Truyền tải điện - Yếu tố then chốt của an ninh năng lượng

|

Lĩnh sứ mệnh “đi trước một bước”, truyền tải điện đóng vai trò xương sống cho ngành điện. Hệ thống hạ tầng điện đang làm tốt trọng trách là mạch máu chính của nền kinh tế, cũng như động lực thu hút dòng vốn đầu tư trong các lĩnh vực mới là công nghệ cao và kinh tế xanh.

Năm 2008, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) thành lập và chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở tổ chức lại các công ty truyền tải điện 1, 2, 3, 4, và các ban quản lý dự án (QLDA) các công trình điện miền bắc, miền trung, miền nam. EVNNPT được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 100% vốn điều lệ, giữ vai trò độc quyền nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện.

Bảo đảm truyền tải điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngay sau khi đi vào hoạt động từ năm 2008, EVNNPT đã phải đương đầu với nhiều thách thức lớn, như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế của đất nước và công ty mẹ - EVN hết sức khó khăn khi hệ thống lưới điện truyền tải quá tải trên diện rộng và thiếu vốn đầu tư trầm trọng.

Dẫu vậy, nhờ nỗ lực nội tại của ngành, cùng với ủng hộ, hỗ trợ đúng lúc từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác có hiệu quả của các đối tác, EVNNPT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Một số minh chứng thực tế có thể kể tới như, năm 2012, EVNNPT bảo đảm quản lý vận hành lưới truyền tải điện quốc gia an toàn, tin cậy, truyền tải hơn 331 tỷ kWh, trung bình mỗi năm tăng gần 12%, tỷ lệ tổn thất điện truyền tải trên lưới điện 220 kV - 500 kV năm 2011 là 2,56%, đạt chỉ tiêu kế hoạch, thấp hơn so với năm 2010 là 0,57%, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2012 tỷ lệ tổn thất chỉ ở mức 2,2%.

4 năm sau thành lập, EVNNPT đã đóng điện 179 công trình, khởi công gần 100 công trình với tổng giá trị đầu tư thuần đạt gần 29.000 tỷ đồng. Đặc biệt, EVNNPT cũng đã đóng điện kịp thời các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm đấu nối với các nguồn điện, các công trình chống quá tải, tăng cường năng lực truyền tải, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tới giai đoạn ngành điện phát triển nóng (nhất là về năng lượng tái tạo) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh - phát triển bền vững - giảm phát thải của quốc gia, trong khi vẫn phải bảo đảm góp phần giải quyết áp lực phụ tải ngày càng lớn và có sự chênh lệch giữa các vùng miền, lưới điện truyền tải tiếp tục phải bảo đảm vai trò là “xương sống” của ngành.

Dấu ấn tại năm 2020, lưới điện của Việt Nam đã kết nối với lưới điện các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia ở các cấp điện áp từ 22 kV tới 220 kV. Trong đó đã hoàn thành các công trình quan trọng như: Các mạch vòng 500 kV quan trọng khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và lân cận, các đường dây tăng cường năng lực truyền tải hệ thống như Pleiku -Mỹ Phước - Cầu Bông; các công trình lưới điện 500 kV đấu nối hoặc giải tỏa các nguồn điện quan trọng như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu...; các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng...; các công trình giải tỏa thủy điện khu vực miền bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; các công trình lưới điện bảo đảm cấp điện miền nam, TP Hà Nội và các phụ tải lớn.

Tới nay, khi Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch điện VIII được phê duyệt, trọng trách đặt ra với ngành điện càng lớn, những thành quả đạt được về hạ tầng truyền tải điện tiếp tục chứng minh vai trò và năng lực đảm nhiệm của EVN nói chung và EVNNPT nói riêng.

Chỉ tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện truyền tải thực hiện là gần 122 tỷ kWh, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2023 và bằng 52,15% kế hoạch năm 2024. EVNNPT và các đơn vị trực thuộc đã nỗ lực rất lớn, khắc phục khó khăn để hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành các dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất nguồn và bảo đảm cung cấp điện như: Các đường dây 220 kV mạch 2 Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Tháp Chàm, giai đoạn 1 đường dây đấu nối Nhơn Trạch 3; TBA 220 kV Phố Cao, lắp máy 2 TBA 220kV Thái Thụy, máy 2 TBA 220 kV Yên Hưng; lắp đặt tụ bù lưới truyền tải điện khu vực miền bắc…

Sự kiện khánh thành Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) - dự án trọng điểm quốc gia - đạt nhiều kỷ lục đáng khích lệ của ngành điện. Theo Thủ tướng Chính phủ đánh giá, công trình 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Sân chơi công bằng cho các nhà thầu

Để EVNNPT làm tròn trách nhiệm và đạt được những thành tích trong bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh truyền tải điện, chắc chắn phải nhắc tới vai trò đóng góp của những đơn vị nhà thầu trong thực hiện các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Giải phóng mặt bằng và vốn luôn là hai bài toán “muôn thuở” của các dự án truyền tải điện, đặc biệt là những dự án đi qua nhiều tỉnh, thành phố như đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối mới đây. Theo đó, việc trao trọng trách từng phần việc (gói thầu) ở mỗi dự án để hài hòa các yếu tố về chất lượng, tiến độ, minh bạch luôn đòi hỏi chủ đầu tư như EVNNPT phải cân nhắc rất kỹ, dựa trên quy định và năng lực của mỗi đơn vị dự thầu nhằm “chọn mặt gửi vàng”.

