Sự trở lại của điện hạt nhân

|

Hạn chế của năng lượng hóa thạch đi kèm nhu cầu bảo vệ môi trường đã buộc các quốc gia quay trở lại với điện hạt nhân, thứ từng bị quay lưng sau sự cố tại các nhà máy điện ở Nga và Nhật Bản. Thậm chí, thúc đẩy điện hạt nhân còn được coi là chìa khóa để chuyển đổi xanh và giảm ô nhiễm không khí tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Baku (Azerbaijan) vừa qua.

Vì sao điện hạt nhân trở lại?

Thập niên 30 của thế kỷ trước, các nhà khoa học phát hiện phản ứng phân tách nguyên tử lithium và urani sẽ giải phóng một nguồn năng lượng khổng lồ. Nghiên cứu ấy mở ra một cuộc chạy đua toàn cầu cả về năng lượng lẫn vũ khí. Năm 1945, thế giới lần đầu chứng kiến sức mạnh khủng khiếp của năng lượng hạt nhân qua hai vụ thả bom của Mỹ xuống Nhật Bản. Sau chiến tranh, các quốc gia càng đẩy nhanh việc nghiên cứu. Một loạt nhà máy điện hạt nhân được xây dựng tại Nga, Mỹ, Pháp... trong thập niên 50. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được thành lập năm 1957.

“Cơn sốt” điện hạt nhân chỉ hạ nhiệt sau những sự cố rò rỉ ở Chernobyl (Nga, năm 1986) và Fukushima (Nhật Bản, năm 2011). Tuy nhiên, nó đang trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chia sẻ với The New York Times, Sama Bilbao y Leon - Tổng Giám đốc Hiệp hội Hạt nhân thế giới, nhớ lại những cuộc đàm phán biến đổi khí hậu của LHQ mà bà đã dự suốt 20 năm qua: “Từng có thời không ai muốn nói về điện hạt nhân. Họ tin rằng hạt nhân chỉ là một phần của giải pháp bảo vệ môi trường”.

Ngày nay mọi thứ đã khác. Tại COP28 ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) năm ngoái, 22 quốc gia đã lần đầu đặt bút ký vào bản cam kết chung cho mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng điện hạt nhân toàn cầu vào giữa thế kỷ 21, qua đó nhằm hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên. Tới COP29 ở Azerbaijan, thêm 6 nước nữa ký cam kết.

Với những tiến bộ của khoa học cùng khả năng vận hành và bảo đảm an toàn, công nghệ điện hạt nhân đã có bước tiến đáng kể. Đó là cơ sở để nhiều quốc gia tin rằng, điện hạt nhân sẽ mang tới năng lượng sạch hơn, không thải ra khí CO2 và là nguồn năng lượng ưu việt của tương lai. Mỹ, Pháp, Canada đã phát triển mạnh điện hạt nhân từ lâu, sau đó có thêm những cái tên mới như Kenya, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh hay Nigeria. Chia sẻ với truyền thông vài tuần trước, Thủ tướng CH Czech, Petr Fiala tỏ rõ sự hào hứng: “Tôi hy vọng năng lượng hạt nhân ngày càng phổ biến trên thế giới. Nó là giải pháp cần thiết để chúng ta đạt được các mục tiêu về khí hậu”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự trở lại của điện hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Trước tiên liên quan tới năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt). Nguồn năng lượng chính yếu của kinh tế thế giới đang dần vơi cạn sau hàng thế kỷ khai thác liên tục. Năng lượng hóa thạch cũng là nguyên nhân chính làm Trái đất nóng lên. Anh, Mỹ và nhiều quốc gia đều đang nỗ lực tìm kiếm một nguồn năng lượng khác thân thiện hơn, dài hạn hơn.

Giải pháp thứ hai là năng lượng gió và mặt trời “xanh” hơn nhưng lại quá phụ thuộc vào thời tiết. Nhiều quốc gia không đủ điều kiện khí hậu để phát triển dạng năng lượng này. Mà ngay cả khi đã đầu tư mạnh, gió và mặt trời đơn giản là không cung cấp đủ năng lượng cho những nền kinh tế đang lên. Thổ Nhĩ Kỳ là một thí dụ. Quốc gia Trung Đông này đã đầu tư đáng kể cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhu cầu điện tăng tới 4% mỗi năm buộc ông Abdullah Bugrahan Karaveli, Chủ tịch Cơ quan năng lượng và hạt nhân quốc gia, phải thừa nhận không thể bảo đảm nguồn cung năng lượng nếu bỏ điện hạt nhân khỏi kế hoạch dài hạn.

