Ca nương đành đi xuất khẩu lao động
Tìm đến ngôi nhà nhỏ của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Văn Đài ở thôn 8, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) trong âm thanh dập dìu của tiếng đàn đáy vẫn còn vương vấn bên hàng dương xanh. Nghe tiếng khách, anh Đài tất bật trở ra từ ki-ốt nhỏ kinh doanh vật tư điện, nước.
Biết chúng tôi tìm đến vì câu hát cũ, anh Đài bộc bạch: “Thời gian này, dồn vào luyện tập tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc nên tôi đi suốt, việc nhà không ai làm, chiều nay tranh thủ về xử lý mấy việc khách quen nhờ, ngày mai lại tiếp tục lên huyện hội quân”. Nói về nghề và nghiệp, anh Đài cười hiền: “Cũng may nhờ cái cửa hàng nhỏ này, có thêm đồng ra đồng vào mới yên tâm ngồi cầm đàn, luyện phách, dạy ca trù miễn phí được!”.
Và cứ thế, men theo tiếng đàn, nhịp phách, những góc khuất nơi đáy lòng của cặp vợ chồng NNƯT Trần Văn Đài, Dương Thị Xanh hiện lên từng đợt… lúc níu kéo, khi khoan thai, rồi đứt đoạn như âm vực của câu hát cũ. Anh Đài trải lòng: “Vợ chồng tôi vốn là con nhà nông, ngày làm ruộng, tối tìm sang nhà cụ Mơn, cụ Nga (thế hệ đào nương già nhất lúc bấy giờ ở Cổ Đạm) nghe hát. Sẵn có chút năng khiếu, lại đam mê và được các cụ chỉ cho nảy hạt, nhả chữ, ngâm nga… thế là tiếng hát ca trù cứ dần ngấm vào huyết quản”.
Bén duyên với ca trù không lâu, năm 1995, khi CLB ca trù Cổ Đạm được thành lập, vợ chồng anh Đài, chị Xanh nhanh chóng trở thành những thành viên nòng cốt của CLB. Theo anh Đài, tuy nức tiếng cả vùng, song việc truyền dạy ca trù ở Cổ Đạm lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, bởi các ca nương có “nghề” như: Phan Thị Mơn, Trần Thị Gia, Phan Thị Nga, Hà Thị Bình đã bước sang tuổi bát thập. Vì vậy, bên cạnh việc cố gắng tiếp thu kỹ lưỡng các làn điệu, thể cách do các cụ truyền lại, vợ chồng anh cùng với các cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Xuân còn tìm ra Hà Nội, theo học đàn hát từ Giáo phường Ca trù Thái Hà đến Giáo phường Ca trù Lỗ Khê. “Tuy là kép đàn duy nhất của CLB ca trù Cổ Đạm nhưng thời điểm đó, bản thân tôi mới chỉ biết chơi ba đến năm khổ đàn, khi ca nương hát những thể cách khó, kép đàn không thể mở đường, dẫn lối cho lời hát, khiến câu hát khó ngân vang, réo rắt. Theo tiếng gọi của đam mê, tôi tự bỏ tiền túi, thu xếp việc đồng áng ra Hà Nội theo học năm đợt đàn đáy”, anh Đài cho biết.
Qua bao nhiêu khổ luyện, nuôi dưỡng đam mê, tiếng hát, nhịp đàn của anh Đài, chị Xanh đã để lại ấn tượng đậm nét trong công chúng yêu câu hát cũ. Những tấm Huy chương vàng, giải thưởng tại các đợt liên hoan ca trù toàn quốc càng khẳng định thêm nỗ lực gìn giữ báu vật tổ tiên để lại của hậu duệ Giáo phường Ca trù Cổ Đạm. Năm 2012, Dương Thị Xanh trở thành người trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và một năm sau đó, Trần Văn Đài cũng vinh dự được nhận danh hiệu này. Đến năm 2015, cả hai vợ chồng được phong tặng danh hiệu NNƯT.
Tưởng rằng, khi đạt được sự thăng hoa trong lối hát và được xã hội công nhận, vinh danh, NNƯT Dương Thị Xanh sẽ gắn bó lâu dài với câu ca trù. Nhưng theo chia sẻ của NNƯT Trần Văn Đài, tiếng hát không nuôi nổi gia đình. Gánh nặng mưu sinh không cho phép cả hai vợ chồng gắn bó lâu dài với tiếng đàn, nhịp phách. “Cả ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, bình quân mỗi tháng chu cấp ngót chục triệu đồng. Mười mấy năm gắn bó với ca trù, mức hỗ trợ của nhà nước không thể nuôi nổi gia đình. Dù buồn, nhưng năm 2016 Xanh phải gác lại đam mê, sang nước bạn để tìm kế mưu sinh”. NNƯT Trần Văn Đài chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm VHTT& DL huyện Nghi Xuân, Trần Thị Cảnh, trước khi NNƯT Dương Thị Xanh đi xuất khẩu lao động, năm 2015, ca nương thành danh Dương Thị Nết cũng đã sang CHLB Đức để mưu sinh. Đặc biệt ca nương Nguyễn Thị Minh Ngọc, một giọng ca đầy triển vọng, từng giành hàng chục danh hiệu lớn nhỏ tại các đợt liên hoan ca trù cũng đã lựa chọn con đường xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp THPT.
