Phòng tránh nguy cơ bị nhồi nhét

|

Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tăng cao, ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đưa ra các phương án để tránh thiếu phương tiện phục vụ. Thế nhưng, vẫn có tình trạng người dân dù chủ động mua vé sớm vẫn phải đi xe kém chất lượng do “sốt vé ảo” xe chất lượng cao. Thậm chí, nhiều người phải bắt xe dọc đường, khiến tình trạng bến “cóc”, xe “dù” càng phức tạp.

Vẫn phải bắt xe dọc đường

Vẫn chưa hết ám ảnh việc đi lại bằng xe về quê ăn Tết, anh Đăng Văn (quê Quảng Ngãi) cho hay, Tết 2018, dù đã cẩn thận đặt trước bốn vé giường nằm từ TP Hồ Chí Minh về quê nhưng khi ra xe chỉ vợ, hai con anh có chỗ. Anh phải nằm giữa lối đi và bị nhồi nhét cùng rất nhiều hành khách khác. “Giá vé tăng xấp xỉ gần một triệu đồng/vé thay vì chỉ 320.000 đồng như ngày thường. Đã thế, mỗi lần xe qua trạm kiểm soát thì mọi người phải xuống nấp phía sau hoặc leo lên giường trên để... trốn. Giờ nghĩ đến cảnh về quê ăn Tết đã thấy ám ảnh”, anh Văn chia sẻ.

Theo anh Phạm Quốc Dũng (quê Quảng Trị), mua vé ngày Tết thì khó, còn đi vé ủy thác của bến xe thì chất lượng kém. Tuy nhiên, nếu hết cách thì cũng phải đi. “Có khi phải chạy ra quốc lộ để bắt xe về quê. Dù bị nhồi nhét cũng đành chịu do ngày Tết là mùa làm ăn của nhà xe…”, anh Dũng rầu rì cho biết.

Theo Ban Quản lý Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), sản lượng hành khách thông qua bến trong dịp Tết Dương lịch 2019 sẽ tăng 1% xe xuất bến và khách xuất bến tăng khoảng 2% so cùng kỳ năm trước, do người dân sẽ được nghỉ bốn ngày (từ ngày 29-12-2018 đến hết 1-1-2019). Dự kiến lượng khách tập trung chủ yếu tăng trong chiều, tối ngày 28-12 (thứ sáu) với 43.500 lượt khách và ngày 29-12 (thứ bảy) với 45.500 lượt khách. Khách đông trên một số tuyến đường có cự ly trung bình và ngắn, nhất là các tuyến đi đến trung tâm du lịch như: Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang…

Đối với dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ông Kiều Nam Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho hay, Tết năm nay được nghỉ chín ngày nên dự báo sản lượng hành khách thông qua bến tăng khoảng 2% so cùng kỳ năm trước. Lượng khách tập trung chủ yếu vào các ngày 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất. Cao điểm nhất là từ ngày 30-1-2019 (25 Tết) đến ngày 2-2 (28 Tết) với lượng khách dao động từ 64.000 đến 66.000/ngày. Thời gian phục vụ Tết Nguyên đán của Bến xe Miền Đông trong 20 ngày (10 ngày trước và 10 ngày sau Tết). Riêng các tỉnh khu vực miền bắc, miền trung và Tây Nguyên, bến xe sẽ bắt đầu phục vụ từ ngày 17-1-2019 (12 tháng Chạp).

Cũng theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán, Bến xe Miền Đông chủ động bán vé trước một tháng, bắt đầu từ ngày 5-1-2019 (30-11 âm lịch) đến hết ngày 31-1 (26-12 âm lịch) cho khách đi từ ngày 29-1-2019 (24-12 âm lịch) đến ngày 2-2 (28-12 âm lịch).

Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), ông Nguyễn Ngọc Thừa, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Miền Tây dự báo, đối với dịp Tết Dương lịch 2019 lượng hành khách tăng từ 3% - 5% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến ngày cao điểm 29-12 tới (thứ bảy), sản lượng hành khách đạt từ 52.000 đến 54.000 khách/ngày.

Cũng theo Bến xe Miền Tây, lượng hành khách thông qua bến trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tăng từ 5% - 7% so cùng kỳ năm trước; tập trung vào ba ngày 27, 28 và 29 tháng Chạp năm Mậu Tuất. Các tuyến có lượng hành khách tăng cao, gồm tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo kế hoạch, Bến xe Miền Tây sẽ tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán trong 20 ngày (10 ngày trước và 10 ngày sau Tết). Bến xe cũng sẽ tổ chức bán vé phục vụ hành khách 24/24, bắt đầu trước vài tuần lễ để người dân chủ động hơn khi mua vé.

