Cơn bão tàn khốc nhất lịch sử nước Mỹ

|

Siêu bão Milton vừa qua đáng sợ nhưng “chỉ” khiến hơn 30 người chết, kém xa cơn bão lịch sử Galveston hồi năm 1900, khiến hơn 10.000 người chết, làm sụp đổ cả một vùng công nghiệp - tài chính đồng thời để lại vô số bài học đau thương cho nước Mỹ trong công tác phòng, chống bão.

Hủy diệt một vùng trù phú

“Đại bão Galveston” là cách gọi sau này của cơn bão đã tấn công nước Mỹ vào sáng sớm ngày 8/9/1900, theo Visit Galveston. Các báo cáo chính thức thường đưa ra con số 8.000 người chết, nhưng nhiều nguồn sử liệu tin rằng số nạn nhân thực tế phải từ 10.000 tới 12.000 người. Đô thị ven biển Galveston (phía đông nam bang Texas) là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, với khoảng 6.000 người chết. Đây là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ. Tính trên toàn Đại Tây Dương, đây là cơn bão có số người chết lớn thứ tư.

Những ngôi nhà hai tầng sụp đổ, cổ thụ bật gốc, tàu, thuyền, xe cộ bị cuốn trong gió bão. Không còn máy đo gió nào trong thành phố hoạt động được nhưng giới chuyên gia sau này tính rằng sức gió của bão Galveston phải xấp xỉ 200 km/giờ. Cơn bão kéo theo sóng thần tràn vào thành phố. Đến chiều tối, nước đã dâng cao 3 m. Khoảng 6.000 người tử vong trong một ngày, chủ yếu do trận lụt lớn. Cả một vùng thịnh vượng chìm nghỉm, biến mất. Khi nước rút, những gì còn lại chỉ là một bình địa không nhà cửa.

Cơn bão khủng khiếp này đã mãi mãi thay đổi Galveston. Nơi này vốn được mệnh danh là “Phố Wall miền nam”, là trung tâm tài chính, hải cảng sầm uất, sở hữu số triệu phú tính theo đầu người cao nhất nước Mỹ thời điểm ấy. Bất chấp những tàn phá khủng khiếp, Galveston từ chối trở thành một “thị trấn ma”. Những người còn sống đã phản ứng rất nhanh, cuộc họp của nhóm lãnh đạo được tổ chức khi nước còn chưa rút hết.

Bước đầu tiên của cuộc tái thiết là chăm sóc, cứu trợ người còn sống đồng thời dọn dẹp đống đổ nát. Nước biển rút để lại hàng nghìn thi thể khắp thành phố. Người dân Galveston buộc phải đưa người thân vào những hố chôn tập thể, hỏa táng nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh.

Vài tuần sau, điện, nước đã được khôi phục, đường dây điện thoại mới được lắp đặt. Các dịch vụ giao thông, vận chuyển hàng hóa, bến cảng và cả quán rượu cũng hoạt động trở lại. Vượt qua những tranh cãi khi chứng kiến thành phố thành bình địa, người dân Galveston kiên định xây dựng mọi thứ lại từ đầu. Để thành phố mới mọc lên từ đống đổ nát, các giải pháp ứng phó thảm họa tương tự cần được tính tới ngay. Hai trong số đó là xây dựng tường chắn biển và nâng độ cao các công trình.

Hội đồng gồm 3 kỹ sư đã đề xuất xây dựng một bức tường cao, chạy dọc bờ biển. Đoạn đầu tiên của tường chắn biển Galveston được hoàn thành chỉ sau 4 năm, dài 5 km, cao hơn 5 m. Phần tường đầu tiên ấy lập tức chứng minh vai trò trong những cơn bão biển năm 1909 và 1915, giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, cơn bão năm 1915 có sức mạnh tương đương Galveston, làm nước biển dâng cao 3,7 m nhưng nhờ tường chắn biển vừa xây dựng, khu vực này chỉ ghi nhận 53 người chết.

Trong năm 1905, 1927 và 1963, các đoạn tường bổ sung được xây dựng, góp phần hình thành hệ thống tường chắn biển dài hơn 17 km như ngày nay. Đây vẫn là bức tường chắn biển dài nhất nước Mỹ, đã trải qua hơn 100 năm tồn tại.

