Mục tiêu hoàn thành sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần thay đổi diện mạo đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Việc đầu tư đường cao tốc đã và đang được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm.
Chạy nước rút hoàn thành 3.000 km cao tốc
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để hoàn thành 3.000 km cao tốc vào cuối năm 2025, tốc độ triển khai phải nhanh hơn gấp nhiều lần so với công tác đầu tư, xây dựng loại hình công trình giao thông đặc biệt này. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã và đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm. Theo đó, các đơn vị đã thực hiện phân cấp, phân quyền, quyết liệt, bám sát thực tiễn để chỉ đạo, điều hành. Các cơ quan, đơn vị cũng nêu cao trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Mới đây, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tổ chức Lễ phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” theo đúng chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nỗ lực thực hiện bằng được mục tiêu đặc biệt này. Sự kiện sẽ trở thành phong trào thi đua toàn quốc, tạo dấu ấn kinh tế đặc biệt trong cả giai đoạn 2021-2026, tạo “cú huých” mạnh trong việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng với điểm nhấn chính là mạng đường cao tốc quốc gia.
Tại cuộc họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT ngày 8/8 vừa qua, Bộ GTVT cho biết, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km trên khắp mọi miền đất nước, từ các dự án cao tốc thuộc trục bắc - nam, các dự án kết nối theo trục đông - tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên. Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và có 13 dự án và dự án thành phần với chiều dài 736 km có các điều kiện thuận lợi sẽ được hoàn thành trong năm 2025, 10 dự án/dự án thành phần chiều dài 377 km cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025...
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, kỹ sư, công nhân, người lao động tích cực, hăng say, nỗ lực với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “làm việc nào dứt việc đó”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm”, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ quá trình triển khai thi công các dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và các dự án đang triển khai thi công, chúng ta đã đúc rút tích lũy được nhiều kinh nghiệm, do đó việc triển khai thời gian tới phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc để triển khai nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và triển khai có hiệu quả hơn. Mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km đường cao tốc vào năm 2025, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 3.000 km, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc - nam đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An. Ảnh: KHIẾU MINH |
Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng
Để hiện thực hóa, tạo cơ chế, chính sách và nhiệm vụ cụ thể cho mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km đường cao tốc vào năm 2025, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 3.000 km, ngay sau cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 26 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Bộ GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương và UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển, gắn với Đợt thi đua “500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”.
Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Hướng dẫn, xử lý vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tới quy hoạch đô thị, nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 12 phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành 12 kết luận, hơn 400 công điện đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án.