Gieo chữ giữa mây ngàn

|

Lắng nghe câu chuyện của các cô giáo trẻ từ miền xuôi lên vùng miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) dạy học, qua câu chuyện kể, có lẽ với họ, hạnh phúc nhất mỗi ngày là được đứng trên bục giảng, được thấy học trò của mình lên lớp đầy đủ và tiếp thu trọn vẹn kiến thức mình giảng dạy.

Thêm yêu nơi mình sống

Cô giáo trẻ Trần Thị Hạnh Nguyên chia sẻ, huyện miền núi Nam Trà My là vùng đất mà vừa mới ra trường em đã được phân công lên đây. Ban đầu có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, càng ngày, càng tiếp xúc, càng sinh sống, cảm thấy cái lôi cuốn, giữ chân lại lâu nhất là tình cảm, con người và đặc biệt là sự hồn nhiên vô tư của các học sinh nơi đây.

Còn đối với cô giáo trẻ Nguyễn Mai Thi, thời gian đầu mới lên, cô hơi sốc bởi trình độ cũng như điều kiện sống của học sinh. "Dần dần em cũng quen. Đặc biệt, trên này các bạn học sinh rất ngoan, thương thầy, thương cô và rất lễ phép. Từ đó, em quyết định gắn bó với trường, với lớp, với học sinh và với vùng đất này".

Nhiều năm qua, để mang con chữ lên với con em đồng bào vùng cao, nhiều cô giáo ở miền xuôi đã vượt qua nỗi nhớ gia đình, người thân để gánh vác sứ mệnh gieo con chữ. Những gian nan, vất vả của các cô giáo đã trải qua khó có thể nói hết. Với những cô giáo lên vùng cao công tác, điều khó khăn lớn nhất không phải là kỷ luật học tập, giờ giấc đến trường mà là cách thức giảng dạy làm sao vượt qua rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán để các em tiếp thu được kiến thức, hiểu và nhớ được bài học tốt nhất.

Khi nhắc đến các cô giáo tại trường, em Hồ Văn Dương, lớp 12/1, cho biết: “Điều làm chúng em yêu quý các cô giáo không chỉ là tâm huyết với từng tiết dạy mà còn truyền được kiến thức đối với môn học. Các cô để ý đến từng điểm yếu, thế mạnh của chúng em và luôn có cách giúp từng bạn ngày càng tự tin, phát huy năng lực của mình”.

Em Gia Hạo, lớp 9/2, chia sẻ: “Lúc trước em học thua kém bạn bè ở lớp, nhờ các cô chỉ dạy mà bản thân em đã tiến bộ. Em xem các cô giáo ở đây như người thân trong gia đình”.

Thầy giáo Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Nam Trà My cho hay: “Mặc dù điều kiện công tác xa nhà, gặp nhiều khó khăn nhưng các cô giáo tại trường luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Luôn yêu nghề mến trẻ, tích cực, nhiệt tình, đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Cũng vì thế mà các cô luôn được học sinh tin yêu, được đồng nghiệp, người thân và nhân dân bản làng quý mến”.

Thanh xuân bám bản, bám trường

Những tháng ngày dạy học cũng là quãng thời gian các cô giáo vùng cao phải tự mình đến từng nhà học sinh để vận động, thuyết phục cha mẹ đưa con đến trường. Cùng với đó các cô còn tham gia với chính quyền địa phương làm công tác dân vận, thay đổi những tập tục lạc hậu. Qua năm tháng, các cô như một thành viên của bản làng, nơi trẻ em, dân làng gửi gắm tình thương yêu và ước mơ.

Anh Hồ Văn Hiếu, thôn 1, xã Trà Tập, cho hay: “Trước đây gia đình tôi khó khăn về kinh tế nên tính không cho con đi học, rồi cô giáo xuống vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc học chữ tôi thấy hợp lý nên đã đồng ý cho con đến lớp”.

Huyện miền núi cao Nam Trà My hiện có 31 trường học với 397 phòng học, trong đó, có 168 phòng kiên cố, 215 phòng bán kiên cố và 14 phòng học tạm. Cả huyện có 415 giáo viên, trong đó giáo viên nữ chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Toàn huyện có 76 điểm trường lẻ thì hầu hết là các cô giáo trẻ từ miền xuôi lên bám trường, bám lớp để giảng dạy. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn của người giáo viên, các cô giáo trẻ còn đứng ra vận động mạnh thường quân đóng góp kinh phí để hỗ trợ học tập, sinh hoạt cho học sinh và bà con dân bản tại nơi các cô dạy học.

Bằng sự tâm huyết với nghề, những giáo viên trẻ như cô Nguyên, cô Thi đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, đồng thời duy trì, củng cố chất lượng trong việc phổ cập giáo dục của huyện Nam Trà My nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.