Cứu đói cho các gia đình tảo hôn
Mặt trời chưa ló rạng, Giàng Thị S, thôn Đồn Đèn, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể đã phải dậy làm đủ việc nhà, lo cho đàn con nhỏ. Khi ánh nắng vàng gieo trên sườn núi, S lại lầm lũi lên rừng kiếm củi, chăn trâu. Chiều tà xế bóng lại làm việc nhà không ngơi tay.
Cuộc sống của S bắt đầu một nhịp buồn như thế khi em lấy chồng ở tuổi trăng tròn. S không được đi đâu, cũng chẳng dám đi đâu vì ngại với đám bạn cùng lứa đang cắp sách đến trường. Đàn con nheo nhóc, gia đình năm miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn 300 m² ruộng lúa bậc thang thiếu nước, năm được năm mất. Ngôi nhà vách tre dựng tạm đã dột nát nhưng không có tiền sửa lại. Thức ăn hằng ngày chủ yếu là rau. Cuộc sống của S cũng le lói, buồn rầu như bếp lửa trong nhà mỗi đêm.
Cách nhà S không xa là nhà em Dương Thị D. Năm 2005, khi mới 15 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra đang tới trường, tới lớp thì gia đình đã tổ chức cho D lấy chồng. Từ đó, ngày ngày, D lầm lũi trên nương, lụi cụi với những công việc gia đình để lo miếng ăn cho con nhỏ. Năm 2017, cuộc sống cơ cực đã khiến đôi vợ chồng trẻ này chia tay, chồng D bỏ theo một người phụ nữ khác. Không nhà cửa, ruộng nương, D lại phải tay xách, nách mang, bồng bế ba đứa con nhỏ về sống nhờ bố mẹ. Khi được hỏi, D chỉ lắc đầu không trả lời, em chưa hình dung được sẽ lo gia đình nhỏ này như thế nào để thoát cảnh tương lai mù mịt không lối thoát.
Thôn Đồn Đèn có 50 hộ dân thì đến nay 100% đều là hộ nghèo. Nhiều em đến tuổi 13 - 14, gia đình đã tổ chức cho các em “tảo hôn”. Có gia đình bố mẹ mới chỉ ngoài 20 tuổi mà đã có tới ba, bốn mặt con. Trung bình mỗi cặp vợ chồng trẻ sau khi tách hộ có từ năm đến sáu nhân khẩu. Ruộng nương ít lại cằn cỗi nên mỗi năm đều phải hỗ trợ cứu đói nhiều lần. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã Khang Ninh có hơn 10 trường hợp tảo hôn, chủ yếu ở các thôn bản vùng cao. Mặc dù xã thường xuyên tuyên truyền vận động bà con các thôn bản vùng cao thực hiện đúng Luật Hôn nhân gia đình nhưng vẫn còn những hộ chưa thực hiện, khi kết hôn thường không báo cáo với chính quyền địa phương. Tảo hôn thì thiếu ăn, thiếu mặc, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, thiếu thốn văn hóa tinh thần là chuyện tất yếu.
Con đường dốc thẳng trán ngựa dẫn chúng tôi đến Thôm Niêng, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm. Trong căn nhà tuềnh toàng, Sùng A V ngượng nghịu: Em lấy vợ sớm lắm, giờ cả hai vợ chồng mới gần 20 tuổi nhưng đã có hai đứa con rồi. Tài sản lớn nhất trong nhà V có lẽ là cái giường được bố mẹ cho. Hai vợ chồng làm đủ việc mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Thôn cũng tuyên truyền đủ cả nhưng phần lớn bà con chưa bỏ được cái nạn tảo hôn. Bà con cứ bảo cho con lấy vợ sớm, đẻ sớm thì mới có người làm việc mà đâu biết thêm một miệng ăn là thêm bao gian khó trong khi bố mẹ đứa trẻ còn chưa rành rẽ việc làm ruộng, làm nương. Ở Pác Nặm, tỷ lệ tảo hôn còn khá cao dù rằng địa phương cũng có nhiều nỗ lực can thiệp, ngăn chặn. Năm 2015, cả huyện có 41 trường hợp tảo hôn, năm 2016 có hơn 70 trường hợp. Nhiều trường hợp chưa được thống kê đầy đủ vì những “cặp vợ chồng trẻ” không báo cáo mà cứ thế về sống với nhau.
