Trình diễn ánh sáng đêm Giao thừa

|

Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức màn trình diễn ánh sáng để xác lập kỷ lục Đông Nam Á với 2.024 thiết bị bay không người lái (drone), biểu diễn vào trước thời điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2024.

Kế hoạch này đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội thông qua. Trong đó, lần đầu tiên Hà Nội xác lập kỷ lục về màn trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái kết hợp âm nhạc. Địa điểm dự kiến là ở hồ Tây (quận Tây Hồ) và đang nghiên cứu thêm ở sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Trong đó, màn trình diễn ánh sáng sẽ diễn ra trước thời điểm bắn pháo hoa đón Giao thừa, bắt đầu từ 23 giờ đến 23 giờ 30 ngày 30 tháng Chạp (tức ngày 9/2) và có kế hoạch kết nối điểm cầu để truyền hình trực tiếp.

Sự kiện này là điểm mới trong không khí vui tươi, chào mừng các kết quả đạt được trong năm 2023, bước vào năm 2024 với nhiều thắng lợi mới, tinh thần mới, cũng như thực hiện công nghiệp văn hóa Thủ đô. Trước đó, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong dịp Tết cổ truyền, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, trên địa bàn thành phố có tổng số 30 điểm bắn pháo với 32 trận địa. Ngoài các quận Hoàn Kiếm và Long Biên có hai trận địa thì mỗi quận, huyện, thị xã có một trận địa. Thời gian bắn 15 phút, từ 0 giờ đến 00 giờ 15 phút ngày 10/2 (tức đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn).

Tổng số pháo hoa tầm cao là 5.400 quả, pháo hoa tầm thấp là 3.570 giàn. Trong đó, mỗi trận địa tầm cao kết hợp tầm thấp sử dụng 600 quả và 90 giàn, còn lại mỗi trận địa tầm thấp sử dụng 120 giàn. Tổng kinh phí được tính toán là hơn 29 tỷ đồng sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa được huy động từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp gồm mua đạn pháo, thuê súng, thiết bị bắn, vận chuyển, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hiệp đồng, chi trả các lực lượng làm nhiệm vụ. Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán tại tất cả 30 quận, huyện. Năm 2021, thành phố không bắn pháo hoa để phòng chống dịch Covid-19 còn năm 2020 chỉ tổ chức bắn một điểm ở Công viên Thống Nhất và tường thuật trên truyền hình.

Trước đó, UBND thành phố cũng đã phê duyệt chủ trương về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn của ngành giáo dục. Theo đó, học sinh được nghỉ Tết tám ngày, bắt đầu từ ngày 7/2 đến hết 14/2 (28 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng). Như vậy, số ngày nghỉ Tết của học sinh Hà Nội bằng hai năm trước và nhiều hơn cán bộ, công chức, viên chức một ngày.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hà Nội dự kiến tặng 1,078 triệu suất quà cho các đối tượng, tổ chức, cá nhân tiêu biểu với tổng kinh phí hơn 552 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và các nguồn huy động khác. Bên cạnh đó, thành phố còn hỗ trợ 7.000 phiếu mua hàng tặng đoàn viên, người lao động khó khăn, mỗi phiếu giá trị 500 nghìn đồng trong chương trình “Chợ Tết công đoàn năm 2024”. Tổng số tiền hỗ trợ vé xe đưa công nhân lao động khu công nghiệp về quê đón Tết và đón trở lại làm việc sau Tết là 1,9 tỷ đồng. Dự kiến hỗ trợ 35 “Mái ấm công đoàn” cho 35 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, hỗ trợ, thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán hơn 21,7 tỷ đồng.