Người dọn rác lặng thầm

|

Bác Lan xóm tôi làm nghề dọn rác từ nhiều năm nay. Ba ngày một lần, trên đường làng lại vang lên tiếng nói to sang sảng: “Lấy rác, lấy rác. Nhà nào có rác mang ra để chở đi nốt nào. Nhanh! Nhanh”.

Cứ như thế, bác Lan trở thành người không thể thiếu ở xóm làng nhỏ bé của tôi. Bác đã 70 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Là phụ nữ nhưng bác có thân hình vạm vỡ. Mọi người bảo đáng lẽ bác là đàn ông mới đúng. Người làng ít khi thấy bác cười, thay vào đó là khuôn mặt cau có, khó ưa.

Bác làm việc rất tận tâm, có trách nhiệm nên đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ. Tính bác thẳng thắn không nên không phải là nói ngay. Nhiều khi vừa mới chuyển rác đi, một lúc sau quay lại thấy bừa bãi là khi họp bác thẳng thắn phê bình. Nhiều người nghe không hiểu sinh ra tự ái. Nhưng hiểu rồi lại thích tính cách của bác, có gì nói ngay nhưng lại nhanh quên chứ không thâm thù ai trong bụng. Có người hôm trước đôi co, nói bác chẳng ra sao, bác đáp trả cho một thôi nhưng có khi lần sau lại được bác vào tận nhà hỏi xem còn rác trong nhà hay không? Bác bảo: “Tui chả để bụng, có gì trôi sạch, sống dai, sống thọ”.

Những ngày đầu nghe cách bác lấy rác như đánh thức cả làng dậy, thú thật tôi không mấy hài lòng. Cái giọng choang choảng rất là khó ưa nhất là trong thời điểm nhiều người còn đang ngái ngủ. Nhưng nghe nhiều thành quen, không có lại thấy hụt hẫng. Thế rồi bác như trở thành cái đồng hồ của cả làng, không thể thiếu.

Một buổi sáng như sáng nào, tôi thức dậy đúng thời điểm bác Lan lấy rác như mọi ngày, nhưng chờ mãi, chờ mãi không thấy giọng nói choang choảng của bác đâu. Cổng làng, ngõ xóm lao xao về sự vắng mặt của bác. Chưa khi nào sự vắng mặt của bác lấy rác khó tính lại khiến cả làng đổ dồn vào sự quan tâm. Chẳng ai bảo ai, nhiều người trong làng đến thăm bác.

Bác Lan ốm, lần ốm hiếm hoi tôi biết. Tôi nghe mọi người kể lại bác là nữ thanh niên xung phong những năm đánh Mỹ. Giải phóng trở về với gia đình, người thân vỡ òa trong đau xót khi cả gia đình bác bị bom vùi chết trong một lần địch càn quét. Không nỗi đau nào hơn, không chịu nổi nỗi đau đó, bác tìm một nơi thật xa, nơi đó không biết mình là ai để sinh sống. Như một cơ duyên, bác đã đến làng tôi. Bữa đó lần đầu tiên tôi thấy bác Lan khóc khi được bà con xóm làng sang thăm, nấu bát cháo gạo rắc tí hành tươi, tía tô thơm phức. Bác nghẹn ngào nói: “Đây đã thật sự là quê hương thứ hai của tôi. Các anh, các chị, các cháu chính là người thân của tôi”. Nghe những lời của bác mọi người không ai kìm được lòng. Thế là từ nay, ở giữa một nơi xa lạ bác đã có gia đình của mình. Chung quanh bác là tình yêu thương ấm áp.

Mấy ngày sau, vẫn tầm tang tảng sáng, khi ánh sáng vừa tới, vẫn tiếng choang choảng của bác Lan vang lên: Rác đê, ai có rác mang nhanh còn kịp. Chẳng hiểu sao nghe giọng bác tôi thấy bình yên đến lạ. Tôi mở toang cửa, vươn vai, hà hít một hơi thật sâu giọt không khí yên lành. Trước mặt tôi là cây cối rung rinh trong làn gió xạc xào, thảm hoa xinh xinh đang cụng ly từng giọt sương sớm. Và con đường làng trở lên sạch sẽ bởi người lao động có những đóng góp lặng thầm.