Quán cà-phê của những người đãng trí

|

Mỗi tháng một lần, quán cà-phê Orange Day Sengawa ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) lại thuê những người cao tuổi mắc bệnh đãng trí đến làm việc. Không chỉ giúp nhiều người bệnh cảm thấy bản thân hữu ích hơn cho xã hội, dự án của Orange Day Sengawa cũng được cho là giúp làm chậm tiến triển của chứng mất trí nhớ.

“Irashaimase” (tạm dịch là “Xin chào”), cụ ông Toshio Morita (85 tuổi) nói lớn mỗi khi thấy một người khách bước vào quán. Ông Morita, với vai trò là phục vụ bàn tiến đến bàn của khách song lại quên mất tập giấy ghi order. Ông cũng đặt nhầm bánh của khách này cho khách khác. Dù vậy, các khách hàng không tỏ ra bực dọc hay phàn nàn về những sai lầm. Bởi, họ đều biết rằng nhân viên tại Orange Day Sengawa hôm đó là người mắc chứng bệnh đãng trí.

Theo The Washinghton Post, nằm ở Sengawa, ngoại ô phía tây Tokyo, quán cà-phê nói trên đang triển khai dự án thuê người cao tuổi mắc chứng mất trí nhớ làm phục vụ mỗi tháng một lần trong khoảng một giờ đồng hồ. Ý tưởng của dự án bắt đầu là do chủ của quán cà-phê cũng có cha mẹ mắc chứng mất trí nhớ. Các nhà sáng lập dự án hiện phối hợp với chính quyền địa phương để kết nối với các bệnh nhân sa sút trí tuệ trong khu vực.

“Ở đây vui quá. Tôi cảm thấy như mình trẻ ra”, cụ Toshio Morita hào hứng nói. Trong suốt thời gian làm việc, ông không ngừng trò chuyện với khách hàng. Trước đây, cụ Toshio từng làm nhân viên bán bảo hiểm và Chủ tịch Hiệp hội khu phố đang sống. Tuy nhiên, kể từ hai năm trước, cụ bắt đầu có các triệu chứng sa sút trí tuệ khi không còn nhớ tên những người hàng xóm.

Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, để người già đi làm thêm trong các môi trường an toàn là một cách hiệu quả để họ cảm thấy bản thân còn hữu ích. Hành động này được đánh giá là chìa khóa làm chậm sự tiến triển của chứng mất trí nhớ, một căn bệnh thoái hóa thần kinh chưa có thuốc điều trị. Trong khi đó, ước tính tại Nhật Bản, quốc gia có dân số già hóa, có đến sáu triệu người mắc chứng mất trí nhớ và dự kiến tăng lên 7,3 triệu người vào năm 2025.