Bà Trương Hải Yến, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Rừng quốc gia Cúc Phương:
“Cần phân tích nhiều mặt, cả tích cực lẫn tiêu cực”
Những năm trở lại đây, một số tổ chức bảo vệ động vật nói chung khuyến khích các địa phương, trong đó có các địa phương tổ chức lễ tế động vật bảo đảm đời sống hạnh phúc, không gây ức chế khi cho động vật ăn trước khi bị hiến tế hay tham gia đấu chọi. Không ít ý kiến không tán thành các lễ hội có chém, giết… động vật. Bởi lễ hội vốn mang ý nghĩa tạo không gian vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, trong trường hợp lễ hội sử dụng động vật theo tập tục địa phương, tôi khuyến nghị, cần cố gắng nuôi các loại gia súc trong điều kiện ít chịu tổn thương nhất có thể. Từ đó, người dân ăn những loại thịt sau lễ hội như vậy cũng ít tiếp nhận vào bên trong những năng lượng tiêu cực.
Đồng thời, lễ hội cần phải được soi chiếu từ nhiều góc độ. Mặt tích cực ta nhận thấy là gì, trong khi mặt tiêu cực là sát hại sinh vật, tốn chi phí, tiền bạc vào bạo lực, vào những hoạt động giải trí có tính chất bạo lực. Liệu như vậy có cần thiết không? Hay ta có thể đổi sang hình thức tổ chức khác lành mạnh hơn, hạn chế cảnh chém giết, đổ máu. Những nhà hoạt động vì động vật nên tập trung phân tích dưới góc nhìn đa chiều như vậy, thay vì bài xích, phán xét để tránh vấp phải những hiệu ứng trái chiều từ phía cộng đồng tổ chức lễ hội.
Chuyên gia tâm lý, TS Quách Thu Quế:
“Nên bảo tồn trong các tài liệu ghi chép, thay vì tổ chức hằng năm”
Những hình ảnh chém giết động vật mang tính chất bạo lực trong các lễ hội gây ảnh hưởng tới tâm lý của người xem, đặc biệt là trẻ em. Những lễ hội có nghi thức mang tính bạo lực nên thay đổi, có thể chỉ nên bảo tồn bằng việc ghi chép, vì không còn phù hợp bối cảnh mới. Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, hội nhập với thế giới nên những nghi thức chém giết động vật không những gây tổn thương tâm lý mà còn ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Đã đến lúc cần xem xét để giữ hình ảnh quốc gia.
Với sự phát triển của các phương tiện thông tin truyền thông như hiện nay, lễ hội không còn là của vùng miền, địa phương mình nữa. Bởi thế, không nên mang hình ảnh bạo lực trong tập tục của địa phương mình, đem ra cho mọi người chứng kiến. Chưa kể sự lan truyền trên mạng xã hội ảnh hưởng đến trẻ em - đối tượng người xem còn non nớt, chưa thể hiểu hết về lễ hội đã phải chứng kiến cảnh chém giết bạo lực. Ai có thể bảo đảm không ảnh hưởng đến hành vi của con trẻ sau này?
TS Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tôn giáo truyền thống, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam:
“Lên án việc bán thịt động vật sau nghi lễ, hoạt động”
Nhìn từ khía cạnh văn hóa, các hoạt động hiến tế này đều là tục hèm, tục thiêng. Mà nghi lễ có tính thiêng thì cần phải thực hiện ở không gian kín đáo, không để nhiều người nhìn thấy nhằm bảo đảm tính linh thiêng. Đưa việc tiến hành các tục hèm, tục thiêng vào không gian kín cũng đồng thời tránh được những ánh mắt từ mạng xã hội.
Việc sử dụng động vật trong lễ hội cũng là khuyến khích bà con địa phương tăng gia sản xuất. Như đối với lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), ẩn chứa trong lễ hội là hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất, trâu sau khi tham gia lễ hội sẽ được giết thịt. Việc giết thịt đã được hợp lý hóa trong lễ hội, dưới sự chứng kiến của thần linh, để người dân có được thức ăn tươi sống, phục vụ đời sống dân sinh. Thứ hai, việc con trâu được chăn nuôi cẩn thận để dự tuyển vào lễ hội đã góp phần kích thích sức sản xuất của bà con.
Tuy nhiên, trong lễ hội sử dụng động vật có hành vi rất đáng lên án, đó là bán thịt động vật. Trước đây trong lễ hội chọi trâu, thịt trâu không được bán mà sẽ được chia cho dân làng. Trong khi đó, hiện nay, thịt trâu bị thổi giá lên cao. Đây là hình thức buôn thần bán thánh, trục lợi từ tín ngưỡng.
TS Phạm Việt Long, Viện trưởng Văn hóa và Phát triển:
“Hãy nâng cao nhận thức bằng tuyên truyền”
Việt Nam là đất nước có truyền thống làm nông nghiệp, mà gia súc là sản phẩm của nền nông nghiệp đó. Thực chất, những nghi thức hiến tế động vật như vậy là sự trả ơn cho thần linh bằng những sản phẩm mình làm ra được trong quá trình lao động, sản xuất, nhờ sự phù hộ, độ trì của thần linh. Hay nói cách khác, đây là hành động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong đó, có những địa phương lựa chọn hình thức đâm trâu, chém lợn… Nhiều người lấy con mắt của xã hội hiện đại để đánh giá không tích cực thì chưa hẳn là đúng.
Dẫu vậy, vẫn có những địa phương, bà con đã nhận thức được và tổ chức những nghi lễ giết mổ động vật trong không gian kín. Việc làng Ném Thượng (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) trong những năm trở lại đây, thay vì chém lợn ngay ở sân đình, đã đưa vào không gian kín đáo là một tiến bộ trong nhận thức của người dân, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu cúng tế thần linh.
Chúng ta có thể vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay vì đưa ra quy tắc ứng xử chung cho các lễ hội. Tuyên truyền là rất cần thiết và cần có chiều sâu. Cần phân tích làm cho người dân thấy rằng, xã hội hiện nay đã phát triển, con người cũng cần những nhận thức khác với thế giới tự nhiên, thế lực tâm linh. Dần dần, trên cơ sở người dân hiểu được những vấn đề như thế, họ sẽ tự biết điều chỉnh những hành vi của mình, thay vì lên án, chỉ trích những lễ hội như vậy.