Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp

|

Một nông dân số sẽ trông dữ liệu chứ không phải "trông trời, trông đất, trông mây". Không chỉ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống… mà họ còn mua cả dữ liệu để phục vụ sản xuất. Tương lai này đang dần được hiện thực hóa với nỗ lực trong công cuộc số hóa.

Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo phê duyệt của Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước nhà đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số. Nhiều giải pháp về nông nghiệp thông minh do chính những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển đã được ứng dụng vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Dần hình thành hệ sinh thái số nông nghiệp

Tại một gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Gia Lai, chị Tần Lâm Phương Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai nhiệt tình giới thiệu với người tiêu dùng về công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng quét mã QR trên mỗi sản phẩm.

Chị Tần Lâm Phương Tâm cho biết, đây là công nghệ mới mà HTX ứng dụng và được người tiêu dùng đánh giá rất tích cực. Công nghệ mới này cho biết chi tiết thông tin sản phẩm, cảnh báo về nguy cơ làm giả sản phẩm, hay khuyến cáo về hạn sử dụng đã hết… Qua đó giúp tăng uy tín của doanh nghiệp, minh bạch thông tin và thuận lợi để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp nằm trong hệ sinh thái VNPT Green do Tập đoàn VNPT nghiên cứu phát triển và đã được thử nghiệm ở 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, hiện đơn vị này cũng triển khai cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp cho chính quyền địa phương ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Hệ thống giúp cắt giảm giấy tờ, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ người dân khai thác thông tin nông nghiệp trên ứng dụng di động. Đây cũng là công cụ để giám sát, theo dõi và quản lý tổng thể toàn ngành nông nghiệp, tích hợp với các cơ sở dữ liệu dùng chung tạo thuận lợi để các ứng dụng nhiều giải pháp số.

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: “Định hướng đến 2025, hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT sẽ kết nối với các hệ thống thông tin chính phủ nông nghiệp số nhằm hỗ trợ phía chính quyền điều phối, giám sát, cấp phát mã số vùng nuôi/trồng, quản lý sâu bệnh dịch hại, truy xuất nguồn gốc”.

Thực tế, các giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp thời gian qua đã mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như người nông dân trong việc hiện đại hóa sản xuất, rút ngắn khoảng cách từ đồng ruộng tới bàn ăn, đồng thời nâng cao giá trị nông sản.

Về tiêu thụ nông sản, thống kê từ các địa phương cho thấy, năm 2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 - 25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.

Hay trong lĩnh vực trồng lúa, nếu áp dụng các công nghệ chuyển đổi số thì sẽ tiết kiệm được 2.000 – 3.000 đồng/kg khi mua phân bón và các dịch vụ khác. Từ đó, sản phẩm đầu ra sẽ rất dễ cạnh tranh và đem lại lợi nhuận tốt hơn…

Chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội

Mỗi ngày, những nhân viên của Công ty TNHH Wecay đều tổ chức từ một đến hai phiên livestream trên các nền tảng mạng xã hội để chào bán các sản phẩm được làm ra từ cây quế tại địa phương. Bình quân mỗi buổi như vậy mang về cho doanh nghiệp từ 50 đến 100 đơn hàng cả sỉ và lẻ.

Không chỉ dừng lại ở các buổi livestream, giám đốc của doanh nghiệp cũng thường xuyên quay lại quy trình sản xuất các sản phẩm để đưa lên sàn thương mại điện tử như Shoope, Lazada… giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm.

Ông Đặng Thành Công, Giám đốc công ty cho biết, mọi người đều đã có thói quen mua hàng trên thương mại điện tử, nên chúng tôi phải tận dụng cơ hội từ các nền tảng này để kết nối với thị trường hiệu quả hơn.

Không chỉ thị trường trong nước, chuyển đổi số còn là cơ hội, yêu cầu bắt buộc đối với việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo ông Howard Hall, Cố vấn cao cấp ACIAR, ứng dụng công nghệ số xuất phát từ yêu cầu thực tế, bởi sẽ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ trở nên minh bạch, qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn được bảo đảm đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng. Công nghệ số cũng sẽ giúp người sản xuất đến gần hơn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả.

Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi, hiện tỷ lệ người nông dân ở khu vực nông thôn sử dụng điện thoại rất nhiều, mức độ kết nối internet cũng rất cao, thì đây là điều kiện rất tốt cho việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Số liệu thực tế cũng đã minh chứng cho nhận định này. Theo khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% số nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết, họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với ba quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, phát triển nông nghiệp nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ; hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu; tỷ lệ dịch vụ công toàn trình mới đạt 16% trong khi mục tiêu của Chính phủ là 80%; tỷ lệ dữ liệu được thống kê và kết nối được chưa cao; còn thiếu hụt nhân lực chuyển đổi số, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GDP còn thấp.

Bên cạnh đó, nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ…

Nhìn nhận thực tế này, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã đến lúc kinh tế tri thức phải được đưa vào cánh đồng và nhà máy. Sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. “Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường thiếu thông tin về sản xuất. Việc chuyển đổi từ cách làm cũ sang cách làm mới dù khó khăn nhưng ngành nông nghiệp sẽ phải thay đổi để không lỡ nhịp đoàn tàu”.