Lịch sử lâu đời của Louvre

|

Trước khi trở thành bảo tàng nổi tiếng bậc nhất thế giới, Louvre từng là pháo đài chống người Anh, cung điện của nhiều đời vua Pháp, nhân chứng cho các sự kiện lịch sử lớn lao.

Pháo đài bên dòng Seine

Theo Travel France, dù không thể xác định chính xác năm ra đời của Louvre, giới sử học đều đồng tình rằng công trình bên dòng sông Seine ban đầu được xây dựng như một pháo đài dưới thời Vua Philippe II vào cuối thế kỷ 12, là một phần trong hệ thống phòng thủ Paris nhằm chống lại nguy cơ từ người Anh. Nền móng của pháo đài năm xưa giờ vẫn nằm dưới lòng đất và đang được các nhà khoa học nghiên cứu.

Về cấu trúc, trung tâm Louvre là một lâu đài hình vuông đặt ven bờ sông Seine. Chạy dọc theo khối nhà ấy là hai dãy nhà khác. Lối vào chính của Louvre ngày nay đi qua kim tự tháp bằng kính được xây dựng năm 1989, kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp. Toàn bộ cấu trúc này không phải đã thành hình ngay khi ra đời mà bị tàn phá rồi được trùng tu, mở rộng liên tục suốt 800 năm. Quá trình ấy được thực hiện bởi nhiều thế hệ, còn bản thân Louvre cũng thay đổi vai trò và công năng sử dụng nhiều lần.

Thế kỷ 13, Vua Louis IX, cháu của Philippe II, đã mở rộng pháo đài, xây thêm một nhà nguyện và dãy nhà ở phía tây. Tới thế kỷ 14, Vua Charles V xây thêm tường lũy khiến vai trò phòng thủ của lâu đài gốc không còn quá quan trọng. Ông sau đó tiến hành cải tạo Louvre như một dinh thự, nâng cấp các chi tiết trang trí, thành lập thư viện hoàng gia tại đây.

Đến thời Phục Hưng, Louvre tiếp tục được tu sửa theo hướng phi quân sự bởi Vua Francis I. Ông xây dựng khu vườn hoàng gia Quai du Louvre, khu thi đấu thể thao và mở rộng thêm bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật đã có từ thời Charles V. Nhiều tác phẩm biểu tượng của Michelangelo, Raphael và Leonardo da Vinci được đưa về dưới thời Francis I, trong đó đặc biệt là bức họa nàng Mona Lisa.

Louvre lúc này bắt đầu mang dáng dấp của một công trình văn hóa, nghệ thuật. Các đời Vua Henry II, Charles IX, Henri III và Henri IV tiếp tục xu hướng đó. Các phần mới của pháo đài năm xưa đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic và Phục Hưng. Louvre dần trở nên bề thế, tráng lệ. Henri IV cũng mở rộng truyền thống tiếp nhận những nghệ sĩ hàng đầu thời ấy, do đó biến Louvre thành trung tâm nghệ thuật lớn của châu Âu giai đoạn này.

Chế độ quân chủ tại Pháp đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ 16, 17 đồng nghĩa Louvre có những điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn này, Louvre đã mở rộng diện tích gấp 4 lần.

Thay đổi lớn dưới Cách mạng Pháp

Nốt trầm hiếm hoi trong lịch sử Louvre đến vào thế kỷ 18 khi sự đi xuống của nền quân chủ Pháp khiến lâu đài này ít được quan tâm hơn. Sự xuất hiện của một loạt nhà trọ, cửa hàng và những quán rượu tạm bợ đã làm ảnh hưởng tới bộ mặt lâu đài bên dòng sông Seine. Louis XVI thậm chí đã từng nghĩ tới việc phá hủy toàn bộ lâu đài này.

Tuy nhiên, ông chưa kịp làm điều đó thì Cách mạng Pháp bùng nổ năm 1789. Cung điện Louvre bị quốc hữu hóa, trở thành tài sản quốc gia trong giai đoạn này, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của nó. Những nhà cách mạng Pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan tới số phận lâu đài này. Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Khai sáng, họ quyết định chuyển đổi công năng sử dụng của cung điện thành bảo tàng. 1793 cũng được lấy làm cột mốc ra đời Bảo tàng Louvre.

Thế kỷ 19, lịch sử của Louvre gắn liền với dấu ấn lớn từ hai đời Napoleon. Hoàng đế Napoleon I xây dựng Khải Hoàn Môn nổi tiếng đồng thời cướp lấy nhiều tác phẩm nghệ thuật thông qua các cuộc chiến. Còn cháu trai ông hoàn thiện hai cánh cung xa hoa, xây thêm các phòng trưng bày, kết nối các khu vực của cung điện.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Louvre được Chính phủ Pháp tận dụng làm một điểm sơ tán cho người dân. Giai đoạn này cũng gắn liền với tên tuổi của Jacques Jaujard, người đã tổ chức di tản và bảo vệ các bộ sưu tập nghệ thuật tại Louvre khỏi nanh vuốt phát-xít Đức khi Paris bị chiếm đóng. Tình cờ khi sau này ông Jaujard sau này cưới một nữ chiến binh kháng chiến có mật danh Mozart, thiên tài âm nhạc mà nhiều di vật cũng đang lưu lại Louvre.

