“Phủ sóng” chế độ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp

|

Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn lao động xảy ra, tuy nhiên, trong số đó, không ít người không có hợp đồng lao động, không được hưởng chế độ an sinh. Cần thiết, phải có chế độ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động ở khu vực phi chính thức.

Lợi ích không “đo, đếm”

Chế độ Tai nạn lao động (TNLĐ)- Bệnh nghề nghiệp (BNN) là một trong 5 chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH. Ngày 5/6/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua và thống nhất chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN một cách cụ thể tại Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2023, cơ quan này đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN theo hai hình thức hằng tháng và một lần cho hơn 7.300 người. Cụ thể, có 1.775 người hưởng mới trợ cấp TNLĐ hằng tháng và 415 người hưởng trợ cấp BNN hằng tháng. Chính sách trợ cấp TNLĐ một lần trong năm 2023 có 5.136 người hưởng mới. Cụ thể là 4.977 trường hợp hưởng trợ cấp TNLĐ một lần và 159 trường hợp hưởng trợ cấp BNN một lần. Trong năm 2023, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là gần 1,46 tỷ đồng…

NLĐ là trụ cột của gia đình, họ bị TNLĐ hay mắc BNN phải nghỉ làm thì gia đình gần như mất toàn bộ thu nhập. Lúc này NLĐ không đủ trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu cho bản thân chứ chưa nói tới chi phí cho các thành viên khác trong gia đình.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1/7/2023 tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, các khoản trợ cấp BHXH cũng thay đổi. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định với trường hợp suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Như vậy, cứ suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp 540 nghìn đồng/tháng hiện hành là 447 nghìn đồng. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 36 nghìn đồng/tháng hiện hành là 29.800 đồng.

Cần lấp đầy “khoảng trống” thực thi

Trước đây các nội dung của bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã nằm điều trị ổn định thương tật, thiếu cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa. Vì vậy, không ít doanh nghiệp (DN) né tránh thực hiện nghĩa vụ. Khắc phục điều này và tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật ATVSLĐ năm 2015. Còn việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện.

Theo BHXH Việt Nam, một trong những khó khăn, hạn chế hiện nay là vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động cố tình né tránh, chậm trễ trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ đối với NLĐ, chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau. Khi NLĐ khiếu nại thì mới đề nghị cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục để giải quyết chế độ TNLĐ.

Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cho biết: “Theo quy định hiện hành của Luật ATVSLĐ, đối với những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nếu như người sử dụng lao động (NSDLĐ) không đóng BHXH cho NLĐ thì khi không may trong quá trình lao động, NLĐ bị TNLĐ-BNN thì NSDLĐ phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hằng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho NLĐ thay cho cơ quan BHXH. Chính vì vậy, nếu NSDLĐ tham gia đầy đủ, đóng đầy đủ chế độ BHXH cho NLĐ thì NSDLĐ sẽ giảm bớt được những gánh nặng nếu không may trong quá trình lao động, NLĐ bị TNLĐ-BNN”.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) nói rõ thêm: “Trong Luật ATVSLĐ có hai điều 55-56 quy định hỗ trợ, phòng ngừa ATVSLĐ-BNN. Đây là nguồn hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước đến các DN, giúp DN trong công tác phòng ngừa, đặc biệt công tác huấn luyện ATVSLĐ”.

Luật ATVSLĐ và những văn bản hướng dẫn đã kế thừa và phát triển nhiều nội dung mới ưu việt hơn so những quy định tại Luật Lao động, Luật BHXH và các quy định trước đây. Thí dụ, bổ sung trường hợp khi NLĐ đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong những ngành nghề có nguy cơ mà phát hiện ra BNN thì NLĐ vẫn được đi giám định đề nghị xem xét giải quyết; Sửa đổi thống nhất mức hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau TNLĐ-BNN để phù hợp với chế độ dưỡng sức sau ốm đau, thai sản, BNN được quy định trong Luật BHXH; Hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ-BNN theo Luật ATVSLĐ đã có thay đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà, không cần thiết để tạo điều kiện cho cá nhân, DN trong việc tham gia thụ hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN.

Mặc dù chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN đã đi vào cuộc sống nhưng trên thực tế vẫn còn khoảng trống thực hiện chính sách này đối với những lao động tự do. Theo Bộ LĐ-TB&XH, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta, tính đến hết quý I/2023 là 33 triệu người, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đang có nhiều NLĐ trong khu vực này bị TNLĐ nghiêm trọng trong quá trình lao động. Chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do TNLĐ trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm hơn 2.000 người, gấp gần 2 lần khu vực có quan hệ lao động.

Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 nêu mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, trung bình hằng năm, tăng thêm 5% số NLĐ được khám BNN, hơn 80% người bị TNLĐ-BNN được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mục tiêu trên chỉ đạt khi Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho phép NLĐ tự do có thể đóng quỹ TNLĐ-BNN như các đối tượng khác ở khu vực chính thức để được hưởng các chế độ trợ cấp khi gặp rủi ro.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Chúng tôi đang ở giai đoạn hoàn thành Dự thảo Nghị định Quy định về BHXH TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động để trình Chính phủ ban hành. Dự thảo quy định ba chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình. Tôi cho rằng, những chính sách bảo hiểm TNLĐ rất nhân văn. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện những chính sách này để giúp mọi NLĐ có quyền làm việc trong môi trường điều kiện an toàn, điều kiện tốt hơn và hướng tới giảm sâu hơn nữa TNLĐ-BNN.

Ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TƯ về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Chỉ thị cũng nêu rõ: “Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN theo hướng đóng, hưởng linh hoạt, nâng mức hưởng, mức hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng bảo đảm ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước”.