Nâng cao năng lực ngành chế biến, chế tạo

|

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%. Nhưng doanh nghiệp Việt tham gia ngành này chưa có sức bật lớn, nhất là tỷ lệ tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ngành chế biến, chế tạo còn khá thấp.

Một trong những nút thắt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước thời gian qua là hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này khiến tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất thấp so với mục tiêu đề ra. Làm sao để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu là đích đến mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang hướng đến.

Nhập khẩu nhiều phụ thuộc lớn

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp bo mạch điện tử ô-tô, xe máy, các sản phẩm công nghệ dùng cho ngành viễn thông. Trước đây, Công ty cổ phần Hệ thống viễn thông Vineco rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung linh phụ kiện trong nước. Ông Nguyễn Hữu Bảy, Phó Tổng Giám đốc công ty đánh giá “Hiện tại năng lực sản xuất của doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam đã cải thiện xong để đáp ứng được nhu cầu ở quy mô lớn với giá thành cạnh tranh vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng gặp khó trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo mục tiêu đặt ra. Hoạt động sản xuất vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ bên ngoài nên rất rủi ro nếu bị đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Đây cũng là thực tế tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo ở nước ta. Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam chỉ chiếm 41,9%. Tỷ lệ cung ứng nội địa đến từ các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm 17,2%, thấp so với các nước trong khu vực.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) thẳng thắn chỉ ra, thời gian qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ khu vực các doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp nội địa; chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.

Đơn cử như ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho hay, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.

Tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực mà nước ta thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong hơn 35 năm qua. Nhiều tập đoàn sản xuất, công nghệ cao của thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế, khả năng tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI vẫn còn rất khiêm tốn. Không chỉ là bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực tìm tòi mà cũng rất cần những hỗ trợ từ cơ quan hữu quan.

Đơn cử như câu chuyện của Tập đoàn Goldsun. Đây là một trong số ít những nhà cung cấp cấp độ 1 tức là cấp trực tiếp sản phẩm cho SamSung. Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn lớn, doanh nghiệp này đã thay đổi gần như toàn bộ quy trình, nhân lực để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Goldsun chia sẻ: “Khi làm việc với nhà cung cấp và các tập đoàn đa quốc gia thì họ đánh giá khả năng, thâm niên và trình độ của doanh nghiệp như thế nào. Ban đầu sẽ rất là khó khăn nhưng thành quả vô cùng xứng đáng. Bởi chỉ cần vượt qua thử thách của một tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sẽ nắm trong tay visa để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị hoặc có thêm nhiều khách hàng lớn”.

Nhưng không chỉ là năng lực của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Bảy, cái khó là những doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam sẽ thường mang theo chuỗi cung ứng của riêng mình. Đây là một khó khăn không nhỏ.

“Làm sao để dễ dàng bước chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI nước ngoài là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp. Nhưng cũng cần có những chính sách hỗ trợ để kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hơn”, ông Bảy nói.

Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, lĩnh vực chế biến, chế tạo có chi phí đầu tư rất cao nên về dài hạn muốn hỗ trợ ngành này phát triển được thì phải hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chứ không thể để bàn tay của thị trường chi phối.

“Nếu mà đợi doanh nghiệp FDI có động lực để tìm nhà cung cấp trong nước thì rất là lâu, doanh nghiệp nào khi sản xuất trong thời gian dài thì họ cũng đều có chuỗi cung ứng có sẵn, thường thì họ đầu tư mới vào thị trường thì cũng sẽ gọi các nhà cung cấp của họ theo hoặc họ sẽ mua của một nước gần nhất mà đang có lợi thế như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ. Thế nên nếu phải buộc họ nội địa hóa tìm nhà cung cấp trong nước thì chỉ đối với những cái linh kiện mà nó cồng kềnh với chi phí logistics và thuế cao”, bà Bình nói.

Để phát triển doanh nghiệp nội địa, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, hiện Bộ Công thương đã triển khai xây dựng các trung tâm kỹ thuật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.