Đổ vỡ vì “cái tôi” quá lớn
Mới đây, trong một buổi tối mưa gió, chị Nguyễn Thị N, 32 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến Ngôi nhà bình yên (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) để cầu cứu.
Chị N cho biết, vợ chồng chị cưới nhau đã được hai năm và có với nhau một cô con gái 15 tháng tuổi. Hiện anh làm công chức, còn chị làm kế toán cho một công ty của Nhật Bản.
“Lúc mới yêu anh ấy tỏ ra rất quan tâm chăm sóc, cưới nhau về rồi tôi mới vỡ lẽ anh ấy là người vô trách nhiệm, chỉ thích chơi bời, không chịu giúp vợ trong công việc nhà. Nhiều lần vợ chồng mâu thuẫn, tôi và anh ấy có tranh cãi gay gắt nên anh ấy phản ứng và gây bạo lực”, chị N kể lại.
Gần đây nhất, chị N đã mang chuyện của anh ra họp gia đình, xin ý kiến cho phép ly hôn. Biết chuyện anh lại gây bạo lực, đánh mắng chị nhiều hơn. Anh tuyên bố không ly hôn, nếu ly hôn anh sẽ giành quyền nuôi con bằng được.
“Đỉnh điểm của mâu thuẫn là cuối tuần qua, anh ấy đi làm về uống rượu say bét nhè rồi dọa nạt tôi. Tôi kháng cự lại thì bị anh ấy đánh cho thâm tím mặt mày, bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu”, chị cho biết.
Sau nhiều lần mâu thuẫn không có hồi kết, giờ thì hôn nhân của anh chị đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về các cặp vợ chồng dù học cao biết rộng, cuộc sống kinh tế khá giả nhưng vẫn mâu thuẫn và nguy cơ ly hôn hiện hữu.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) cho biết, những câu chuyện trên đây không hiếm trong cuộc sống đời thường. Sự thật, cuộc sống hiện đại cho thấy: tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng nhiều, nhất là gia đình trẻ.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự rạn nứt trong các gia đình trẻ, thí dụ như áp lực về công việc, mối quan hệ hai bên họ hàng, hay như mâu thuẫn về mặt tài chính, học thức, bạo lực gia đình...”, bà Ngọc Anh nói.
Chia sẻ trước thực trạng này, PGS, TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên Bộ môn Văn hóa gia đình (Học viện Báo chí tuyên truyền) cho rằng, hôn nhân của các gia đình trẻ đang bị đe doạ bởi cuộc sống hiện đại. Gia đình đang biến đổi liên tục, người đàn ông không còn là người chủ gia đình. Bản thân người phụ nữ cũng độc lập tài chính và tri thức, do vậy họ không chịu nhẫn nhịn hay lép vế trước chồng. Bộc lộ thái quá cái tôi cá nhân khiến “đối phương” cảm thấy căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình không được dung hòa, vì thế càng dễ nảy sinh bạo lực, ly hôn.
Cách nào để nâng chất lượng hôn nhân?
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên nhiều nhà nghiên cứu giới, văn hóa gia đình cùng chung quan điểm, cần phải giảm cá tính và đề cao sự tôn trọng trong hôn nhân.
Theo TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội (Đại học Văn hóa Hà Nội), để hạn chế những tác động này và nâng cao chất lượng của đời sống hôn nhân, cần dung hòa về giới. Tức là mỗi người khi kết hôn nên tự nguyện giảm cá tính, bổ khuyết, bổ sung, cống hiến cho nhau tạo nên sự hòa hợp.
“Trong tình yêu, hôn nhân không thể nói ai phải phụ thuộc ai, ai quan trọng hơn ai, ai có công nhiều hơn ai mà mỗi người có sự chuyển hóa, thay đổi cho nhau về vị trí vai trò trong những quan hệ cụ thể. Cuộc sống gia đình là tình cảm sâu sắc, là nghĩa vụ, trách nhiệm, là sự tự nguyện. Trước khi kết hôn, phải tìm hiểu kỹ giá trị của nhau và phải học làm vợ, làm chồng để biết xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc…” , TS Thủy đề xuất.
