạng nổ mìn làm hỏng nhà cửa vườn tược, chúng tôi báo lên chính quyền thì thấy các đoàn kiểm tra của huyện, sở, thậm chí cả công an về xem xét, hỏi han dăm ba điều rồi đi. Xong đâu đấy, cán bộ xã và công ty đến các nhà vận động ký cam kết không khiếu nại, đền bù thiệt hại vài trăm nghìn là xong”.
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển đá của Công ty Thắng Lợi cũng thường xuyên cơi nới, chở quá tải so với quy định làm đất đá rơi vãi, lún nứt đường, gây mất an toàn giao thông.
Sau nhiều năm hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, mỏ đá vẫn được UBND tỉnh Phú Thọ gia hạn giấy phép đến năm 2033.
Xảy ra sự việc thì mới giải quyết!
Tại buổi làm việc với UBND xã Phúc Khánh, ông Hoàng Xuân Trường, Phó Chủ tịch xã Phúc Khánh xác nhận hoạt động khai thác đá của Công ty Thắng Lợi đã từng xảy ra nhiều bất cập, tuy nhiên hiện nay đã ổn. Nếu có vấn đề xảy ra thì mới xem xét, giải quyết.
Ông Trường cũng cho rằng, việc quan sát bằng mắt thường thì thấy mỏ đá Mèo Gù nằm quá sát nhà dân nhưng các sở, ban, ngành chuyên môn kiểm tra, thẩm định và cấp phép hoạt động thì phải chính xác. “Nhìn bằng mắt thường thì thấy gần thật! Nhưng chắc chắn là cơ quan chức năng về thẩm định, đo đạc rồi người ta mới cấp phép chứ. Chúng tôi làm sao có chuyên môn mà nắm được khoảng cách nổ mìn là bao nhiêu mét”.
Khi chúng tôi đề nghị cung cấp các hồ sơ pháp lý của mỏ Mèo Gù, ông Trường cho biết UBND xã không có hồ sơ về mỏ Mèo Gù. Đồng thời việc cung cấp hồ sơ không phải là trách nhiệm của ông mà là của Chủ tịch xã. Ông Trường cũng lưu ý với phóng viên rằng, xã chỉ có một số công văn chỉ đạo, còn hồ sơ chi tiết thì ở trên huyện.
Khi chúng tôi trao đổi với ông Hoàng Hồng Quang, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lập cho biết: “Hồ sơ mỏ Mèo Gù do đồng chí trưởng phòng nắm rõ. Hiện tại, đồng chí trưởng phòng đang đi “biệt phái” làm bí thư xã. Có gì tôi sẽ báo cáo và thông tin lại sau”.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Tiến Vỹ, Phó Chủ tịch huyện Yên Lập. Về việc tại sao lại cấp phép cho mỏ đá quá gần khu vực dân cư và liên tục gia hạn cho khai thác nhiều năm. Ông Vỹ cho biết đó quyết định của tỉnh. Để rõ hơn tại sao thì ông Vỹ khuyên phóng viên lên Sở Tài nguyên và Môi trường để hiểu rõ thêm. Về vấn đề quá tải, ông Vỹ cho biết: “Xe chở quá tải làm rơi đá, làm hỏng đường chúng tôi cũng đã nắm được và đang giao cho lực lượng giao thông thường xuyên kiểm tra, xử lý… Tuy nhiên, hoạt động mua bán vật liệu tại đây nó bát nháo, chứ không phải xe của công ty nên nhiều khi cũng khó xử lý”.
Như vậy câu chuyện sống mòn mỏi của các hộ dân xóm Đình, tại xã Phúc Khánh sẽ còn tiếp diễn bao lâu và bao giờ mới hết cảnh nơm nớp lo sợ khi những hoạt động khai thác sẽ còn kéo dài…