Bằng nỗ lực của bao nhiêu thế hệ, công trình kỳ vĩ này được bảo tồn và tiếp tục mở rộng đến tận ngày nay. Năm 1984, kim tự tháp bằng kính được xây dựng trước cổng chính vào bảo tàng bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Trung Quốc Ieoh Ming Pei. Năm 2012, một khu trưng bày nghệ thuật Hồi giáo cũng được khánh thành tại Louvre.

Louvre ngày nay

Pháo đài năm xưa giờ là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, nơi lưu giữ hơn nửa tỷ tác phẩm nghệ thuật và 35.000 trong số ấy hiện được trưng bày công khai. Nếu dành 30 giây cho mỗi tác phẩm trong liên tục 24 giờ mỗi ngày, bạn sẽ xem hết được bộ sưu tập hơn nửa tỷ tác phẩm của Louvre trong khoảng... 200 ngày. Hơn 500 bộ phim, tiểu thuyết, bài hát đã được viết với niềm cảm hứng từ Louvre, mới nhất và nổi tiếng hơn cả có lẽ là bộ phim “Mật mã Davinci”.

Riêng bảo tàng này đón 9,6 triệu lượt khách đến thăm mỗi năm, đa số là người nước ngoài. Hầu hết đến để được chụp hình với bức họa Mona Lisa hay tượng Thần vệ nữ Milo. Nhưng Louvre không chỉ có vậy. Từng góc cạnh, bức họa, tấm phù điêu nhỏ nhất của bảo tàng này đều ghi dấu ấn của lịch sử và nghệ thuật. Bản thân tòa nhà đã là một kiệt tác kiến trúc. Thí dụ, kim tự tháp kính không chỉ là công trình trang trí, nó còn cung cấp ánh sáng tự nhiên cho hàng loạt phòng trưng bày ẩn phía dưới.

Điểm thú vị của Louvre là tư tưởng chấp nhận sự đa dạng. Bảo tàng có những tác phẩm lừng danh của châu Âu như Pháp, Italy, Áo... và cũng có đại diện từ các nền nghệ thuật khắp thế giới. Người Pháp không từ chối những nền văn hóa khác. Sự xuất hiện của kim tự tháp kính hay khu nghệ thuật Hồi giáo là bằng chứng.

Nhắc tới Louvre thì phải nói về bức họa Mona Lisa. Đây là kiệt tác của Leonardo da Vinci, được ca ngợi như là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại. Theo Paris City Vision, Mona Lisa được vẽ những năm đầu thế kỷ 16, được Leonardo mang theo khi ông tới Pháp dưới lời mời của Vua Francis I. Vị vua này sau đấy mua lại tác phẩm và bức tranh thuộc sở hữu của người Pháp tới ngày nay.

Tranh cãi về danh tính người phụ nữ, phương pháp hội họa cùng những ẩn ý mà Leonardo cài cắm trong bức Mona Lisa đã bùng lên ngay từ thời đó và kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Tác phẩm được các đời vua Pháp bảo quản ở nhiều cung điện khác nhau và bắt đầu trưng bày tại Louvre từ năm 1797. Tác phẩm này giống như cung Louvre, cũng gắn liền với những thăng trầm của nước Pháp. Nó từng được gắn trên tường phòng ngủ của Napoleon, từng bị đánh cắp khỏi Louvre hồi năm 1911.

Trong thời gian ở Louvre, bức họa Mona Lisa từng bị ném đá, bị cắt bằng lưỡi dao lam, bị phun sơn đỏ. Tác phẩm ngày nay được bảo vệ bằng kính chống đạn. Louvre đã sắp xếp một quy trình tham quan mới để mỗi nhóm du khách ngày nay có khoảng 30 giây ngắm nhìn kiệt tác nghệ thuật này. Bảo tàng cũng bố trí một khu vực riêng, chung quanh trống trải để dành riêng cho bức họa huyền thoại.

Tại Olympic Paris vừa qua, Louvre đã mở một khu trưng bày về Thế vận hội. Du khách đã được khám phá sự ra đời của Olympic cổ đại, lịch sử hiện đại, bối cảnh chính trị, các cột mốc và biểu tượng của sự kiện này. Người Pháp tự hào tin rằng đấy là bằng chứng cho tinh thần hội nhập, sáng tạo và không ngại thay đổi mà Louvre đã thể hiện trong suốt 800 năm lịch sử.