Có thể nhắc tới những đơn vị thầu có tiếng, ghi dấu ấn ở dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối vừa qua như: Công ty CP Tập đoàn PC1, Alphanam E&C, Công ty TNHH Điện – điện tử 3c, Công ty CP Yotek, Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT )...

Riêng Alphanam E&C đã liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn chỉ trong nửa năm đầu 2024. Đơn cử, Alphanam E&C được Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung lựa chọn là đơn vị thực hiện gói thầu số 20: Xây lắp đường dây từ VT130 đến VT142 thuộc Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa… Ngoài ra, Alphanam E&C còn trúng gói thầu số 56: Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT190 đến VT196 do Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc làm chủ đầu tư.

Những công ty nhỏ cũng đang có sự bứt phá "ngoạn mục”. Trong số này, có thể nhắc đến Công ty CP Yotek, với tuổi đời 13 năm nhưng đã “góp mặt” hơn 200 dự án truyền tải điện trên cả nước. Đơn cử, với đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, thời gian thi công đúng cao điểm dịch Covid 19. Những cấu kiện quan trọng cho dự án được lên kế hoạch vận chuyển bằng đường biển buộc phải tạm dừng. Doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao, thay thế bằng đường hàng không để vận chuyển hàng trăm tấn hàng từ Thụy Sĩ về Việt Nam. Ngày 30/12/2022, dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân cùng mạch đấu nối vào TBA 500 kV Thuận Nam đã chính thức đóng điện thông tuyến, đúng như kế hoạch đề ra.

Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, Yotek góp mặt gói thầu trạm 500 kV Thanh Hóa. Bằng nỗ lực của tập thể doanh nghiệp, gói thầu hoàn thành vượt tiến độ, góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành toàn tuyến đúng tiến độ. Tốc độ và chất lượng bảo đảm chính là yếu tố then chốt để Công ty Yotek dần xác lập vị thế trong lĩnh vực thi công, cung cấp hạ tầng truyền tải điện - một lĩnh vực “hẹp” nhưng có tính cạnh tranh cao với nhiều tên tuổi lớn trong ngành. Sự thành công đó càng trở nên thuyết phục hơn nếu nhìn vào đội ngũ lãnh đạo của công ty.

Chủ tịch Yotek, tiến sĩ chuyên ngành hệ thống điện Nguyễn Thanh Liêm nguyên là giảng viên Trường đại học Bách khoa. Kể từ ngày thành lập công ty, cùng với các cộng sự, ông đã vận dụng vốn tri thức của mình để tạo giá trị riêng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Giá trị xuyên suốt của thương hiệu Yotek thể hiện qua từng công trình, từng gói thầu từ vỏn vẹn vài chục triệu tới nhiều tỷ đồng suốt thời gian qua.

Không phải lúc nào, sự quyết tâm, khát vọng cũng có thể ngay lập tức mang đến thành công. Từ năm 2023 - 2024, Yotek tham gia 71 gói thầu nhưng chỉ trúng 21 gói (tỷ lệ 29,58%). Những trở ngại đó được lãnh đạo công ty coi là tất yếu. Qua đó công ty củng cố thêm quyết tâm cũng như cải tiến chất lượng cho những gói thầu tiếp theo. Đây là lý do giải thích vì sao Yotek đang là đối tác tin cậy, bền vững của nhiều tên tuổi lớn trong ngành như EVNSPC, EVNCPC, Toshiba, Vietronics, Dervaux…

Truyền tải điện tưởng như là một lĩnh vực hẹp, độc quyền của nhà nước, hóa ra đang rất sôi động bởi sự canh tranh khốc liệt. Các đối thủ, từ những thương hiệu lớn cho đến những thương hiệu còn non trẻ, đều có cơ hội sòng phẳng xác lập chỗ đứng. Ai cũng hiểu chất lượng, tiến độ là những yếu tố then chốt, nhưng không phải ai cũng có thể đi hết một chặng đường. Trong tương lai, lĩnh vực này hứa hẹn sẽ còn những cạnh tranh khốc liệt hơn nữa khi Dự án sửa đổi Luật Điện lực đang đi đến những bước cuối cùng.

Theo Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến, EVNNPT và các đơn vị đã vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải, đặc biệt đối với đường dây 500 kV Bắc - Trung trong điều kiện vận hành căng thẳng trong các thời điểm nắng nóng cao điểm để góp phần bảo đảm cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm nay.