Cùng việc xây đê biển, chính quyền Galveston cũng nâng độ cao đô thị. Những đường ống dài hàng cây số được xây để vận chuyển cát từ biển vào nội thị. Số cát đó được chèn xuống dưới đất nền ban đầu, các tòa nhà, đường sắt, công sở... rồi được nâng lên theo từng phần, mỗi phần có diện tích vài trăm m2. Thách thức về nguồn lực, kỹ thuật và sự kiên trì cho toàn bộ quá trình là cực lớn ngay cả với những tiêu chuẩn xây dựng hiện đại. Ấy vậy mà người Galveston vẫn làm được. Sau 7 năm, vùng trung tâm Galveston đã bước lên một tầm cao mới theo nghĩa đen.

Vùng du lịch Galveston ngày nay. Ảnh: GETTY IMAGES

Những bài học để lại

Hơn 120 năm sau cơn bão khủng khiếp, Galveston vẫn hiên ngang trước biển, đúng như mong muốn của thế hệ đã dựng lại thành phố. Tường chắn biển Galveston dài 17 km ban đầu chỉ là một công trình thủy lợi. Tuy nhiên theo thời gian, nó đã trở thành một kỳ quan, điểm thu hút du lịch. Bức tường năm xưa giờ che chở cho một bãi tắm khổng lồ, trải dài nhiều cây số, kéo theo sự phát triển của hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi và dịch vụ đông đúc. Sau hơn một thập kỷ, nó vẫn là đê biển dài nhất, đồng thời là đường đi bộ ven biển dài nhất nước Mỹ. Nhiều cơn bão khác đã đến và đi nhưng đều bất lực trước bức tường này.

Cơn bão Galveston để lại nhiều bài học lớn cho công tác dự báo và phòng, chống bão của Mỹ. Tranh luận đầu tiên nổ ra liên quan tới vị trí các đô thị, rằng có nên tiếp tục mạo hiểm đặt đầu não kinh tế ở những vùng nhiều rủi ro khí hậu. Quan điểm ấy biến thành hành động, mở đường cho sự dịch chuyển trung tâm tài chính của Texas về Houston, nằm sâu 50 km về hướng đất liền, an toàn hơn và gần các tuyến đường sắt, mỏ dầu quan trọng.

Thảm họa Galveston cũng buộc người Mỹ phải để ý hơn tới hoạt động dự báo và hợp tác dự báo bão. Theo Accu Weather, nhiều báo cáo sau này cho thấy, một số nhà khí tượng nước ngoài đã cố gắng cảnh báo người Mỹ về cơn bão đang tới gần song thông tin này bị xem nhẹ. Bản thân người dân Galveston cũng không được cảnh báo đầy đủ. Sáng sớm hôm bão vào, vẫn có rất nhiều khách du lịch ra biển chơi. Khi họ nhận ra “có gì đấy không ổn” thì đã muộn.

Công tác dự báo ngày nay đã khác nhiều. Thí dụ, một cơn bão ở phía tây Đại Tây Dương có thể được nhận diện sớm từ Hải quân Mỹ, được cập nhật và trao đổi liên tục bởi cơ quan khí tượng của mọi quốc gia cùng khu vực. Nguyên tắc chia sẻ thông tin này cũng đang được áp dụng ở nhiều vùng biển khác trên toàn cầu.

Sự phát triển sau này của Galveston cũng chứng minh rằng con người hoàn toàn có thể thích nghi và tiếp tục cuộc sống ở những miền ven biển nhiều rủi ro. Báo cáo hồi tháng 9 cho thấy dân số Galveston đang tăng lên, kéo theo giá bất động sản trong vùng tăng theo. Sức hấp dẫn từ những ngôi nhà ven biển không giảm đi, chúng còn được củng cố thêm sau các nỗ lực trị thủy hiệu quả của chính quyền. Người ta vẫn đổ tiền vào các dự án mới, thậm chí có những khách sạn được xây chỉ cách bờ biển vài trăm mét.

Đúng như The Washington Post đã viết về Galveston, “hòn đảo chắn sóng này là minh chứng hùng hồn cho hình ảnh nhân loại đứng đối diện với thiên nhiên và sẽ không bao giờ khuất phục trước nó”.