Thành phố xanh và vai trò của cộng đồng

|

Nhiều thập niên qua, con người đã quá dựa dẫm vào nguồn tài nguyên có hạn của Trái đất để phát triển kinh tế. Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Khí phát thải từ các hoạt động của con người đã đẩy nhân loại đến tình thế nguy hiểm: biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đông đảo người dân tham gia phong trào OneMillionTrees ở Singapore

Giờ đây, nhân loại phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử: nếu không muốn diệt vong, không còn cách nào hơn chọn tăng trưởng bền vững, cần nhiều thành phố xanh hơn, giảm khí thải gây hiệu ứng… Trong muôn vàn nỗ lực cứu Trái đất, xây dựng đô thị xanh là một trong những ưu tiên của nhân loại. Trong một thế giới với hơn nửa dân số toàn cầu cư trú ở các thành phố, kỹ năng quản lý đô thị chính là chìa khóa cho một tương lai bền vững.

Ủy ban châu Âu (EC) có danh hiệu Thủ đô Xanh châu Âu (EGC) trao cho các thành phố có hơn 100.000 cư dân. Tallinn, thủ đô của Estonia, đã được trao giải EGC vào năm 2021, tiếp theo là Valencia của Tây Ban Nha trong năm 2024 và thủ đô Vilnius của Litva năm 2025. Để có được kết quả này, người dân bản địa đã làm việc chăm chỉ để thành phố của họ xanh hơn, lành mạnh hơn, trong bối cảnh mỗi mùa hè đi qua, châu Âu ghi nhận nền nhiệt kỷ lục năm sau cao hơn năm trước, đi kèm lũ lụt và cháy rừng khắp nơi.

Có vô số cách mà người dân Tallinn nhận thấy ảnh hưởng của EGC trong cuộc sống của họ vào năm 2023. Từ xe buýt điện tự lái miễn phí qua công viên Kadriorg đến nhãn hiệu xanh mới trong các nhà hàng bền vững nhất. Có lẽ điều đáng chú ý nhất là sự vắng mặt của nhựa tại lễ hội ca múa và khiêu vũ thanh niên thường niên toàn quốc vào tháng 7-2023 khi hơn 100.000 người tham gia lễ hội chỉ được sử dụng món ăn và vật dụng có thể tái sử dụng, giúp giảm khoảng 3,5 tấn rác thải.

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone 16-9-2023, đã chứng kiến hơn 54.000 người ở Estonia dọn rác từ thiên nhiên. Liên minh châu Âu (EU) công nhận rằng các thành phố đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu, nhằm mang lại một xã hội ít carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch sẽ và bền vững. Với hơn 70% người dân châu Âu sống ở thành thị, các thành phố đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi môi trường và kinh tế.

Tại châu Á, Singapore liên tục được đánh giá nằm trong top 3 các thành phố xanh nhất thế giới trong nhiều năm qua. Phong trào trồng thêm một triệu cây xanh (OneMillionTrees) và khôi phục thiên nhiên ở Singapore đã đi được nửa chặng đường, với hơn 540.000 cây đã được trồng kể khi phát động vào tháng 4-2020. Hơn 75.000 thành viên của cộng đồng đã tham gia trong những nỗ lực này. Các tập đoàn kinh tế và tổ chức khác đã cam kết đóng góp vào phong trào thông qua chương trình trồng cây.

Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore (NParks) cho biết chương trình này có thể về đích trước 3 năm so với mục tiêu đến năm 2030. NParks thu hút cộng đồng tham gia không chỉ trong việc trồng cây mà còn trong việc thu thập hạt giống và nuôi dưỡng cây con trong mạng lưới vườn ươm cộng đồng trên khắp Singapore.