Đa dạng liên kết

|

Không còn là lời đồn đoán, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề nghị gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Người phát ngôn đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Omer Celik cho biết, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia mọi nền tảng quan trọng, trong đó có BRICS.

Thông tin trên cũng được xác nhận từ phía Nga - Chủ tịch BRICS năm 2024. Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn gia nhập BRICS. Yêu cầu của Ankara sẽ được xem xét trước Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) vào tháng 10 tới.

BRICS thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi một năm sau đó. Từ tháng 1/2024, BRICS có thêm 4 thành viên mới, gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nếu được BRICS chấp thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên NATO đầu tiên tham gia nhóm “những viên gạch vàng”, vốn được xem là đối trọng ảnh hưởng với phương Tây.

Nằm giữa châu Âu và châu Á, với đường bờ biển ôm cả Địa Trung Hải, Biển Đen và eo biển nối liền hai vùng biển này, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí thuận lợi trong các tuyến thương mại toàn cầu. Để tận dụng yếu tố thuận lợi này, Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng mở rộng liên kết. Và BRICS là nền tảng kinh tế mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều cơ hội.

Tổng thống Erdogan từng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành quốc gia mạnh, thịnh vượng và có ảnh hưởng khi phát triển quan hệ đồng thời với cả phương Đông và phương Tây. Tham gia BRICS là sự tiếp nối chiến lược đa cực nhằm tiếp cận các thị trường và tuyến thương mại mới.

Tuy nhiên, nỗ lực gia nhập BRICS còn được nhìn nhận như thông điệp thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phương Tây, nhất là hành trình đàm phán gia nhập EU dai dẳng. Theo nhà phân tích Asli Aydintabas thuộc Viện Brookings (Mỹ), Ankara không muốn rời NATO, không từ bỏ nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song thúc đẩy đa dạng hóa các liên minh để phòng ngừa rủi ro.

Việc gia nhập BRICS phản ánh chiến lược đa dạng liên kết của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách hợp tác với cả phương Tây và những quốc gia nền tảng then chốt còn lại của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng đến một vị thế đặc biệt mà không phải quốc gia nào cũng làm được.