Báo động gia tăng lượng khí thải CO2

|

Lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) và gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Mức tăng kỷ lục mới

Theo AP, Báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu được công bố ngày 5/12 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Báo cáo trên do các nhà khoa học từ hơn 90 tổ chức thực hiện, trong đó ước tính các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so năm 2022. Nếu tính cả lượng khí thải từ việc sử dụng đất, trong đó có các hoạt động như phá rừng, tái trồng rừng, cũng như các hoạt động của con người, thì lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 40,9 tỷ tấn trong năm nay và là mức tăng kỷ lục mới ghi nhận.

Chuyên gia sinh hóa Judith Hauck của Viện Alfred Wegner (Đức), một trong những tác giả của báo cáo cho biết thêm, thảm thực vật và các đại dương trên thế giới tiếp tục hấp thụ khoảng 50% trong tổng lượng khí thải CO2 của năm 2023. Tuy nhiên, phần còn lại tích tụ trong bầu khí quyển và đang khiến Trái đất ngày càng nóng lên. Con số này thay đổi mỗi năm tùy thuộc vào hiện tượng thời tiết El Nino hay La Nina có xuất hiện hay không, hoặc những vụ cháy rừng lớn có thể làm giảm đáng kể lượng hấp thụ CO2 tự nhiên này. Cháy rừng và thay đổi gió là hậu quả của BĐKH, khi gió thay đổi cũng có thể khiến đại dương hấp thụ ít CO2 hơn.

Cùng lúc đó, diện tích rừng suy giảm vừa làm tăng lượng khí thải vừa giảm khả năng hấp thụ khí CO2. Năm nay, cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến các vụ cháy rừng ở Canada ngày càng lớn và dữ dội hơn, với nguyên nhân được lý giải là do nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thay đổi. Nhà sử học chuyên nghiên cứu về hỏa hoạn, TS Stephen Pyne tại Đại học bang Arizona (Mỹ) cho biết: “Đây là một năm đặc biệt và chúng tôi đang nói về một thời kỳ giống như “kỷ băng hà”, nhưng thay vì Trái đất phủ đầy băng, chúng ta đang bước vào thời kỳ nóng lên và nhiều vụ cháy rừng hơn. Đây rõ ràng là trường hợp BĐKH bổ sung, làm tăng thêm sự bùng nổ và hủy hoại các khu rừng phương bắc. Ít nhất 100 đám cháy ở Canada trong năm nay dữ dội đến mức tạo ra “mây bão lửa”, có thể trải rộng đến 200 dặm (320 km), mang theo tro bụi cùng các mảnh vụn khác bay lên, giải phóng tia sét có thể gây cháy rừng. Tia lửa lại tiếp tục gây ra nhiều đám cháy khác, thiêu rụi nhiều cây hơn”.

“Đây lẽ ra là một bể chứa carbon tự nhiên, ngân hàng không khí của chúng ta, nhưng hiện nay ngân hàng này không ổn định. Đang có một vụ rút tiền ngân hàng ồ ạt. Nguy cơ cháy rừng lan rộng khi than bùn dưới mặt đất cũng là một kho chứa carbon khổng lồ và đến giờ có khả năng là một quả bom hẹn giờ”, nhà nghiên cứu nói thêm. Đối với Canada, bảo vệ những khu rừng khổng lồ trong thời đại BĐKH nhanh chóng hiện nay là thách thức rất lớn. Đất nước này có khoảng 10% diện tích rừng trên thế giới và một phần ba diện tích đất này đã bị đốt cháy trong 40 năm qua. Để so sánh lượng khí nhà kính do cháy rừng ở Canada phát thải, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu và phân tích khí nhà kính từ những khu rừng bị cháy, nhờ đó họ đo được chỉ riêng lượng CO2 từ sự kiện này đã là 1 tỷ tấn. Tổng cộng, có hơn 1,1 tỷ tấn khí thải CO2 sinh ra từ các vụ cháy rừng đến nay, gấp đôi tổng mức phát thải CO2 liên quan năng lượng ở Canada năm 2021.