Ca nương Nguyễn Thị Thu Hà, nhân tố đầy triển vọng của ca trù cũng ngấp nghé tìm lối khác sau khi học hết THPT.
Đừng để cho “khi tỏ khi mờ”
Phó Giám đốc Trung tâm VH,TT& DL Nghi Xuân, Trần Thị Cảnh cho biết, trên địa bàn huyện đã thành lập được hai CLB ca trù, Cổ Đạm và Nguyễn Công Trứ vào các năm 1995 và 1998. Tuy nhiên, đến năm 2015 mới được hỗ trợ 65 triệu đồng/CLB (năm 2015) và 30 triệu đồng/CLB vào năm 2016. Từ năm 2016 đến nay, nguồn kinh phí này bị cắt khiến các CLB rơi vào thế khó.
Duy trì hoạt động của các CLB, trung tâm phải tìm mọi cách để động viên các thành viên nhưng chẳng được bao nhiêu. “Ca trù là loại hình âm nhạc vừa kén người hát, vừa kén người nghe. Những NNƯT cũng chỉ học được tối đa 15/40 thể cách ca trù. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều loại hình âm nhạc “nở rộ” nên nhiều người không còn mặn mà với ca trù. Đào tạo được một ca nương đòi hỏi nhiều thời gian, thuộc lời đã khó nhưng vừa hát hay lại biết gõ phách nhuần nhuyễn lại càng khó hơn. Vì gánh nặng mưu sinh nên nhiều người không còn mặn mà với nghệ thuật này. Thậm chí, nhiều gia đình không cho con em mình tham gia các buổi tập luyện ca trù nên đào tạo người kế cận rất khó”, bà Trần Thị Cảnh chia sẻ.
Giai đoạn 1995 - 1998 khi Hà Tĩnh bắt đầu phục dựng loại hình nghệ thuật ca trù, phong trào học và hát ca trù ở Nghi Xuân diễn ra rất sôi nổi. Bình quân mỗi CLB có khoảng 30 thành viên tham gia, cả hai CLB ca trù ở Nghi Xuân đã sưu tầm và thể hiện được trên 20 thể cách, trong đó CLB ca trù Cổ Đạm đã hình thành được bốn thế hệ cùng đàn và hát ca trù. Tuy vậy, ngọn lửa đam mê của các thành viên vốn là những nông dân yêu thích ca trù không duy trì được lâu, bởi các nghệ nhân, ca nương không sống được với nghề và ngày càng có ít người đến học và nghe hát.
Phó Giám đốc Trần Thị Cảnh tâm sự: “Thực ra nói là phục dựng, bảo tồn nhưng việc duy trì tập luyện chỉ mang tính thời vụ. Mỗi khi có liên hoan, các CLB mới tích cực tập luyện để đi thi, trong khi đó, các đợt liên hoan thường được tổ chức với từng chủ đề, thể cách riêng nên việc bảo tồn, phục dựng tất cả các thể cách đã được sưu tầm rất khó thực hiện. Ngoài ra, khi các đoàn tham quan đến Nghi Xuân có nhu cầu nghe hát ca trù, các CLB thường biểu diễn những thể cách mang tính đặc thù của địa phương như: tứ quý, đại thạch, chúc hỗ… Đây là thể cách có hát múa, phách nhịp sôi nổi và các trích đoạn có thời lượng ngắn. Thành ra, việc phục dựng các thể cách khó thuộc không gian hát thờ khó lòng thực hiện”.
Cũng theo chia sẻ của NNƯT Trần Văn Đài (Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm), các liên hoan ca trù sau này, mặc dù đơn vị vẫn tìm kiếm đủ số lượng ca nương tham gia các thể loại theo yêu cầu của ban tổ chức nhưng chất lượng giọng hát không bằng các đợt liên hoan trước bởi các ca nương ít có cơ hội rèn luyện. “Tìm được nhân tố, đào tạo cơ bản nhưng học xong THPT các em lần lượt ra đi”, anh Đài tiếc nuối.
Giám đốc Trung tâm VHTT&DL Nghi Xuân, Trần Vũ Quang cho biết, vừa qua, HĐND tỉnh đã ra nghị quyết về chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, cùng với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Trò Kiều, nghệ thuật ca trù cũng được thổi một luồng sinh khí mới bằng các chính sách, cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên, khác với các bộ môn nghệ thuật khác, hát ca trù hiện chỉ có người Nghi Xuân mới hát được và việc truyền dạy ca trù ở Hà Tĩnh đang phụ thuộc rất nhiều các ca nương, nghệ nhân ở đây. Vì vậy nếu chỉ khuyến khích các địa phương thành lập mới mà không có cơ chế đãi ngộ phù hợp để đào tạo, giữ chân các nghệ nhân thì bộ môn nghệ thuật ca trù cũng như hai câu thơ trong Truyện Kiều: “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”.