Sau câu chuyện nợ thẻ tín dụng chịu lãi 1.000 lần

|

Câu chuyện về khoản nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng sau gần 11 năm tại Eximbank đang cho thấy nhiều “lỗ hổng” liên quan lĩnh vực này. Vấn đề ở đây đến từ cả nhà phát hành và người sử dụng.

Thẻ tín dụng đang ngày càng trở nên phổ biến. Nếu như trước đây, thẻ tín dụng được xem là một sản phẩm chỉ dành cho người giàu thì đến nay đã được “phủ sóng” đến nhiều đối tượng, góp phần phát triển mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, thẻ tín dụng cũng được nhiều chuyên gia tài chính đánh giá là “dao 2 lưỡi”, phải đủ am hiểu thì mới nên sở hữu.

Lợi thì có lợi, nhưng…

Chia sẻ tại một talkshow về thẻ tín dụng, bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho biết, những năm qua, thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đa dạng về cả sản phẩm, đối tượng sử dụng.

Đến nay, cả nước có hơn 140 triệu thẻ thanh toán, trong đó có 10,2 triệu thẻ tín dụng. Giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng năm 2023 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.

Cũng theo bà Thanh, thẻ tín dụng góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo nên sự minh bạch cho nền kinh tế. Đối với người tiêu dùng, sản phẩm này giúp thanh toán mọi lúc, mọi nơi, khách hàng lại có thể chi tiêu trước, trả sau.

“Khách hàng cũng dễ dàng quản lý chi tiêu với thẻ tín dụng bởi hằng tháng, ngân hàng sẽ gửi sao kê rõ ràng từng khoản mục. Ngoài ra, cũng có thể tận dụng các chương trình ưu đãi của ngân hàng như hoàn tiền, chiết khấu trực tiếp… mang lại lợi ích tiêu dùng”, bà Thanh cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, thẻ tín dụng cũng mang lại những rủi ro cho người sử dụng khi chậm thanh toán, ảnh hưởng đến điểm tín nhiệm, dễ phát sinh giao dịch giả mạo nếu làm mất hoặc cho mượn thẻ. Bên cạnh đó, khách hàng được cấp khoản tín dụng nên dễ xảy ra việc chi tiêu vượt quá nhu cầu, vượt quá khả năng tài chính của bản thân.

Mới đây, câu chuyện nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau hơn một thập kỷ đã tăng lên thành 8,8 tỷ đồng tại Eximbank là một thí dụ điển hình cho rủi ro liên quan đến thẻ tín dụng. Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, để ra được con số nợ xấu “khổng lồ” như vậy, ngân hàng đã sử dụng cách tính lãi kép, tức là lãi chồng lãi, trong khi thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, thường 25-40%/năm, tùy thuộc vào ngân hàng, chưa kể phí phạt trả chậm lên đến 150%...

Bên cạnh những chia sẻ về vụ việc của Eximbank, cũng có rất nhiều bình luận, bài đăng trên mạng xã hội về việc đã từng gặp rắc rối, mất tiền “oan” vì thẻ tín dụng. Thậm chí, có người chia sẻ bản thân là chuyên viên khách hàng cá nhân tại ngân hàng mà cũng “từng mất thêm gần 4 triệu đồng chỉ vì thiếu nợ thẻ tín dụng hơn 10.000 đồng”.

Một số trường hợp khác cho biết, đã đăng ký trích nợ tự động, chuẩn bị sẵn số tiền cần thanh toán trong tài khoản, nhưng do ngân hàng thu phí giao dịch thông báo số dư dẫn đến số tiền còn lại bị hụt vài nghìn đồng so với số tiền phải thanh toán, dẫn đến việc bị thiếu nợ, nợ xấu.

Những “lỗ hổng”

Câu chuyện về khoản nợ từ 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng, vẫn còn những thông tin khác nhau, nên chưa thể khẳng định bên nào đúng, bên nào sai. Tuy nhiên, qua vụ việc này, cùng với những tình huống “trời ơi” mà nhiều chủ thẻ chia sẻ đã cho thấy phần nào việc mở thẻ, sử dụng thẻ, quản lý nợ thẻ tín dụng còn nhiều “lỗ hổng”.

Thực tế, đã có quá nhiều câu hỏi đặt ra đối với Eximbank liên quan đến việc tại sao để món nợ phát sinh và kéo dài đến 11 năm mà không xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng chủ thẻ rơi vào cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”? Liệu hệ thống quản lý của ngân hàng này có quá máy móc, cứng nhắc?

Theo nhận định của luật sư Thanh Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội), các tính toán cho ra kết quả tồn nợ như sự việc tại Eximbank chỉ có thể dựa vào thỏa thuận giữa các bên, hoặc quy định của pháp luật, hoặc cả hai. Vấn đề đặt ra là quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên như thế nào để đi đến kết quả “gây sốc” như vậy?

Cũng theo luật sư Hà, mặc dù đã có quy định về mức trần lãi suất là 20%/năm nhưng lãi suất cho vay thực tế của ngân hàng hiện nay dường như đang không chịu sự chi phối của quy định, đặc biệt lãi suất cho vay tiêu dùng đang bị thả nổi.

Hợp đồng vay tiêu dùng giao kết với ngân hàng mang hai đặc điểm là hợp đồng chung và hợp đồng với người tiêu dùng. Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều có quy định không cho phép đưa vào hợp đồng theo mẫu những điều khoản quy định việc chế tài theo hướng bất lợi hơn (mức bình thường) cho người tiêu dùng hoặc dẫn đến sự mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với ngân hàng, khách hàng vẫn dễ dàng trở thành bên yếu thế, bị thiệt thòi nếu xảy ra tranh chấp, bởi trong hợp đồng thường có các thuật ngữ chuyên ngành, điều khoản rối rắm, khó hiểu. Hay nói cách khác là ngân hàng sử dụng sự đặc biệt của từ ngữ để “lách luật”.

Chia sẻ thêm về những “lỗ hổng”, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, thông thường, quy định nội bộ ngân hàng bắt buộc các trường hợp nợ quá hạn đều ký thông báo, ký theo số hệ thống, sai sẽ bị lỗi nên cán bộ cứ thế ban hành thông báo nợ mà không có bất kỳ sự hướng dẫn ngoại lệ nào.

Ngoài ra, áp lực chỉ tiêu cũng khiến các chuyên viên ngân hàng mở thẻ cho khách bằng mọi cách, mà không có sự tư vấn kỹ lưỡng. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong quy trình quản lý mở thẻ tín dụng, quản lý các khoản nợ của khách hàng.

Về phía người tiêu dùng, cần phải xác định được rằng, thẻ tín dụng không phải là thứ mà ai cũng phải có. Nếu không thật sự có nhu cầu, không kiểm soát tốt chi tiêu thì không nên sở hữu, hoặc không nên mở thẻ tín dụng.

Đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế, tài chính Michael Nguyễn Minh, việc tiếp cận kiến thức quản lý tài chính ngay từ trên ghế nhà trường cũng là việc hết sức cần thiết, để trước hết là tự bảo vệ lấy mình, sau nữa là xây dựng một xã hội lành mạnh về các quan hệ tài chính.