Trung tâm Chữa cháy rừng liên ngành Canada (CIFFC) cho biết, tính đến tháng 7, lính cứu hỏa đã tham gia dập lửa tại 4.818 vụ cháy và tổng diện tích bị cháy vượt quá 12,2 triệu ha. Những đám cháy rừng lớn tạo ra những cột khói thậm chí bao trùm một phần nước Mỹ. Phần lớn lãnh thổ Canada đang bị hạn hán nghiêm trọng, với lượng mưa dưới mức trung bình trong nhiều tháng và nhiệt độ cao. Các nhà khoa học cho biết, quốc gia này đang nóng lên nhanh hơn so phần còn lại của hành tinh do vị trí địa lý của nó và đã phải đối mặt các hiện tượng thời tiết cực đoan, với cường độ và tần suất gia tăng do BĐKH.

Cháy rừng làm giảm khả năng hấp thụ CO2. Ảnh: AP

Một số giải pháp

Theo báo cáo, lượng phát thải khí nhà kính giảm ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhưng lại gia tăng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, cũng là những quốc gia có lượng phát thải lớn. Ở Ấn Độ, lượng khí thải bình quân đầu người thấp hơn đáng kể so EU nhưng lượng khí thải tính chung vẫn đang tăng. Trên toàn cầu, ngành công nghiệp đang phát thải lượng CO2 rất lớn. Khí thải từ than đá, dầu mỏ và khí đốt đều tăng, đặc biệt tại các khu vực đang phát triển kinh tế mạnh mẽ. Do nhu cầu điện tăng nhanh hơn, công suất năng lượng tái tạo dẫn đến nhiên liệu hóa thạch phải bù lấp sự thiếu hụt này. Lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nói trên đang đẩy thế giới ngày càng xa hơn mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ cho hay, lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030 để khống chế mức tăng nhiệt không quá 1,5oC. Tuy nhiên, thực tế là lượng khí thải đã tăng cao hơn trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra giai đoạn chững lại ngắn ngủi trong xu hướng đó, nhưng lượng khí thải hiện đã tăng trở lại tới mức cao hơn 1,4% so trước dịch Covid-19. Theo thống kê, ngành sản xuất công nghiệp phải chịu trách nhiệm một phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và đang chịu áp lực nặng nề trong việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Riêng ngành công nghiệp trong năm 2022 thải ra 6,3 tỷ tấn CO2, chiếm 12,7% lượng khí thải toàn cầu.

GS Pierre Friedlingstein tại Đại học Exeter (Anh), người đứng đầu dự án nghiên cứu về tỷ lệ carbon cảnh báo, thế giới sẽ khó có thể tránh được nguy cơ mức tăng nhiệt toàn cầu vượt quá mục tiêu 1,5oC mà Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 đề ra. Ông Friedlingstein kêu gọi các nhà lãnh đạo tại COP28 cần nhất trí cắt giảm nhanh chóng lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch để bảo đảm đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt không quá 2oC. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2oC so thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,5oC. Các nhà khoa học cho biết, mức tăng nhiệt hơn 1,5oC sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược, như những trận nắng nóng chết người, lũ lụt thảm khốc và khiến các rạn san hô chết hàng loạt.

Chuyên gia Julia Pongratz ở Trung tâm khí hậu LMU Munchen (Đức) nhấn mạnh, các biện pháp như lưu trữ CO2 dưới lòng đất hoặc dưới biển cũng được thảo luận nhiều lần tại các hội nghị khí hậu từ trước đến nay. CO2 có thể được thu giữ trong quá trình xử lý nhiên liệu, hoặc sau khi đốt cháy nhiên liệu và được vận chuyển đến nơi để lưu trữ lâu dài. Ngoài ra, các quy định về khử carbon trong ngành công nghiệp, phân tích các vấn đề chính sách cũng đồng thời được nghiên cứu giải quyết.

Tuy nhiên, các biện pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn và cho đến nay hầu như không chiếm một tỷ lệ đáng kể nào. Hiện tại, các biện pháp như thu giữ và lưu trữ carbon chỉ thu được 0,000025% lượng khí thải do nhiên liệu hóa thạch gây ra.