Chính sách nhiều nhưng thực thi chưa hiệu quả

|

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đã có nhiều chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng hơn. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhiều cửa mở…

Nghị quyết số 90/CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa ban hành ngày 21-8-1997 được coi là cơ sở đầu tiên mở ra chặng đường xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục hiện nay.

Đó cũng là tiền đề để Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục trong khoảng chục năm gần đây. Như Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập DN có quy định một số nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ưu tiên về tiền thuê đất cho doanh nghiệp giáo dục…

Cùng với việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước cho giáo dục, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được chú trọng. Chính phủ đã và đang sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình là, trước những bất cập của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế để tháo gỡ vướng mắc.

Nhưng hiệu quả còn thấp

Nhưng nhìn lại 20 năm xã hội hóa GD&ĐT, có thể thấy, chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Hệ thống các trường ngoài công lập không ngừng phát triển, nhưng chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều trường đứng trước nguy cơ phá sản vì không tuyển sinh được, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.

Trong khi đó, thu hút FDI vào lĩnh vực này cũng không mấy khả quan. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế đến ngày 20-3-2017, cả nước có 320 dự án FDI trong lĩnh vực GD&ĐT, tương ứng với số vốn là 684,3 triệu USD, chiếm 1,3% tổng số dự án và chiếm 0,2% tổng số vốn FDI vào Việt Nam. Cho đến nay, đây vẫn là nhóm ngành kém hấp dẫn nhất với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, một rào cản khác trong thu hút đầu tư là tư duy bao cấp, nặng tính hành chính vẫn hiện diện trong cách nghĩ, cách làm của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội nói chung. Đây chính là điều mà các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài ngại nhất. Bởi, sự phân biệt trường công - tư, tuyển dụng không theo năng lực mà nặng về bằng cấp; thủ tục hành chính rườm rà… khiến nhà đầu tư dè dặt trước mọi quyết định đầu tư.

Nhấn mạnh thực trạng có địa phương chưa thật sự quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư, GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng rằng, ông từng đưa một số đoàn khảo sát của nước ngoài về địa phương để tìm hiểu thực tế với mục đích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam. Dù được các cơ quan Trung ương tạo mọi điều kiện thuận lợi về chủ trương đầu tư, nhưng khi về địa phương, nhiều chính sách ưu đãi, thu hút lại triển khai rất chậm, thiếu đồng bộ, như chính sách về giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất với giá ưu đãi; ưu đãi tín dụng… Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy nản lòng. Rõ ràng, chính sách thu hút đầu tư đã có nhưng điều quan trọng là “những chính sách này phải thật sự được chú trọng, triển khai hiệu quả ở các cấp cơ sở”, GS Hãn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cùng chung ý kiến khi cho rằng, thu hút đầu tư vào giáo dục, cần phải có những cú huých để tạo sự đột phá. Cú huých đó, chính là sự thay đổi trong nhận thức, hành động của các cơ quan thực thi pháp luật và rộng hơn, đó là nhận thức của toàn xã hội về “lĩnh vực trồng người”.