Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực

|

Trẻ em là đối tượng được xã hội luôn quan tâm bảo vệ, tuy nhiên thực trạng bị xâm hại, bạo lực ngày càng mở rộng, không chỉ là người có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ học vấn, có địa vị xã hội. Vấn đề tạo “đề kháng” cho trẻ và các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này là điều được nhiều người quan tâm.

Nhức nhối trẻ em bị xâm hại

Mới đây, đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) đã bị cơ quan chức năng khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”. Trước đó, hai bé gái 7 tuổi và 3 tuổi đang cùng bán hàng với mẹ, Vi lân la ở trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, dụ dỗ hai cháu lên taxi và đưa về nơi ở của mình để thực hiện hành vi đã lên kế hoạch từ trước. Sự việc đã được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và ngăn chặn những hành động phi pháp mà đối tượng này có thể gây ra và đăng tải lên website và mạng xã hội.

Một vụ việc khác liên quan đến ngược đãi, bạo hành trẻ em khiến dư luận phẫn nộ là hành vi của đối tượng Lê Văn Bậm (ngụ huyện Hóc Môn) trong quá trình sử dụng ma túy đã trói chân một bé trai 3 tuổi, tác động vào bộ phận nhạy cảm, cho sử dụng chất nghi là ma túy đá... Đối tượng này sau đó đã bị công an khởi tố bị can và bị bắt tạm giam để điều tra. Một vụ việc khác liên quan đến bạo hành trẻ em dù đã trôi qua hơn 2 năm nhưng mỗi lần nhắc đến vẫn khiến không ít người rùng mình và phẫn nộ bởi mức độ kinh hoàng của nó. Đó là vụ việc người tình và bố ruột đã bạo hành cô bé mới chỉ 8 tuổi đa chấn thương dẫn đến tử vong. Hai đối tượng này sống trong một khu chung cư hiện đại, là người có học thức nhưng đã cùng hành hạ một trẻ em với những hành động man rợ, tàn nhẫn trong suốt nhiều ngày liền. Khi bị phát giác, các đối tượng này đã bị pháp luật trừng trị thích đáng nhưng vụ việc đã dấy lên những ý kiến căm phẫn trong xã hội về môi trường sống của trẻ em bị tác động một cách nghiêm trọng.

Các vụ việc vừa nêu chỉ là vài trong số rất ít các vụ việc liên quan đến bạo hành, bạo lực, xâm hại trẻ em đã xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được báo chí quan tâm, cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua. Theo Trung tá Phạm Thành Trung, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các số liệu báo cáo về các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế. Nhiều vụ việc diễn ra và kéo dài trong thời gian dài nhưng nạn nhân không biết cách lên tiếng, phụ huynh cũng đành ngậm ngùi “cho qua” để tránh bị mang tiếng, tâm lý sợ ảnh hưởng đến trẻ và gia đình. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, năm 2023, thành phố xảy ra 186 vụ xâm hại tình dục, bạo hành, bạo lực trẻ em với 196 nạn nhân (57 nam, 139 nữ), trong đó có 155 vụ xâm hại tình dục và 16 vụ liên quan đến bạo lực, bạo hành. Con số này của các năm 2022 và 2021 lần lượt là 147 và 114 vụ. Riêng 5 tháng đầu năm nay, thành phố đã xảy ra 45 vụ với 46 nạn nhân (4 nam, 42 nữ). Trong đó, riêng về xâm hại tình dục đã chiếm đến 40 vụ. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có hơn 1,9 triệu trẻ em (trẻ dưới 16 tuổi). Trong đó, hơn 9.800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 25.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các thông tin “độc hại” tràn lan trên mạng… đều là những cạm bẫy dễ khiến trẻ rơi vào vấn nạn bạo lực, lạm dụng tình dục,…

Phụ huynh và trẻ em cùng tham gia trò chơi tại một trung tâm thương mại ở thành phố Thủ Đức.

Tạo đề kháng bằng cách nào?

Trung tá Phạm Thành Trung cho rằng, với sự phát triển, phổ biến thiếu kiểm soát của các mạng xã hội, internet như hiện nay, nạn bạo lực, tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em càng khó kiểm soát và ngăn chặn. Chỉ với một số thao tác về thiết lập tài khoản, website giả về hình ảnh giàu có, thành công, thần tượng của giới trẻ, các đối tượng đã dễ dàng thu thập được các thông tin cá nhân, sở thích, cá tính của nhiều đối tượng là trẻ em, từ đó tìm cách khai thác và đưa các trẻ vào cạm bẫy đã chuẩn bị sẵn. Với cách làm này, nhiều trẻ em dần phụ thuộc, coi đối tượng như nơi nương tựa tinh thần, sau đó đối tượng lừa gạt dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động... Khi đã “khống chế”, “con mồi” lại chống cự một cách yếu ớt vì thiếu thông tin, thiếu kỹ năng và sợ người lớn làm lớn chuyện.

Đánh giá của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về thực trạng này cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, trong đó, nhiều nạn nhân của các em lại là người có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội. Thậm chí, các đối tượng khi bị phát giác cũng khiến các bậc phụ huynh “sốc” khi đó lại chính là họ hàng, người quen, thậm chí người trong gia đình. Số vụ việc dù biến động qua từng năm nhưng tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, gây hoang mang trong dư luận xã hội; hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kế đến là bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần...

Trung tá Phạm Thành Trung cho rằng, để vấn nạn này giảm và tạo môi trường an toàn cho trẻ, xã hội, các cơ quan chức năng cần nhiều hơn nữa chiến lược truyền thông, nhất là trong các cơ sở giáo dục để cả người lớn lẫn trẻ em nhận thức được các “vùng an toàn” đối với các hành vi xâm hại tình dục, bạo hành qua đó có “sức đề kháng” đối với vấn đề này. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, triển khai các mô hình về phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành… thực tế cũng cho thấy, gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác này. Phụ huynh, người lớn là nơi gần gũi, quen thuộc với các trẻ nhất, cần tạo điều kiện tốt nhất để các em có một môi trường phát triển lành mạnh, có điều kiện trau dồi các kỹ năng sống nhằm phản kháng tốt trước các nguy cơ tiềm ẩn về bạo lực, xâm hại. Người lớn cần thường xuyên dạy trẻ những kỹ năng cơ bản để các em có kiến thức, nhận thức trước những nguy cơ có thể gặp phải như: dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm, không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm, không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, tránh xa người lạ mặt, không cho người lạ mặt vào nhà, tìm cách báo cho người lớn khi có nguy cơ bị đe dọa, bắt nạt…

Các chuyên gia tâm lý khẳng định, khi là nạn nhân của sự xâm hại, các em phải chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần, phải đối mặt với những thách thức về tâm lý xã hội và các vấn đề tiêu cực về hành vi, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, xâm hại trẻ em cũng tạo nên những gánh nặng xã hội và sự chi phí tài chính đáng kể.