Theo thông tin từ các bến xe lớn tại TP Hồ Chí Minh, để bù chiều chạy rỗng trong dịp cao điểm Tết Kỷ Hợi, các đơn vị vận tải đề xuất dự kiến mức phụ thu giá cước dao động cao hơn từ 20% - 60% so giá vé ngày thường, tùy chặng đường và thời điểm xe chạy.

Nguy cơ quá tải trên nhiều tuyến

Đối với ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp Tết Dương lịch 2019, ngoài các chuyến tàu đang hoạt động trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm 32 đoàn tàu từ TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại trong các ngày từ 27-12-2018 đến 1-1-2019 với khoảng gần 14.500 chỗ. Đối với dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh sẽ chạy 16 đôi tàu khách Thống Nhất. Trong đó, chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ chạy 11 đôi tàu. Bên cạnh đó sẽ chạy sáu đôi tàu khách khu đoạn trên các tuyến: TP Hồ Chí Minh đi Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang và Phan Thiết. Về vé tàu, Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin, số lượng vé bán ra chiều từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội trước Tết là 140.000 vé và Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sau Tết là 160.000 vé. Hành khách có thể kiểm tra trên hệ thống trang thông tin ngành đường sắt để mua vé.

Để bảo đảm an ninh - trật tự và an toàn giao thông, các bến xe sẽ chủ động phối hợp lực lượng công an địa phương, Thanh tra giao thông để xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe “trá hình”... Bên cạnh đó, tại khu vực thường xuyên kẹt xe chung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an địa phương… thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý kẹt xe hoạt động 24/24 giờ.

Nhằm chủ động giải tỏa, tránh ùn ứ việc đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch 2019, từ ngày 29-12-2018 đến 1-1-2019, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng chuyến trên ba tuyến xe buýt với số chuyến là 92, chủ yếu đến các khu vui chơi, du lịch tại thành phố và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, dự kiến tăng cường cho Bến xe Miền Tây khoảng 15 xe buýt để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách đi về các tỉnh Miền Tây.

Hai bến phà lớn nhất TP Hồ Chí Minh (nối tỉnh Đồng Nai) cũng lên kế hoạch phục vụ người dân đi lại dịp lễ nhằm tránh ùn tắc tại các tuyến đường cửa ngõ. Xí nghiệp Phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) thông tin, dự kiến lượng khách qua phà sẽ tăng hơn 5% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, cao điểm Tết dương và âm lịch dao động từ 70.000 đến 90.000 lượt khách/ngày, tăng gấp ba đến bốn lần so ngày thường. Do đó, bến huy động tám phà phục vụ khách đi lại, trong đó có hai phà lớn (200 tấn/phà) chở được khoảng 350 khách/phà. Cùng với đó là bốn phà loại 100 tấn và hai phà loại 60 tấn, sẽ hoạt động trên 300 chuyến đôi/ngày, tăng gần ba lần so ngày thường.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Phà Cát Lái (quận 2), dự kiến lượng khách qua phà sẽ tăng khoảng 5% - 7% so cùng kỳ. Bến huy động bảy phà lớn (từ 100 đến 200 tấn/phà) cùng ba phà nhỏ (60 tấn/phà), phục vụ hành khách trong những ngày cao điểm Tết. Trong đó, ngày cao điểm sẽ đạt hơn 100.000 lượt khách/ngày, với khoảng 250 đến 270 chuyến đôi, tăng gấp gần ba lần so ngày thường.

Về nguy cơ bùng phát bến “cóc”, xe “dù”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ động phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an thành phố để xử lý tình trạng trên. Đồng thời, tăng cường thanh tra tại tất cả các bến xe khách liên tỉnh nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Dù vậy, theo cơ quan chức năng, trong dịp Tết, số lượng khách đi lại rất đông và dễ xảy ra ùn ứ, quá tải tại các quầy vé từ các bến xe cho đến sân bay. Vì vậy, hành khách cần chủ động sắp xếp thời gian đi lại sớm hơn thường lệ từ một đến hai giờ đồng hồ và bảo quản hành lý tư trang kỹ càng, để có cái Tết vui trọn vẹn bên gia đình.