Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

|

Tính trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đang thấp hơn Indonesia, Phillipines và Singapore. Các quốc gia này có chỉ số PMI tháng 4 lần lượt là 52,9 điểm, 52,2 điểm và hơn 51 điểm. Sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm tương đồng khác trong khu vực.

Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất của S&P Global cho thấy, PMI ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong

tháng 4, ở mức 50,3 điểm. So với con số 49,9 điểm hồi tháng 3, kết quả PMI tháng 4 cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã cải thiện nhẹ.

Điểm tích cực của kỳ khảo sát này nằm ở sự phục hồi mạnh mẽ của số lượng đơn đặt hàng mới, với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2022. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết, nhu cầu thị trường đã cải thiện và họ đã thành công trong việc thu hút khách hàng mới. Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng 4/2024 cũng tăng nhẹ trở lại, nhưng mức tăng thấp hơn so với số lượng đơn đặt hàng mới.

Ngoài ra, một nhân tố khác cũng góp phần giúp số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 4 là giá bán hàng hóa đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh các doanh nghiệp phải cạnh tranh về giá và đáp ứng yêu cầu chiết khấu từ khách hàng. Chi phí đầu vào tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 4 do giá dầu, đường và chi phí vận chuyển tăng. Vì mức độ tăng tương đối nhẹ nên các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc hạ giá bán mà không gây quá nhiều áp lực lên biên lợi nhuận.

PMI của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình

Tuy nhiên, kết quả của Việt Nam vẫn thấp hơn PMI toàn phần ngành sản xuất ASEAN tháng 4 khi đạt 51 điểm, dù chỉ số này đã giảm điểm so với mức 51,5 điểm của tháng 3. So với ASEAN, PMI của Việt Nam đang thấp hơn Indonesia, Phillipines và Singapore, các quốc gia này có chỉ số PMI tháng 4 lần lượt là 52,9 điểm, 52,2 điểm và hơn 51 điểm.

Nhìn nhận về kết quả này, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số PMI của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN cho thấy, ngoài rào cản liên quan đến xu hướng kinh doanh mới như tín chỉ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm trong nước cũng khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng khác ở các nước trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu do giá thành cao hơn, trong khi các chính sách như khuyến mãi, duy trì bảo dưỡng khi đưa sản phẩm vào sử dụng chưa cạnh tranh nên khách hàng không lựa chọn. “Nếu không nhanh chóng chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ chậm chân so với các nước trong khu vực trong cuộc đua tìm kiếm đơn hàng truyền thống và đơn hàng mới”.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, trong 4 tháng đầu năm, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, đến nay, May 10 có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III. Ngoài các thị trường truyền thống, những thị trường mới khai thác trong năm 2023 như Canada, ASEAN, Trung Quốc cũng đã có tín hiệu đặt hàng tương đối tốt.

Tuy vậy, ông Việt cũng cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa thật sự ổn định do thị trường còn nhiều bất định và rất nhạy cảm với các biến động kinh tế - chính trị, giá cả hàng hóa nói chung vẫn duy trì ở mức thấp, áp lực giá gia công duy trì thấp chưa đem lại hiệu quả cho nhà sản xuất. “Tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang cao, vì vậy người tiêu dùng có xu thế thắt chặt chi tiêu nên chưa thể tăng giá sản phẩm. Hiện, chúng tôi mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá”, ông Thân Đức Việt nhìn nhận.

Nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh

Ông Thân Đức Việt đề ra một vài giải pháp như, để bù đắp vào chi phí đầu vào tăng trong khi đơn giá chưa có sự phục hồi, ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng, loại bỏ chi phí lãng phí, May 10 cũng đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, từ đó giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024, từ đó giảm chi phí đầu vào giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.

Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh, từ cuối tháng 11/2023 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng trở lại giúp khu vực sản xuất công nghiệp hồi phục mạnh và tác động tích cực chỉ số PMI nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy vậy, trong năm 2024, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, GDP dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%. Trong đó, nhiều nền kinh tế đối tác của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước đôi chút (như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc) có thể khiến nhu cầu về hàng hóa từ các thị trường này giảm xuống.

Để bù đắp, vị chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, như tập trung vào các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại song phương và đa phương, hay thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nỗ lực giảm chi phí để giảm giá thành sản xuất, cung ứng sản phẩm với chất lượng và giá cả phù hợp, từ đó có thể đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo đà cho hồi phục và phát triển tốt hơn.

Về dài hạn, ông Thịnh cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu (như cải cách thể chế của nhà nước, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, kỹ năng của người lao động, cơ sở hạ tầng, chí phí logistics…) kể cả trong xu hướng giảm và phục hồi của nền kinh tế.