Thành Lâm khởi sắc nhờ du lịch cộng đồng

|

Xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Người dân trước kia chủ yếu chỉ trồng trọt, chăn nuôi, nay kết hợp với làm du lịch cộng đồng, đã dần cải thiện đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

“Xã 135” thoát nghèo

Là xã vùng cao cách trung tâm huyện Bá Thước hơn 10 km, Thành Lâm có tới hơn 93% diện tích đất làm nông nghiệp trên địa hình đồi núi không bằng phẳng, đồng bào dân tộc Thái chiếm 98% và từng là “xã 135” (xã đặc biệt khó khăn). Song với “nguồn vốn” là cảnh quan thiên nhiên và ruộng bậc thang độc đáo, từ khoảng năm 2014 trở lại đây, một số hộ gia đình ở thôn Đôn trong xã đi đầu mở dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) đón khách du lịch. Đến nay, cả xã đã có 27 cơ sở lưu trú, trong đó ngoài cơ sở theo mô hình homestay, còn có khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực… Nhiều hộ hợp tác với các doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng quy mô, thực hiện nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng chuyên nghiệp.

Thôn Đôn đi đầu trong làm dịch vụ lưu trú, cùng với hai thôn Bầm, thôn Leo, đã đặt những nền móng đầu tiên hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng ở Pù Luông. Theo ông Hà Huy Giáp, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đôn: “Trước kia, các hộ ở thôn chủ yếu làm nông nên đời sống rất khó khăn, thanh niên phải bỏ đi làm ăn xa ở các tỉnh miền nam. Từ khi có những đoàn khách du lịch nước ngoài đến đây du lịch, ở thôn lúc mới bắt đầu có ba cơ sở, dần dần khách biết tới và đến rất đông. Sau đó một số hộ dân trong thôn đã sửa sang, nâng cấp nhà sàn để làm homestay, phát triển thành du lịch cộng đồng như hiện nay”.

Nhờ phát triển du lịch, người dân thôn Đôn đã có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại quê hương mà không phải đi làm ăn xa như trước nữa. “Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm nay bình quân thu nhập đầu người đạt 45-47 triệu đồng/người/năm. Chỉ tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu thì 53 triệu đồng/người. Đạt được những tiêu chí khác như việc làm ổn định… thì sẽ đạt được tiêu chí về thu nhập và hướng đến trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Giáp chia sẻ thêm.

Vững tâm hơn khi ở lại quê hương

Qua các năm, số lượt khách và doanh thu từ du lịch ở xã vùng núi Thành Lâm không ngừng tăng. Năm 2022, các đoàn khách du lịch tăng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch tại xã Thành Lâm nói riêng và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói chung đã để lại dấu ấn trên bản đồ du lịch nội địa. Thống kê của xã cho thấy, năm 2023, lượng khách đến tham quan trong năm đạt gần 26 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 9.300 lượt khách nước ngoài. “Nhờ vậy, các ngành dịch vụ yêu cầu lao động thường xuyên và đều đặn hơn, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động của địa phương”, ông Bùi Hải Đường, Bí thư chi bộ xã Thành Lâm chia sẻ.

“Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, song thu nhập bình quân ở xã cũng đã cơ bản đạt với mức bình quân của huyện. Toàn xã đang có 27 cơ sở lưu trú, doanh nghiệp bên ngoài đầu tư không nhiều mà chủ yếu là người dân tự đứng ra kinh doanh. Hạ tầng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các dự án đầu tư, tỷ lệ giao thông trên địa bàn được cứng hóa 95%”, ông Đường cho biết thêm, tổng khách đến nghỉ dưỡng lưu trú từ năm 2020 đến nay đã đạt hơn 100 nghìn lượt, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động tại địa phương. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 32 triệu đồng/người. Bước đầu, thu nhập trung bình có thể còn chưa cao, song người dân có kế sinh nhai ổn định. Thanh niên trong độ tuổi lao động đã có thể ở lại quê hương lập nghiệp, các gia đình có điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn, người già trong thôn có nơi nương tựa.

Xã đã được tỉnh Thanh Hóa công nhận thêm làng nghề truyền thống sản xuất rượu cần ở thôn Tân Thành, giúp người dân duy trì và có thêm sản phẩm phục vụ du khách.