Xây dựng mô hình điểm
Theo điều tra của Ủy ban Dân tộc T.Ư, Bắc Cạn nằm trong số các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao của cả nước. Phần lớn tảo hôn nằm ở các địa bàn xa xôi thuộc các huyện Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Đồn… Bên cạnh đó, còn có tình trạng hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu trong đồng bào dân tộc ở Pác Nặm. Bà con quan niệm, tài sản của dòng tộc thì không thể để người ngoài dòng tộc hưởng, do đó, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ đi ngược thuần phong, mỹ tục mà còn để lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội và cả thế hệ tương lai. Tảo hôn làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cải thiện điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Để từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này, từ năm 2015, Bắc Cạn triển khai kế hoạch thực hiện mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Theo Ban Dân tộc Bắc Cạn, giai đoạn một, đơn vị tập trung xây dựng mô hình điểm tại xã Bộc Bố và Trường tiểu học - THCS Giáo Hiệu, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Đây là địa bàn diễn ra tình trạng tảo hôn phổ biến, ngay quãng thời gian từ giữa 2015 đến 2016 đã có tới 41 trường hợp ở tám xã tảo hôn. Đặc biệt, có năm học sinh bậc THCS, từ 12-15 tuổi nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng. Ban Dân tộc đã tập huấn thực hiện mô hình cho 29 cán bộ; biên soạn, cung cấp tài liệu tập huấn; thực hiện tuyên truyền, phát huy vai trò của trưởng thôn, già làng, người có uy tín. Đồng thời, xây dựng hai pa-nô tuyên truyền; vận động bốn cuộc với 70 em học sinh và 113 phụ huynh học sinh.
Năm 2017, Bắc Cạn tổ chức tập huấn cho 48 trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tại xã Bộc Bố và Giáo Hiệu (Pác Nặm) Ban Dân tộc tỉnh tổ chức sáu cuộc tuyên truyền cho 240 đại biểu là phụ huynh học sinh, nam nữ thanh niên, trưởng thôn, học sinh Trường tiểu học - THCS Giáo Hiệu. Ban Dân tộc phát 1.200 tờ rời với nội dung “Không tảo hôn để cuộc sống hạnh phúc hơn”. Sau hai năm triển khai mô hình điểm, đến năm 2017, ở Bộc Bố và Giáo Hiệu không còn tình trạng học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng; không còn xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Trưởng Ban Dân tộc Bắc Cạn Nông Văn Lung cho biết, công tác triển khai ở hai mô hình điểm đã đem lại kết quả tích cực. Do đó, từ năm 2018, Bắc Cạn nhân rộng ra thêm chín xã, gồm: An Thắng, Cổ Linh, Cao Tân, Công Bằng (Pác Nặm); Cốc Đán, Thượng Quan (Ngân Sơn); Lương Thượng, Vũ Loan (Na Rì) và Bình Trung (Chợ Đồn). Chúng tôi chỉ đạo cán bộ, địa phương tăng cường tuyên truyền qua chi hội đoàn thể nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, người có uy tín; sử dụng tài liệu tuyên truyền trực quan, sinh động như tờ rơi, phát đĩa DVD.
Có thể nói, Bắc Cạn đã nỗ lực rất nhiều để ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền địa phương. Có tình trạng biết thông tin đám cưới tảo hôn diễn ra nhưng hầu như chính quyền xã, đoàn thể chưa có biện pháp ngăn chặn. Thậm chí, có cán bộ xã được mời vẫn đến dự đám cưới bình thường. Rõ ràng, câu chuyện ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không dễ thay đổi ngày một ngày hai. Nhưng nếu như không có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả xã hội thì sẽ không có sự thay đổi và trên những mái nhà nghèo lưng núi vẫn còn những lời ru con buồn từ những bà mẹ trẻ đang tuổi cắp sách đến trường.