Một nguyên nhân khác cho xu hướng phát triển điện hạt nhân là sự đi lên của công nghiệp ô-tô điện. Đây là ngành đang phát triển nhanh trên toàn cầu, thân thiện môi trường, sẽ trực tiếp hạn chế việc dùng năng lượng hóa thạch và làm tăng nhu cầu điện năng. Lý do thuyết phục khác liên quan tình hình địa-chính trị, khi Trung Đông và Đông Âu đều đang có những diễn biến căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung khí đốt và dầu mỏ toàn cầu. Đó là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia phải tìm một giải pháp năng lượng thay thế.

Vẫn còn những thách thức

Đương nhiên, điều đó không có nghĩa điện hạt nhân được cả thế giới chào đón. Theo The Guardian, giải pháp năng lượng này còn nhận được thái độ dè dặt từ một số quốc gia, đồng thời bị phản ứng mạnh bởi các tổ chức bảo vệ môi trường. Phe phản đối nghi ngờ các nhà máy nguyên tử liệu có còn an toàn không sau những sự cố trong quá khứ, thật sự là giải pháp tiết kiệm và quan trọng nhất là chúng có bảo vệ môi trường như hứa hẹn?

Tháng 4/2023, Đức đã đóng cửa 3 lò phản ứng Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Còn Nhật Bản, 13 năm sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cũng thể hiện thái độ dè dặt tương tự. “Chúng ta cần phải thực tế. Các dự án năng lượng hạt nhân thường không chắc chắn, chi phí trong tương lai có thể vượt qua tính toán ban đầu”, ông Shinichi Kihara - một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - khẳng định.

Cùng thời điểm năng lượng hạt nhân trở lại, nó cũng đối mặt phản ứng thiếu thiện cảm của nhiều nhà hoạt động môi trường. Bên ngoài hội nghị COP29 vừa qua, vài chục người biểu tình mang tới các biểu ngữ “Đừng hủy diệt khí hậu bằng vũ khí hạt nhân” hay “Ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân”. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức lẽ ra có thể đóng vai trò thúc đẩy tiến trình này, cũng chọn đứng ngoài cuộc khi không tài trợ bất kỳ dự án điện hạt nhân nào kể từ năm 1959.

Bất chấp những thách thức trên, xu hướng trở lại của điện hạt nhân trên toàn cầu vẫn dần lan rộng. Mỹ, siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới, công khai ủng hộ và tài trợ cho các dự án điện hạt nhân. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong những hội nghị quốc tế vài năm qua. Nhà trắng cũng đã công bố lộ trình chi tiết việc tăng gấp 3 sản lượng điện hạt nhân quốc gia tới năm 2050. Mới đây, Mỹ cũng xác nhận tài trợ gần 1 tỷ USD cho Ba Lan xây dựng 3 lò phản ứng hạt nhân mới. Một nước châu Âu khác là Romania hiện có 20% điện năng quốc gia từ hạt nhân và sắp hoàn thiện 2 lò phản ứng khác. Thổ Nhĩ Kỳ đang xây nhà máy đầu tiên ở bờ biển phía nam và dự định sớm triển khai hai nhà máy nữa. UAE đã sở hữu một nhà máy điện khổng lồ giữa vùng sa mạc.

Tại Đông Nam Á, năng lượng hạt nhân cũng được quan tâm đặc biệt. Beni Suryadi, chuyên gia của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), khẳng định: “Nhu cầu năng lượng của khu vực đang tăng lên. Việc tìm ra các giải pháp bền vững, đáng tin cậy là quan trọng hơn cả. Năng lượng hạt nhân, với tiềm năng ổn định và ít thải carbon, là không thể bỏ qua”.

Tính tới năm 2022, khoảng 66% điện năng của khu vực Đông Nam Á vẫn tới từ than, dầu mỏ và khí đốt, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm 33%. Tình hình sẽ cải thiện khi Indonesia, Thailand dự kiến có nhà máy điện hạt nhân vào khoảng năm 2035. Một số quốc gia khác trong khu vực cũng đang nghiên cứu nguồn năng lượng này và thể hiện rõ ý định phát triển.

Đáng chú ý là ngay tại Đức, sau khi chính phủ đóng cửa những lò phản ứng cuối cùng, một cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy hơn 50% người Đức ủng hộ điện hạt nhân. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) xác nhận điện hạt nhân hiện chiếm 10% sản lượng toàn cầu và con số ấy sẽ tăng nhanh trong vài năm nữa do những lợi ích mà nó mang lại.