Trong văn phòng của nhà sinh vật học Dennis Brennecke tại Trường đại học Kiel (CAU), thành phố Kiel (Đức), hàng nghìn mẫu rác thải nhựa thu thập từ các sông, suối, dòng kênh hay ngoài đại dương, được gửi về đây để thống kê, phân tích. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Plastic Pirates - go Europe!” (PPgoE), là sáng kiến chung của các nhà nghiên cứu CAU và Viện Giáo dục Khoa học và Toán học Leibniz (IPN).
Theo The Global Magazine, sáng kiến bắt đầu từ năm 2016, khi TS Brennecke và các đồng nghiệp của ông triển khai thu vớt nhựa ở các tuyến đường thủy địa phương nhằm đánh giá tác động môi trường. Sau đó, ông mở rộng liên kết với các trường đại học, trung học để kêu gọi sự tham gia của các sinh viên, học sinh vào hoạt động thu gom mẫu nhựa. Mỗi người tham gia PPgoE được phát một bộ thiết bị bao gồm sách hướng dẫn, lưới thu rác, biểu mẫu thống kê… Những thành viên của dự án sau khi ghi danh, sẽ trực tiếp thu gom mẫu để gửi về phòng thí nghiệm tại CAU.
Là một thành viên của dự án, tình nguyện viên Sára Szomráki cho biết, mỗi đội PPgoE đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau, như lấy mẫu, phân loại rác thải thành những nhóm nylon hoặc bao bì nhựa, dán nhãn và ghi lại địa điểm thu gom. Mỗi công đoạn đều rất quan trọng vì những chi tiết này sau đó sẽ được lưu lại trên bản đồ kỹ thuật số. “Em rất buồn khi chúng ta đang vứt quá nhiều rác và tình trạng đó diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Em cũng hy vọng mình có thể đóng góp một phần để dọn dẹp, làm sạch môi trường”, Szomráki nói.
Trong những năm qua, PPgoE từ một dự án khoa học đã phát triển thành chiến dịch hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, đặc biệt là rác trên biển. “Rác thải nhựa có thể tìm thấy trên sông, suối và sớm hay muộn cũng sẽ trôi ra đại dương. Chúng tôi mong muốn khám phá và phân tích đường đi của nhựa từ đất liền qua các dòng suối ra đại dương, tìm hiểu được những loại rác gì đang đổ ra các đại dương trên thế giới giúp giới khoa học và nhà hoạch định chính sách có khả năng phản ứng tốt hơn”, TS Brennecke cho biết thêm.
Kể từ tháng 1/2022, sáng kiến này đã được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và mở rộng như một hoạt động khoa học chung toàn châu Âu. Trong đó, các lớp học hoặc nhóm thanh thiếu niên từ 10-16 tuổi, được kêu gọi đăng ký cung cấp dữ liệu về nhựa và vi nhựa thông qua rác thải được tìm thấy trên sông và biển.
Năm 2023, chỉ riêng ở Đức, gần 20.000 học sinh, sinh viên đã tham gia vào các nhiệm vụ thu thập, ghi chép và lập danh mục rác thải trên các tuyến đường thủy và bờ sông. Sự tham gia rộng khắp này giúp cho các nhà khoa học thu thập lượng lớn dữ liệu đa dạng và ở nhiều địa điểm hơn so những nhóm nghiên cứu thông thường trong cùng một khoảng thời gian. Đồng thời, giúp dự án có được dữ liệu khoa học chất lượng cao. Đến nay, có thêm nhiều viện nghiên cứu ở các nước châu Âu tham gia phân tích dữ liệu và mẫu.
Nhà nghiên cứu Mateja Grego làm việc tại Viện Sinh học quốc gia ở Ljubljana (Slovenia), là thành viên trong mạng lưới PPgoE. Công việc hiện tại của cô là giúp kiểm tra các mẫu vi nhựa được gửi đến và cung cấp cho giáo viên hoặc điều phối viên khác tài liệu và lưới lấy mẫu. Cô giải thích: “Hiện chúng tôi có mạng lưới tương tự như vậy ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Hungary, Latvia, Lithuania, Áo và tất nhiên tại phòng thí nghiệm ở Đức. Các phòng thí nghiệm tham gia giúp phân tích và cập nhật dữ liệu nhanh chóng, kịp thời hơn”.
Bằng cách nâng cao nhận thức và thu hút giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, PPgoE đang truyền cảm hứng cho một thế hệ mới hành động và tạo ra sự khác biệt. Đồng thời, các công dân trẻ châu Âu có thể đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu hiện trạng các dòng sông ở khu vực cũng như mức độ và tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.