Còn TS Đặng Thị Hoa - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu gia đình và giới thì đưa ra những giải pháp khá cụ thể để nâng cao chất lượng hôn nhân. Theo TS Hoa, cuộc sống hôn nhân gia đình cho thấy quan trọng nhất là cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải giá trị vật chất hay địa vị của thành viên trong gia đình. Do vậy, muốn gia đình hòa thuận hạnh phúc cần nâng cao cách ứng xử.
TS Hoa cho biết thêm, một điểm quan trọng nữa để tạo nên chất lượng hôn nhân, đó là vợ chồng cần phải tôn trọng nhau. Sự thành công về tài chính, kinh tế có bao nhiêu nhưng nếu không có sự tôn trọng và sự chinh phục từ trái tim thì tiền bạc chẳng có ý nghĩa gì.
Theo GS, TS Đặng Cảnh Khanh, mỗi một xã hội, một giai tầng lại có một kiểu chất lượng hôn nhân khác nhau. Do vậy, trước khi bàn đến chuyện nâng cao chất lượng hôn nhân cũng cần đặt vấn đề này ở góc nhìn toàn diện. Viện dẫn cho ý kiến này, GS Khanh kể một câu chuyện khi đi nghiên cứu cùng một người bạn ở miền núi. Lúc đầu ông thấy khá ngạc nhiên trước việc một thanh niên dù được tài trợ tới 2 triệu đồng chỉ việc ăn với học nhưng lại bỏ về nhà, nên đã tìm lên tận nơi để tìm hiểu lý do.
“Ban đầu mình nghĩ chất lượng hôn nhân của các cặp vợ chồng miền núi chắc thấp lắm! Ai cũng nghĩ rằng họ sống khổ sở, thiếu thốn, nhưng có đến mới biết cuộc sống của họ đơn giản nhưng vẫn rất hạnh phúc. Tôi đã lên tận nhà anh này để tìm hiểu, thấy trong nhà của anh ấy buổi sáng chim hót véo von, mùa hè mà gió mát lồng lộng, chẳng cần điện đóm, tivi hay nhà lầu xe hơi... mà anh ta vẫn cảm thấy thoải mái nên không muốn đi học. Về nhà tôi suy nghĩ và tự cảm thấy có lẽ chất lượng cuộc sống của họ đang cao hơn mình bởi họ đang rất hạnh phúc”, GS Khanh kể lại.
Tất nhiên trên đây chỉ là một thí dụ được nhìn từ một khía cạnh, nhưng kể lại câu chuyện, GS Khanh cho rằng rõ ràng chúng ta không nên quy chụp câu chuyện chất lượng gia đình chung cho tất cả các nhóm, các thành viên trong xã hội. “Mỗi người sẽ có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc, chỉ cần họ thấy thỏa mãn, vui vẻ với những gì mình có như vậy đã là hạnh phúc. Do vậy, trước khi nghĩ đến việc nâng cao chất lượng hôn nhân, nên chăng nên nghĩ làm sao để các cặp vợ chồng cảm thấy hạnh phúc”, GS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ.
TS Bùi Thanh Thủy “Toàn cầu hóa ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng gia đình” “Toàn cầu hóa thúc đẩy các nền kinh tế phát triển. Trong mỗi gia đình, người vợ và người chồng đều có thể làm việc tốt, phát triển kinh tế một cách độc lập. Vấn đề bình đẳng giới ngày càng được coi trọng, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung, người vợ trong các gia đình nói riêng, nhưng kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến hôn nhân, gia đình. Đó là tình trạng: Quan hệ vợ chồng, gia đình lỏng lẻo; ngoại tình, tỷ lệ ly hôn cao; sống chung trước, kết hôn sau; trẻ em sống ích kỷ, ưa hưởng thụ; người già cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc…”. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai Giảng viên Bộ môn Văn hóa gia đình (Đại học Văn hóa) “Chất lượng gia đình đang bị giảm sút” “Những giá trị truyền thống trong quan hệ vợ chồng, gia đình Việt Nam như đạo đức, tình yêu, lòng chung thủy… có vẻ bị coi nhẹ hơn so với nhiều năm về trước. Sức ép từ cuộc sống hiện đại khiến cuộc sống hôn nhân của nhiều người, nhất là giới trẻ gặp nhiều trở ngại. Nhiều người mải mê theo đuổi sự nghiệp, quên mất sự chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, chất lượng cuộc sống hôn nhân, gia đình cũng giảm sút...”.