Đề xuất cấm thuốc lá điện tử

|

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, một trong những nhóm vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm chất vấn liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Giải pháp thiết thực bảo vệ sức khỏe nhân dân

ĐBQH Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đặt câu hỏi: “Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết việc đánh giá về thực trạng và giải pháp kiểm soát tình hình này?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta tập trung triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và đã triển khai được hơn 10 năm. Khi xây dựng luật này chưa có loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới.

Thực tế cũng như qua kênh thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức liên quan đến việc quản lý thuốc lá, thuốc lá nung nóng cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay đang tăng nhanh, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Cũng đã có rất nhiều báo cáo khoa học liên quan đến tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng tới tim, gan, loạn thần. Trong năm 2023, tại nước ta có 1.234 người điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Và trong mỗi năm có khoảng 40.000 người mắc bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe do thuốc lá.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dù chưa có quy định cho phép bán, nhưng do lợi nhuận, các hình thức tiếp thị, nhập lậu… các loại thuốc lá này vẫn tồn tại trên thị trường. “Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết và thời gian tới mong muốn sẽ có một nghị quyết của Quốc hội cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng khẳng định.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ trưởng Y tế, liệu có thể thực hiện được việc xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và chất kích thích cho trẻ em ở các địa phương hay không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian vừa qua. Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.

Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Trong đó có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế… Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.

Được chủ tọa điều hành mời tham gia làm rõ thêm vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội về thuốc lá điện tử và nung nóng. “Kinh doanh thuốc lá là kinh doanh có điều kiện và được quy định trong luật, nhưng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được định nghĩa trong luật, và thời gian dài vừa qua tồn tại khoảng trống pháp lý trong nội dung này. “Từ đầu nhiệm kỳ này, Bộ Công thương cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, rằng đã là sản phẩm có hại cho sức khỏe thì phải cấm”, ông Diên nói.

Ông Diên cho biết, vừa qua Bộ Công thương đã chỉ đạo quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý việc kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử. Bộ thống nhất đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách quản lý chặt chẽ sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để tránh khoảng trống pháp lý.

Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần, từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng tăng lên.

Đấu tranh quyết liệt với ma túy “núp bóng” trong thuốc lá điện tử

Trước đó, ngày 29/10, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hiện, Việt Nam đã ký tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới vào ngày 11/11/2004. Trong khuôn khổ Công ước đã kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa sự bắt đầu, khuyến khích và ủng hộ việc cai nghiện và giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức.

Tham luận tại hội thảo, Thượng tá Nguyễn Duy Trung, Phó Trưởng phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm, Bộ Công an cảnh báo: Qua theo dõi của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới và thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử. Đối tượng bị tác động, lôi kéo sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Trong nước, số vụ, số đối tượng, vật chứng bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Năm 2023, Công an cả nước phát hiện, xử lý 439 vụ/ 516 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy, Công an cả nước phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ/ 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.

Thuốc lá thế hệ mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện các doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất tại Việt Nam với số lượng lớn. “Nếu trước đây, các sản phẩm thuốc lá điện tử chủ yếu được nhập lậu, xách tay thì 2 năm trở lại đây các đối tượng đã nhập lậu các bộ phận sản phẩm, nhập lậu chất ma túy. Sau đó tổ chức pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy và rao bán tại thị trường Việt Nam với số lượng rất lớn.

Năm 2023, chúng tôi đã phát hiện, triệt phá kho sản xuất thuốc lá điện tử có tẩm chất ma túy với số lượng lớn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Tại đây, lực lượng phát hiện 3.500 sản phẩm thuốc lá điện tử trộn ma túy, 84 lít tinh dầu có chứa ma túy và phụ kiện để làm 10.000 sản phẩm”, Thượng tá Trung thông tin.

Thượng tá Trung nói thêm, đáng lo ngại, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng sản xuất, mua bán cốt CBD (có chứa cần sa tổng hợp) để bơm, tiêm vào thuốc lá điện tử. Các đối tượng thường xuyên tạo ra các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy (Ampire, găngster, Amtestdam, Bestas, Wukong…) với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị, chất ma túy khác nhau, đi liền với các quảng cáo (chủ yếu lợi dụng không gian mạng) gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại…) nhằm thu hút giới trẻ, đối phó với sự phát hiện, ngăn cấm, lên án của gia đình, xã hội, sự đấu tranh của lực lượng chức năng.

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề xuất, giao Bộ Y tế chủ trì tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành các quy định quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc lá thế hệ mới; đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử...

Cũng đồng tình với phương án cấm các sản phẩm thuốc lá mới, tại hội thảo, TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Qua số liệu thống kê cho thấy tình hình số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh (từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023); trong khi, việc kiểm tra, giám sát học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong nhà trường đặc biệt là ở ngoài nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả.

“Chúng tôi rất lo ngại khi học sinh sử dụng thuốc lá điện tử bởi nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của học sinh, mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của các em. Chúng tôi đề xuất cần sớm ban hành chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; có quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học; chế tài xử phạt và trách nhiệm xử lý của các đơn vị có liên quan”, TS Nho nói.